Tăng quyền xử lý tài sản bảo đảm cho TCTD và VAMC
Ảnh chỉ mang tính minh họa |
NHNN (cơ quan soạn thảo) đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của Luật này là tăng quyền cho các TCTD và VAMC trong việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) để thu hồi nợ.
Theo Dự thảo Luật, TCTD hoặc VAMC có quyền thu giữ TSBĐ nếu sau 10 ngày kể từ ngày phải giao TSBĐ để xử lý theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo đảm mà bên bảo đảm, bên cầm giữ tài sản không giao TSBĐ cho TCTD, VAMC để xử lý.
Đặc biệt, khi thực hiện thu giữ TSBĐ là động sản mà bên bảo đảm có mặt tại thời điểm thu giữ TSBĐ nhưng có hành vi chống đối, cản trở, không giao TSBĐ thì người xử lý tài sản bảo đảm có quyền yêu cầu cơ quan công an và ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có tài sản bảo đảm hỗ trợ thu giữ TSBĐ.
Trường hợp bên bảo đảm không có mặt khi TCTD, VAMC thu giữ TSBĐ thì đại diện UBND cấp huyện nơi có TSBĐ phải tham gia chứng kiến, ký vào biên bản thu giữ TSBĐ và làm thủ tục để niêm phong tài sản bảo đảm.
Lý giải về quy định này, NHNN Việt Nam cho biết, Bộ luật Dân sự 2015 đã bỏ quyền thu giữ TSBĐ của bên nhận bảo đảm, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn đến quyền xử lý TSBĐ của VAMC/TCTD vì lý do sau: VAMC cũng như các TCTD không thể chủ động thu giữ nếu các chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến TSBĐ để khởi kiện ra tòa nhằm kéo dài thời gian xử lý TSBĐ. VAMC/TCTD sẽ phải chờ bản án của Tòa án, tạo tâm lý chây ỳ trả nợ của bên có nghĩa vụ, tạo áp lực lên cho các cơ quan xét xử. Theo đó, việc xử lý TSBĐ của VAMC/TCTD sẽ bị kéo dài thời gian, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả xử lý nợ xấu của VAMC/TCTD. Trong khi đó, quyền thu giữ tài sản bảo đảm của TCTD đã được các TCTD thực hiện từ hơn 10 năm qua theo quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm (Điều 63).
Bên cạnh đó, TCTD, VAMC có thể được áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ đã đăng ký giao dịch bảo đảm.
Cụ thể, đối với giao dịch bảo đảm của TCTD, VAMC đã đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm thì bên nhận bảo đảm là TCTD, VAMC có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết trong trường hợp bên nhận bảo đảm không thực hiện được việc xử lý TSBĐ theo thỏa thuận hoặc bên bảo đảm không giao TSBĐ cho bên nhận bảo đảm để xử lý theo thỏa thuận.
Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp nêu trên theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự. Trong vòng 05 ngày kể từ ngày bên bảo đảm không có mặt theo thời hạn quy định tại giấy triệu tập của Tòa án mà không thông báo thì được coi là đương sự cố tình trốn tránh và Tòa án giải quyết vụ án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.
Cũng theo Dự thảo Luật, TCTD, VAMC có quyền nhận TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Cụ thể, VAMC và bên mua nợ của TCTD, VAMC được nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua. VAMC, bên mua nợ của TCTD, VAMC được đăng ký thế chấp đối với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất tài sản gắn liền với đất của khỏan nợ đã mua. VAMC và bên mua nợ của VAMC được nhận bổ sung tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho khoản nợ đã mua.
Liên quan đến việc xử lý TSBĐ là dự án bất động sản, Dự thảo Luật quy định rõ, TCTD, VAMC được chuyển nhượng các tài sản bảo đảm là dự án bất động sản khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Dự án không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp có vi phạm trong quá trình triển khai dự án thì chủ đầu tư phải chấp hành xong quyết định xử phạt.
Bên nhận chuyển nhượng dự án được kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án, được làm các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ: Các TSBĐ của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại TCTD, VAMC khi chưa đến hạn trả nợ được bảo đảm không bị kê biên theo quy định pháp luật về thi hành án.