TP.HCM tăng tốc chuyển đổi số logistics để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết đối với TP.HCM, logistics được xác định có vai trò là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế, TP.HCM đã phê duyệt đề án “Phát triển ngành logistics TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuyển đổi số để phát triển logistics và thông quan hàng hóa |
“Theo đó, TP.HCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%. TP.HCM sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750ha… Ngoài ra, các dự án có chức năng “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng; yêu cầu cao về kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, vốn, năng lực, kinh nghiệm xây dựng, quản lý, vận hành của nhà đầu tư...” ông Tuấn nêu rõ định hướng của TP.HCM về phát triển logistics.
Theo thống kê của Hiệp hội Logistics TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Số lượng doanh nghiệp logistics của TP. HCM với 11.027 doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương là 1.655 doanh nghiệp, Đồng Nai có 1.223 doanh nghiệp.
Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị yêu cầu phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh. Cùng với đó, tập trung xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM; hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng; phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP.HCM - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á. Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ, thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành và Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương.
Cảng biển TP.HCM tăng cường chuyển đổi số để thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa xuất khẩu |
Theo các chuyên gia kinh tế, ngành logistics đã phải đối mặt với những hệ lụy do ảnh hưởng của áp lực lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy,… tác động mạnh mẽ đến tình hình xuất nhập khẩu và hoạt động logistics. Sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt của phân khúc logistics ở khu vực thành thị, các thành phố lớn sẽ bắt buộc các doanh nghiệp phải mở rộng mạng lưới hoạt động kinh doanh của mình ra các thị trường khác. Cũng như sự phát triển của thương mại điện tử và xu hướng dùng điện thoại thông minh ngày càng nhiều, nhất là ở các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ kích thích mua bán, tiêu dùng và kéo theo hoạt động logistics phát triển.
Để phát triển ngành logistics, ông Phạm Văn Tài cho rằng các nước có ngành logistics phát triển tiên tiến như Singapore, Đức, Hà Lan đều phải chuyển đổi số logistics và quản lý cảng để thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, các nước đã tập trung vào việc xây dựng hệ thống thông tin liên kết và đồng nhất; áp dụng các công nghệ tiên tiến và tận dụng thông tin thời gian thực, giao tiếp giữa các bên liên quan. Cụ thể, Singapore xây dựng hệ thống thông tin đồng nhất và tích hợp, phát triển hệ thống thông tin liên ngành; Hà lan áp dụng công nghệ IoT (internet vạn vật) và hệ thống thông tin địa lý (GIS) cho logistics; Đức đã tạo ra một hệ thống thông tin logistics thông minh, kết nối để quản lý và theo dõi hoạt động vận chuyển hàng hóa. “Tóm lại bài học cho Việt Nam, cụ thể là TP.HCM là cần phải tăng tốc chuyển đổi số Logistics và cảng biển để thay đổi cách thức quản lý, vận hành trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu; Kết nối đồng bộ trong quản lý vận vận hành toàn bộ hệ thống hoạt động của logistics, cảng để giảm thiểu thời gian thông quan hàng hóa”, ông Tài khẳng định.
“TP.HCM mong muốn sẽ hỗ trợ cung cấp cho các doanh nghiệp những thông tin trong hoạt động phát triển và định hướng ngành logistics của TP.HCM và các tỉnh thành lân cận để có thể ứng dụng trong các hoạt động sản xuất và kinh doanh cũng như công tác nghiên cứu, học tập; qua đó hướng tới mục tiêu phát triển, nâng cao hiệu quả, tạo động lực và nền tảng cho các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ xuất khẩu”, ông Tuấn nói.