Ứng dụng blockchain cần có cơ chế
Ngành Ngân hàng Việt Nam được đánh giá đang bước vào công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ. Nhiều nhà băng đi nhanh trong việc sử dụng công nghệ đã bước vào giai đoạn thứ hai của chuyển đổi số là sáng tạo số với việc tích cực áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Open API, Big Data, công nghệ chuỗi khối (blockchain)…
Riêng với blockchain, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, với đặc tính phi tập trung, công nghệ này đã giải quyết được nhiều vấn đề nan giải về lòng tin, tính bảo mật… Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã nhận ra tiềm năng của công nghệ blockchain và tìm cách áp dụng vào các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, vận tải, logistics, y tế, giáo dục....
Ảnh minh họa |
Một số thành tựu nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ blockchain có thể kể đế́n trong lĩnh vực ngân hàng như NAPAS đã phối hợp cùng ba ngân hàng hàng là VietinBank, VIB và TPBank, thực hiện thử nghiệm thành công giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng bằng blockchain sau bốn tuần triển khai. Hiện cũng đã có một số NHTM tại Việt Nam thử nghiệm các giao dịch phát hành và thông báo L/C ứng dụng công nghệ blockchain như HSBC, BIDV, HDBank, MBBank, Vietcombank, VPBank. Điều này cho thấy, ứng dụng công nghệ blockchain ngày càng trở nên phổ biến và các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng không nằm ngoài xu thế.
ThS. Nguyễn Thị Hải Bình - Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, việc áp dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng đem lại rất nhiều lợi ích. Chẳng hạn như hoạt động thanh toán và chuyển tiền xuyên biên giới hiện đang được thực hiện bởi một số nhà cung cấp dịch vụ trung gian. Thông thường, thời gian chuyển tiền là từ 2 – 7 ngày, với chi phí trung bình khoảng 6,3% cho 200 USD. Tuy nhiên với công nghệ blockchain có thể được sử dụng như một giải pháp thanh toán và chuyển tiền xuyên biên giới, giúp tiết kiệm thời gian thanh toán và giảm chi phí một cách đáng kể.
Hay với các dịch vụ ngân hàng như giao dịch, cho vay, thế chấp... thường phụ thuộc vào các quy trình như xác minh thông tin, chấm điểm tín dụng, xử lý khoản vay, giải ngân,... Thời gian thực hiện các quy trình này thường kéo dài từ khoảng 30 đến 60 ngày đối với cá nhân hay 60 đến 90 ngày đối với các DN. Nhưng công nghệ blockchain có thể hợp lý hoá quy trình huy động và cho vay, hạn chế rủi ro đối tác và giảm thời gian chờ giải ngân.
Là ngân hàng đã thí điểm ứng dụng blockchain, bà Vũ Thị Hồng Nhung - Phó Trưởng phòng Chính sách Sản phẩm Bán buôn Vietcombank cho biết, ứng dụng blockchain mang đến nhiều ưu điểm vượt trội về minh bạch, bảo mật, tốc độ và chi phí. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành công nghệ này, ngân hàng cũng gặp nhiều thách thức.
Có thể kể đến đầu tiên là rào cản pháp lý. Thực tế, việc triển khai công nghệ blockchain tại các NHTM vẫn mang tính chất thí điểm, Việt Nam chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh cho các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng ứng dụng công nghệ blockchain nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch, hạn chế những rủi ro, tranh chấp phát sinh trong quá trình vận hành.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn một số trở ngại như chi phí nghiên cứu, đầu tư hạ tầng cao; yêu cầu tích hợp, chuyển đổi đồng bộ với các hệ thống, cơ sở hạ tầng khác đòi hỏi yêu cầu thời gian chỉnh sửa hệ thống...
“Khả năng mở rộng mạng lưới, kết nối đa phương là nhu cầu của nhiều ngân hàng. Chỉ khi nào mạng blockchain thực sự đủ lớn kết nối được các chủ thể, bao gồm chủ thể ở các quốc gia trên thế giới thì giao dịch mới có thể tiến hành thông suốt và trọn vẹn”, đại diện của Vietcombank lưu ý.
Thiếu hụt chuyên gia về công nghệ này cùng với mức độ am hiểu của người dân hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo cũng là một thách thức để ứng dụng blockchain. Mặt khác, việc xảy ra nhiều vụ việc rủi ro về tiền điện tử, lừa đảo của các sàn tiền ảo… cũng ảnh hưởng nhiều đến lòng tin của người dân đối với những công nghệ mới như blockchain.
Trước thực trạng nêu trên, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý thông qua việc sớm ban hành Nghị định quy định Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) về hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Cơ chế thử nghiệm sẽ cho phép các sản phẩm công nghệ tài chính được hoạt động trong phạm vi và thời gian xác định; cùng với đó là xác lập các biện pháp bảo vệ thích hợp để ngăn chặn các rủi ro, không ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính. “Luật Giao dịch điện tử sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua trong năm sau cũng hứa hẹn sẽ đem đến nhiều thuận lợi hơn trong việc áp dụng công nghệ mới, trong đó có blockchain”, một chuyên gia ngân hàng kỳ vọng.
Có thể nói, lĩnh vực blockchain tại Việt Nam mới chỉ trong giai đoạn đầu và còn khá mới mẻ, vì vậy các tổ chức kinh tế, tài chính cần chú trọng tới hoạt động hợp tác, nghiên cứu, trao đổi với các tổ chức, cơ sở nghiên cứu, công ty, tập đoàn về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ blockchain giúp tiết kiệm thời gian và chi phí nghiên cứu. Song song với đó, ngân hàng cần nhanh chóng hiện đại hóa cơ sở hạ tầng quản lý, tài chính, nền tảng công nghệ đang có của mình để áp dụng đồng bộ các ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động.