Vàng là kênh đầu tư rủi ro cao
Ngân hàng bán vàng nhằm bình ổn thị trường, không đặt mục tiêu lợi nhuận NHNN đủ khả năng bình ổn thị trường vàng |
Từ ngày 03/6/2024, NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho bốn NHTM Nhà nước (BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank) theo mức giá do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới. Sau đó 4 NHTM này sẽ tính toán giá bán cho người dân hợp lý, trên cơ sở giá bán vàng của NHNN, không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Các ngân hàng bán vàng miếng SJC tới khách hàng theo đơn vị lượng, không thực hiện mua vàng miếng SJC từ khách hàng. Về giá bán vàng, căn cứ vào giá mua vàng miếng từ NHNN, các NHTM sẽ xác định và công bố giá bán vàng miếng SJC tại website của mình và tại các địa điểm bán vàng. Khách hàng có thể thanh toán bằng tiền mặt, hoặc chuyển khoản. Hóa đơn bán hàng được cung cấp cho khách hàng mua vàng theo hình thức hóa đơn điện tử.
Tiếp nhận chỉ đạo của NHNN, bốn ngân hàng trên lập tức công bố thông tin cụ thể về việc triển khai chính sách này. Ngày 31/5, Vietcombank công bố dự kiến từ 13h30 ngày 3/6 sẽ triển khai 6 điểm bán vàng miếng SJC trực tiếp tới khách hàng cá nhân. Tại Hà Nội có các điểm: Vietcombank Sở Giao dịch: số 11 Láng Hạ; Vietcombank Hà Nội: số 11B Cát Linh, Vietcombank Ba Đình: số 72 Trần Hưng Đạo. Tại TP. Hồ Chí Minh: Vietcombank TP. Hồ Chí Minh số 5 Công trường Mê Linh, Vietcombank Nam Sài Gòn số 23 Nguyễn Hữu Thọ và Vietcombank Thủ Đức số 50A Đặng Văn Bi.
Trước Vietcombank, hôm 30/5, Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm và Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cũng đã chính thức lên tiếng về việc triển khai chính sách này. Ông Lê Ngọc Lâm cho biết, BIDV thiết lập mạng lưới phân phối ở các địa bàn chính về kinh doanh vàng (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa -Vũng Tàu…). Trước mắt, BIDV bán vàng trực tiếp cho dân tại một số điểm tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Dự kiến từ 14h00 ngày 3/6, Agribank sẽ tổ chức bán vàng miếng thương hiệu SJC tại 4 điểm trên địa bàn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, cụ thể: tại Hà Nội có các điểm: Agribank Chi nhánh Sở Giao dịch số 2 Láng Hạ; Agribank Chi nhánh Hà Nội số 77 phố Lạc Trung. Tại TP.Hồ Chí Minh: Agribank Chi nhánh Sài Gòn số 02 Võ Văn Kiệt; và Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn số 28-30-32 Mạc Thị Bưởi.
VietinBank là ngân hàng cuối cùng công bố sẽ triển khai bán tại hệ thống cửa hàng của Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank Gold & Jewellery) tại hai cơ sở ở Hà Nội là 81 Phố Huế và Tầng 1, Tòa nhà Hoàng Thành, 114 Mai Hắc Đế; tại TP. Hồ Chí Minh có một điểm bán là tầng 15, Tòa nhà 93 - 95 Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1.
Ngay sau khi NHNN công bố chính sách mới, giá vàng liên tục được đơn vị kinh doanh điều chỉnh giảm. Đến thời điểm chiều ngày 2/6 dù các NHTM chưa bán ra, giá vàng trên thị trường (bao gồm cả vàng các thương hiệu khác SJC) đã giảm 5-7 triệu đồng/lượng so với ngày 27/5. Rủi ro đối với những người "ôm vàng" đã hiện hữu bằng con số cụ thể.
Thực tế không chỉ hiện tại, mà trong lịch sử vàng vốn là kênh đầu tư rủi ro. Lịch sử giá vàng từ năm 2000 đến nay cho thấy sự biến động mạnh mẽ. Ví dụ, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008 xảy ra, giá vàng tăng từ 834 USD/ounce vào đầu năm 2008 lên 1.900 USD/ounce vào tháng 9/2011. Tuy nhiên, sau đó, giá vàng đi ngang và bước vào chu kỳ suy giảm từ cuối năm 2012 đến hết quý II/2019. Nếu nhà đầu tư mua vàng vào đỉnh 2011-2012 có thể chịu lỗ hoặc phải chờ gần 7 năm mới hoàn lại vốn.
Giá vàng thế giới luôn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khó dự đoán như chính sách tiền tệ của các NHTW lớn và tình hình chính trị thế giới. Việc dự báo giá vàng trong bối cảnh thế giới đầy bất định như hiện nay lại càng khó hơn, làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư không chuyên.
Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 17%, đạt mức 2.420 USD/ounce, cao nhất trong lịch sử. Nhiều yếu tố góp phần vào sự tăng đột biến này như: Thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024, khiến USD suy yếu, từ đó hỗ trợ giá các loại hàng hóa, bao gồm vàng; Bất ổn địa chính trị: Xung đột Nga - Ukraine, leo thang bạo lực giữa Israel - Hamas và căng thẳng Trung Quốc - Mỹ cùng Châu Âu đã khiến nhu cầu vàng tăng cao do vàng được coi là kênh trú ẩn an toàn. Một yếu tố khác, nhu cầu trữ vàng từ các NHTW trong hai năm 2022 và 2023 tăng. NHTW toàn cầu đã mua hơn 1.000 tấn vàng mỗi năm, gấp đôi mức trung bình giai đoạn 2011 - 2021. Lý do chính là để đa dạng hóa nguồn dự trữ quốc gia và giảm phụ thuộc vào USD trong bối cảnh thế giới phân cực.
Đối với thị trường trong nước, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 15,3-16 triệu đồng/lượng. Không những thế, chênh lệch giữa giá mua và bán vàng hiện nay khá cao, hơn 2 triệu đồng/lượng. Điều này có nghĩa tại thời điểm mua vàng người dân đã lỗ ở mức chênh lệch này. Giá vàng trong nước hiện cao hơn giá thế giới gần 20%, tạo rủi ro lớn khi khoảng cách này có thể thu hẹp do các biện pháp can thiệp của NHNN. Việc bốn NHTM Nhà nước tham gia bán vàng cho người dân với nguồn cung dồi dào thì giá vàng sẽ giảm tiếp.