Uy tín - “tài sản” vô hình của ngân hàng
Uy tín ngân hàng Việt tiếp tục thăng hạng
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings vừa thông báo điều chỉnh nâng đánh giá Sức mạnh độc lập (VR) của Vietcombank và VietinBank, đồng thời nâng xếp hạng tín nhiệm Nhà phát hành nợ dài hạn của ACB. Sức mạnh độc lập của cả Vietcombank và VietinBank đều được nâng lên; triển vọng Nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của cả Vietcombank, VietinBank được Fitch đánh giá ở mức tích cực. Với ACB, ngân hàng này được nhìn nhận triển vọng IDR ổn định, sức mạnh độc lập cũng được được nâng lên so với trước.
Trước đó, VPBank cũng được tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s nâng mức đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) từ B1 lên Ba3, ngang với xếp hạng quốc gia Moody’s dành cho Việt Nam, với triển vọng tích cực. Nhiều ngân hàng gần đây tiếp tục nhận được nhiều giải thưởng từ các tổ chức uy tín quốc tế. Theo công bố mới nhất của Tạp chí quốc tế The Asian Banker, Agribank đạt thứ hạng 138/500 ngân hàng hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về quy mô tài sản. Agribank cũng được The Asian Banker nâng xếp hạng chất lượng hoạt động lên 96 bậc so với công bố năm 2020…
Với uy tín ngày càng cao NHTM Việt tiếp cận nguồn vốn quốc tế thuận lợi |
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, một chuyên gia tài chính chia sẻ, những ghi nhận từ phía các tổ chức quốc tế cho thấy uy tín của ngân hàng Việt trên trường quốc tế ngày càng được củng cố. Sự tin tưởng đó dựa trên nền tảng sức khoẻ tài chính của các ngân hàng được cải thiện. Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, các ngân hàng ngày càng đáp ứng tích cực các chuẩn mực quốc tế. Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II theo Thông tư 41, trong đó nhiều ngân hàng đã đáp ứng đầy đủ cả ba trụ cột của Basel II như VIB, Vietcombank, SeABank, VPBank… Thậm chí nhiều ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc đang thí điểm triển khai Basel III như TPBank, VIB, MSB…
Điểm đáng chú ý, trong bối cảnh tác động của đại dịch kéo dài, nguồn lực và an toàn vốn của các ngân hàng vẫn được củng cố, đặc biệt hệ số an toàn vốn của khối NHTMCP ở mức cao. Thống kê của NHNN cho hay, tổng tài sản toàn hệ thống các TCTD tăng gần 7,6% so với cuối năm trước. Dữ liệu do NHNN công bố cũng cho thấy, vốn tự có của nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN cũng tăng trưởng gần 30% so với cuối năm trước; Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của nhóm áp dụng theo Thông tư 41 cũng ở mức khá cao, đều vượt mức quy định của NHNN. Nhiều ngân hàng trong nhóm này còn có hệ số CAR như VPBank hệ số CAR đạt 12,42%, hay HDBank đạt 13%... Bản thân các nhà băng thời gian qua đã và đang rất nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, tích cực chuyển đổi số. Năm 2021, Việt Nam được Công ty tư vấn và quản lý toàn cầu (McKinsey) đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực. Điều này đã củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng hiệu suất sinh lời hoạt động khi chịu tác động của dịch Covid-19.
Củng cố nền tảng
Giới chuyên gia cho rằng, tiềm lực tài chính được củng cố đã giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu, các khoản vay mới, giảm phí cho các doanh nghiệp, cá nhân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhờ thế tín nhiệm của các ngân hàng cũng được nâng cao hơn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, uy tín của nhiều NHTM Việt Nam có được bên cạnh nỗ lực tự thân đều nhờ một phần lớn từ sự ổn định của hệ thống TCTD. Sự ổn định này là kết quả của việc chỉ đạo, điều hành linh hoạt, chủ động của NHNN. Chính sách tiền tệ của nhiều NHTW trên thế giới ghi nhận sự đảo chiều nhanh chóng, cộng thêm các căng thẳng thương mại, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là “lửa thử vàng” cho hệ thống các TCTD Việt Nam.
Với đặc điểm nền kinh tế có độ mở cửa lớn, những biến động trên thị trường thế giới đã tạo không ít thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ trong thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Những áp lực nhiều chiều cả trong và ngoài nước đòi hỏi nỗ lực lớn từ nhà điều hành, và thực tế là NHNN thời gian qua đã “cầm cương” chính sách tiền tệ thật sự có hiệu quả. Trong giai đoạn nền kinh tế bị tác động tiêu cực do dịch Covid-19, NHNN đã triển khai mạnh mẽ các biện pháp về tiền tệ, tín dụng, giảm lãi suất, điều hành ổn định tỷ giá, thanh khoản để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng kinh tế…
Nhìn về lâu dài, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận thấy, bối cảnh kinh tế thế giới sẽ còn có nhiều biến động, thách thức. Điều này đòi hỏi các phương án điều hành chính sách tiền tệ phải chủ động, linh hoạt, phù hợp với biến động của thị trường. Chuyên gia này cho rằng với kinh nghiệm và sự chủ động nhiều năm qua, NHNN hoàn toàn có đủ năng lực điều hành tốt, qua việc xây dựng các phương án, kịch bản, đưa ra giải pháp chính sách phù hợp để ứng phó với tình hình thị trường. Về phía ngân hàng, cần tiếp tục tăng cường chất lượng tài sản, đảm bảo các chỉ tiêu tài chính, tạo bộ đệm an toàn vốn dày dặn, tạo nền tảng vững chắc để ngân hàng có thể chủ động xoay xở vượt qua khó khăn khi thị trường biến động, vừa củng cố uy tín của ngân hàng không chỉ trên thị trường trong nước mà cả quốc tế.
Chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng về diện mạo và quy trình hoạt động của các ngân hàng trong kỷ nguyên số, ông Đỗ Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc SHB cho rằng, số hóa, sự kết nối giữa hệ thống ngân hàng và kết nối các hệ sinh thái chung sẽ góp phần gia tăng lợi ích của cả khách hàng và ngân hàng. Khi ngân hàng mang tới nhiều giá trị hơn cho khách hàng, cho cổ đông và cho nền kinh tế, thì đồng thời uy tín và vị thế của nhà băng cũng cùng lúc được nâng cao.