Vấn nạn SIM rác, lừa đảo qua điện thoại: Bao giờ giải quyết được?
SIM rác vẫn tồn tại và câu hỏi “tại sao”
SIM rác là một trong những vấn nạn được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra trong chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông ngày 4/11. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) băn khoăn về việc tại sao đến nay vẫn còn tình trạng SIM rác và đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao chưa xử lý dứt điểm được.
Đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) nêu vấn đề, việc lợi dụng SIM rác để tạo các tài khoản giả đăng tải những nội dung thông tin xấu hay thực hiện các hoạt động sai phạm khác đang gây bức xúc trong xã hội.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết đến bao giờ môi trường mạng ở Việt Nam mới thật sự được quản lý chặt chẽ để thật sự trở thành môi trường sạch?”, đại biểu Tao Văn Giót chất vấn.
Trong khi đó, đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) nêu thực trạng gần đây nhiều người dân nhận được các cuộc gọi thông báo mình đã vi phạm pháp luật một số lĩnh vực như giao thông, xây dựng… và yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản hoặc chịu khoản nộp phạt, nếu không thì sẽ chuyển cơ quan điều tra khởi tố. Đại biểu băn khoăn tại sao những kẻ lừa đảo này lại biết chính xác tên tuổi, địa chỉ nơi làm việc, thậm chí là cả chức danh, chức vụ của người dân, và giải pháp nào để khắc phục.
Đại biểu Trình Lam Sinh |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vấn nạn lừa đảo qua mạng sử dụng các phương tiện thông tin, trong đó có qua điện thoại, SIM rác xuất hiện rất nhiều gần đây. Thời gian vừa qua, Bộ tập trung hoàn thiện các văn bản thể chế đã ban hành, trong đó định nghĩa rõ các hành vi, quy định rõ quy trình xử lý hành chính, mức phạt và cơ chế chuyển sang công an xử lý hình xự.
Để xử lý một cách căn bản, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công khai các đầu số điện thoại (cụ thể là đầu số 156) và các trang Web để tiếp nhận phản ánh của người dân về các vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tiến hành phát triển các công cụ công nghệ thông tin để rà quét, ngăn chặn các trang web có dấu hiệu lừa đảo; tập trung xử lý SIM rác, xóa khỏi hệ thống những số thuê bao không có thông tin đầy đủ, hoặc thông tin không chính xác, đối soát thông tin qua cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
“SIM rác chính là một trong những phương tiện mà đối tượng xấu sử dụng để thực hiện các hoạt động lừa đảo”, Bộ trưởng nhận định.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. |
Lộ trình “ba bước” và kỳ vọng 2023
Để xử lý vấn đề SIM rác, phát tán thông tin rác, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai 3 công đoạn: Bước 1, xóa khỏi hệ thống các thuê bao không có đầy đủ thông tin; Bước 2, xử lý thông tin không chính xác, chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao theo hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; Bước 3, giải quyết vấn đề SIM không chính chủ.
Thông tin chi tiết hơn về các bước này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đối với vấn đề các thuê bao không có đầy đủ thông tin, tất cả đã bị xóa khỏi hệ thống. Cụ thể, đến năm 2018, Việt Nam vẫn còn 22 triệu thuê bao không có thông tin đầy đủ. Tuy nhiên đến năm 2022, điều này đã không còn.
Đối với bước chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao, xử lý thông tin không chính xác, các nhà mạng đang tiến hành đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định thông tin các thuê bao có chính xác hay không. Bộ trưởng cho biết hiện đã đối soát được khoảng 1/4 lượng thuê bao. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo phải cơ bản trong năm nay, muộn nhất là đến đầu năm 2023 hoàn thành việc chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao.
Phát biểu tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho rằng việc đến nay mới rà soát, đối chiếu được hơn 24% và trong thời gian ngắn sắp tới phải rà soát, đối chiếu xong (còn khoảng 58 triệu thuê bao nữa) thì liệu có khả thi không và giải pháp nào để đạt được, góp phần loại bỏ SIM rác.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú. |
Trả lời đại biểu Nguyễn Danh Tú, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc xác thực thông tin được thực hiện qua hình thức đặt câu hỏi “có” hoặc “không” (nhà mạng gửi đến khách hàng). Và qua thực tiễn rà soát, đối chiếu đã hoàn thành với 1/4 lượng thuê bao thì gần 90% thông tin thu thập được là chính xác, chỉ còn hơn 10% là không đúng và các nhà mạng tiến hành xác minh lại.
“Như vậy, ở đây chỉ là câu chuyện điện tử. Lúc nãy tôi nói Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo phải xong, và tôi có “dự phòng” một chút là muộn nhất đến đầu năm tới, nhưng thực tế chúng tôi vẫn đang thực hiện đúng theo quyết định của Thủ tướng, cố gắng phải hoàn thành xong ngay trong tháng 11 này”, Bộ trưởng khẳng định.
Sau khi làm xong hai bước trên, bước tiếp theo mà Bộ đang chỉ đạo để làm quyết liệt tới đây là xử lý vấn đề SIM chính chủ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra một vài con số rất đáng suy nghĩ: Có 261 người đăng ký rất nhiều SIM, trong đó có nhiều người đăng ký tới trên 1.000 SIM (tổng số riêng nhóm này đã đăng ký trên 1,5 triệu SIM). Như vậy thì liệu có chính chủ không, Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Hay có 5.700 người, mỗi người đăng ký trên 100 SIM (tổng số khoảng 2,8 triệu SIM); 270.000 người, mỗi người đăng ký trên 10 SIM (tổng số khoảng 7,8 triệu SIM)…
“Chính vì vậy, chúng tôi đặt mục tiêu xử lý SIM chính chủ là bước thứ ba và bắt đầu làm ngay từ cuối năm nay, tập trung vào tổng thanh tra các nhà mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh và tin tưởng: “Sau khi làm xong bước thứ 2 (xác thực thông tin chính xác) và làm tiếp bước thứ 3 này về SIM chính chủ thì câu chuyện SIM rác sẽ được giải quyết”.
Tuy nhiên Bộ trưởng cũng cho rằng, nếu nói là “xử lý triệt để” SIM rác theo nghĩa đưa về bằng 0 thì khó có thể làm được, nhưng sẽ đưa về mức có thể chấp nhận được.
Bộ trưởng bày tỏ: “Cuộc sống diễn biến, chúng ta làm việc A, lại sinh ra việc B thì chúng ta sẽ tiếp tục làm tiếp. Liên quan đến lĩnh vực của mình, với những việc còn chậm, còn tồn tại, người dân còn bức xúc… thì Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, đứng đầu lĩnh vực này xin nhận trách nhiệm và tiếp tục cố gắng”.