VAMC cần có thực quyền
Tăng quyền xử lý tài sản bảo đảm cho TCTD và VAMC | |
VAMC muốn được tăng vốn | |
Sẽ có cơ chế đấu giá nợ xấu |
Theo NHNN, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46% nhưng tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ. Điều này cho thấy, số nợ xấu VAMC sẽ phải xử lý trong thời gian tới là tương đối lớn. Riêng tại VAMC, số nợ xấu tồn trong kho lên tới 200 nghìn tỷ đồng, dù thời gian qua đơn vị này cũng rất nỗ lực xử lý. Pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) còn nhiều bất cập, thiếu nguồn lực cũng như cơ chế đặc thù là những lực cản trong hoạt động XLNX của VAMC.
Khó khăn trong xử lý TSBĐ đã được đề cập tới khá nhiều tại Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu TCTD, XLNX vừa được đưa ra lấy ý kiến. Nhiều nội dung quan trọng liên quan đến xử lý TSBĐ theo hướng tăng quyền cho các chủ nợ là TCTD, VAMC thay vì bảo vệ con nợ trước đây, như tăng quyền thu giữ TSBĐ, áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ đã đăng ký giao dịch bảo đảm…
Muốn xử lý nhanh nợ xấu phải hình thành thị trường mua bán nợ |
Đánh giá tích cực những đề xuất trên đã đáp ứng kịp thời yêu cầu hiện trạng hiện nay, nhưng một số chuyên gia cho rằng, dự thảo luật đang nghiêng nhiều về hỗ trợ tái cơ cấu (3/4 nội dung dự thảo luật bàn đến). Còn vấn đề XLNX chỉ tập trung xử lý TSĐB và vai trò của VAMC rất mờ nhạt tại Dự thảo Luật này. Trong khi đây lại là lực lượng xung kích trong XLNX. “Đúng là trong dự thảo có những quy định cụ thể về quy trình xử lý TSBĐ sẽ hỗ trợ VAMC đẩy nhanh hoạt động thu hồi nợ xấu.
Nhưng xử lý TSBĐ chỉ là một nguồn lực chứ không phải là cây đũa thần giúp cho VAMC xử lý nhanh nợ xấu. Muốn xử lý nhanh nợ xấu phải hình thành thị trường mua bán nợ để mua đứt bán đoạn bằng tiền tươi thóc thật mới giải quyết triệt để nợ xấu. Vấn đề này lại chưa được đề cập tới tại dự thảo luật”- một vị chuyên gia tỏ ra băn khoăn và cho rằng, cần sớm nghiên cứu bổ sung thêm cơ chế đặc thù theo hướng tăng cả quyền lực cũng như nguồn lực cho VAMC.
Nhấn mạnh vai trò VAMC là linh hồn trong XLNX, nhưng muốn làm được vậy, theo đề xuất của lãnh đạo Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia phải cho VAMC công cụ đặc thù và được thể hiện rõ tại Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu TCTD, XLNX. Cụ thể, đó là cơ chế, quy định pháp lý rõ ràng hơn trong mua bán nợ theo giá thị trường. Vị này lấy ví dụ: giả sử, một khoản nợ xấu có TSBĐ được định giá là 10 tỷ đồng, nhưng VAMC chỉ bán trên thị trường được 9 tỷ đồng.
Nếu kinh doanh tốt VAMC bù lại. Trong trường hợp sau này khoản nợ trên vẫn lỗ không thu hồi được thì phải có cơ chế quy định giảm trừ trách nhiệm cho VAMC xem đó là chi phí tái cơ cấu của nền kinh tế. “Có hành lang pháp lý rõ ràng như vậy, tôi nghĩ rằng VAMC mới dám làm. Còn nếu không có những đặc quyền này, chắc chắn VAMC không dám làm”, vị này đưa ra quan điểm.
Phân tích sâu hơn, một chuyên gia cho biết, chiểu theo dự thảo luật có thể thấy quyền xử lý TSBĐ của TCTD cũng ngang với VAMC. Nếu như vậy, khả năng XLNX của VAMC rất yếu. Bởi TCTD có mạng lưới rộng lớn, tiềm lực tốt nếu họ cũng thành lập công ty xử lý nợ với quyền được thu giữ TSBĐ như VAMC thì bản thân họ tự xử lý không cần phải “nhờ cậy” đến VAMC. Vì vậy, theo vị này, cần phải xác định lại vai trò “lịch sử” của VAMC như thế nào trong thời gian tới.
Trước đây vai trò của VAMC là thu gom để đưa nợ xấu về 3%. Còn hiện nay, VAMC có nên tiếp tục giữ vai trò lịch sử là trung tâm XLNX hay không? “Nếu không có quyền đặc biệt để VAMC thể hiện được vai trò XLNX của mình thì cuối cùng chỉ là cái kho giữ nợ xấu. Để đấy hết thời gian lại trả, không khác gì khoanh nợ”, vị này bày tỏ lo ngại.
Với mô hình hiện tại, theo đánh giá của TS Quách Mạnh Hào, những tài sản mà VAMC được sở hữu thực chất sẽ là những tài sản mà NH không muốn giữ nhất, nghĩa là khả năng mất vốn là cao nhất. VAMC chưa hoặc khó có thể tự chọn tài sản cho mình nếu nó không mua bằng tiền thật. Như vậy, về nguyên lý, để VAMC hoạt động hiệu qua theo hướng tự chọn tài sản cho mình, nó cần phải có tiền, và việc tăng vốn cho VAMC là hợp lý.
Theo thông tin phóng viên cập nhật, VAMC đã đề xuất lên Chính phủ mong muốn tăng vốn điều lệ từ 2.000 lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2020 để có đủ năng lực XLNX trong hệ thống TCTD. Đồng thời với đề xuất trên, VAMC muốn phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ ra thị trường với trị giá khoảng 45.000 tỷ đồng để huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…
“Nếu để các TCTD tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro để XLNX với khối lượng lớn như những năm vừa qua thì sẽ dẫn đến sức cùng lực kiệt và rất có thể dẫn tới đổ vỡ. Việc phát hành trái phiếu đặc biệt của VAMC mới chỉ XLNX về mặt hình thức. Do đó đã đến lúc ngân sách có hỗ trợ giúp các TCTD vượt qua khó khăn để tiếp tục đảm trách tốt vai trò huyết mạch của nền kinh tế. Trong điều kiện hiện nay, phương án phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh để huy động vốn để XLNX là hợp lý”, đại diện VAMC lý giải thêm đề xuất tăng vốn.
Để thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ, lãnh đạo VAMC đề xuất cần tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức trong và ngoài nước tham gia hoạt động mua bán nợ như: thể chế hóa bằng quy định pháp luật, nhất là tổ chức tài chính nước ngoài tham gia vào quá trình XLNX của các TCTD Việt Nam như mức độ tham gia của NĐT như thế nào... “Việc có được tiền thật từ nhà đầu tư nước ngoài là giải pháp hữu hiệu đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Qua đó tạo nguồn lực mới để tín dụng tiếp tục tái đầu tư cho nền kinh tế, giảm lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, lãnh đạo VAMC bày tỏ.
Câu hỏi đặt ra lúc này là nếu VAMC tăng vốn và hoạt động như một công ty kinh doanh nợ xấu, thì nó lại hoàn toàn khác với mục tiêu đặt ra khi thành lập. Nếu VAMC muốn có số vốn 10.000 tỷ đồng, họ cần một sự đồng ý của Chính phủ để thay đổi nguyên tắc kinh doanh của họ. Khi họ làm được điều đó, việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu sẽ không còn là vấn đề. Đương nhiên nếu sử dụng ngân sách là điều về lý thuyết có thể thực hiện, nhưng về thực tiễn là không khả thi trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện tại. Như vậy, nút thắt quan trọng cho VAMC sẽ chính là sự lựa chọn mô hình kinh doanh của họ: là công cụ quản lý nợ xấu hay là công ty kinh doanh nợ xấu? TS. Quách Mạnh Hào, Đại học Lincoln, Vương quốc Anh |