TP.HCM: Kết nối giao thương hiện thực hóa bằng hàng chục hợp đồng thu mua
Đây là hoạt động liên kết vùng với sự phối hợp hành động của các cấp chính quyền TP.HCM và các tỉnh cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân rất hiệu quả thời quan qua để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Doanh nghiệp cung ứng giới thiệu hàng hóa tại các buổi kết nối giao thương |
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, Sở đã chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) và các Sở Công Thương địa phương tổ chức các hội nghị kết nối giao thương, kết quả thực hiện được 2.352 lượt tiếp xúc; ký 233 biên bản ghi nhớ, trong đó có 61 biên bản hiện thực hóa thành hợp đồng thu mua.
Theo đó, kết nối giao thương TP.HCM - các tỉnh Tây Nguyên (30-31/12/2022) với 10 hệ thống phân phối TP.HCM tiếp xúc với 103 nhà cung ứng của 6 tỉnh vùng Tây Nguyên và có 29 biên bản ghi nhớ được ký kết.
Kết nối giao thương TP.HCM - các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (10-11/3/2023) tổ chức 1 buổi kết nối B2B, 12 hệ thống phân phối TP.HCM tiếp xúc với 154 nhà cung ứng của 13 tỉnh, thành, có 45 biên bản ghi nhớ được ký kết, trong đó có 17 biên bản đã chuyển thành hợp đồng thu mua.
Kết nối giao thương TP.HCM - các tỉnh Đông Nam bộ (17-18/3/2023) đã khảo sát 2 cơ sở sản xuất, tổ chức 1 buổi kết nối B2B, 10 hệ thống phân phối TP.HCM tiếp xúc với 76 nhà cung ứng của 5 tỉnh Đông Nam bộ với 34 biên bản ghi nhớ được ký kết, trong đó có 8 biên bản được chuyển thành hợp đồng thu mua.
Kết nối giao thương TP.HCM - các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ (24-25/3/2023) tổ chức buổi kết nối B2B cho 9 hệ thống phân phối TP.HCM tiếp xúc vói 87 nhà cung ứng của 9 tỉnh và 43 biên bản ghi nhớ được ký kết, trong đó có 8 biên bản đã chuyển thành hợp đồng thu mua.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM, tại các hoạt động kết nối, cộng đồng doanh nghiệp tham gia khá đông với hơn 500 nhà cung ứng thuộc các địa phương; các Tổng Công ty, hệ thống phân phối lớn trong và ngoài nước, doanh nghiệp tiêu biểu thuộc các lĩnh vực thế mạnh của thành phố (logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng, chuyển đổi số,...); các doanh nghiệp chuẩn bị nhiều sản phẩm kèm thông tin chi tiết liên quan đến sản phẩm để giới thiệu với các doanh nghiệp, hệ thống phân phối lớn của TP.HCM, trong số đó nhiều doanh nghiệp đã tìm được cơ hội trong hợp tác phát triển kinh doanh.
Song song đó, lãnh đạo các địa phương rất quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp TP.HCM cũng như doanh nghiệp các địa phương trong quá trình đầu tư nhằm hình thành cơ chế phối hợp, trao đổi, kết nối, chia sẻ thông tin về thị trường, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thành phố và các tỉnh, thành thúc đẩy cơ hội hợp tác, đầu tư phát triển…
“Với 61 hợp đồng thu mua, 233 biên bản ghi nhớ được ký kết cho thấy các buổi kết nối B2B là kênh tiếp xúc thiết thực, cụ thể và cần thiết đối với nhà cung ứng và hệ thống phân phối khi tham gia kết nối giao thương, được doanh nghiệp, lãnh đạo các địa phương đánh giá cao. Tiếp tục hỗ trợ triển khai 61 hợp đồng đã được ký kết, Sở Công Thương TP.HCM đã theo dõi, đôn đốc hệ thống phân phối TP.HCM tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng đưa hàng hóa tiếp cận vào thị trường thành phố thường xuyên; đã đưa được nhiều sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền địa phương vào hệ thống phân phối, chợ đầu mối và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống tại TP.HCM để giới thiệu đến người tiêu dùng thành phố”, ông Phương cho biết.