Vì sao khối ngoại thoái vốn ở một số doanh nghiệp?
Khối ngoại đang có động thái bán ra một lượng lớn cổ phiếu. Đơn cử như mới đây, nhà đầu tư Lotte Corporaton thông báo đăng ký bán toàn bộ gần 6,8 triệu cổ phiếu, tương đương 44,03% vốn của Công ty bánh kẹo Bibica (mã cổ phiếu BBC). Lotte đầu tư vào Bibica năm 2008 với tư cách là nhà đầu tư chiến lược. Từ tỷ lệ sở hữu 30%, Lotte đã nâng dần lên 44,03% như hiện tại. Mã cổ phiếu BBC hiện có thị giá 58.000 đồng/cổ phiếu, như vậy nhà đầu tư Hàn Quốc có thể thu về khoảng 394 tỷ đồng.
Trường hợp khác là nhà đầu tư Lucerne Enterprise đến từ Indonesia quyết định bán 4 triệu cổ phiếu của Công ty Licogi 16. Nhà đầu tư này đã đầu từ vào Licogi 16 vào năm 2014 và liên tục tăng nắm giữ cổ phần lên trên 19% vốn, trước khi quyết định bán bớt cổ phần.
Ảnh minh họa |
Dường như càng về cuối năm, lượng bán ròng của khối ngoại càng tăng. Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho thấy, trong 11 tháng qua, khối ngoại bán ròng 16.327 tỷ đồng (bao gồm cổ phiếu và chứng chỉ quỹ) trên toàn thị trường. Trong đó MSN và HPG vẫn là 2 mã dẫn đầu danh sách bán ròng với lần lượt 4.506 tỷ đồng và 3.768 tỷ đồng.
Có một số nguyên nhân giải thích cho hiện tượng này là thời điểm liền kề cuối năm, một số nhà đầu tư buộc phải cụ thể hóa lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc thị trường tăng mạnh các tháng vừa qua với chỉ số VN-Index vượt hơn 1.000 điểm là cơ hội tốt để thoái vốn và tạo ra mức sinh lời khả quan. Tuy nhiên, lý do này cũng là điều bình thường khi phản ánh quan hệ cung - cầu trên thị trường.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc các nhà đầu tư thoái vốn một phần cũng do cáo buộc “thao túng tiền tệ” của Mỹ đối với Việt Nam mà một trong những lý do chủ yếu là thặng dư thương mại với Mỹ. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2020 là 50,9 tỷ USD. Trong khi phía Mỹ ước tính con số thâm hụt thương mại với Việt Nam là 56 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng, đó không phải là nguyên nhân dẫn tới động thái bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán khi mà hoạt động này đã diễn ra khá lâu trước quyết định của Bộ Tài chính Mỹ.
Thậm chí, trao đối với báo giới gần đây, ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) còn cho biết, cáo buộc thao túng tiền tệ không phải là vấn đề đối với các thành viên của Amcham tại Việt Nam. Ông cũng cho rằng, “bất kỳ hành động tiềm tàng nào trong những ngày cuối cùng của chính quyền hiện nay nhằm gây tổn hại cho nền kinh tế Việt Nam bằng các mức thuế trừng phạt sẽ làm tổn hại đến quan hệ đối tác chặt chẽ mà hai nước đã phát triển trong nhiều năm qua”.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế như VCBS cũng cảnh báo, trong trường hợp giữa Việt Nam và Mỹ không đạt được sự đồng thuận giải quyết vấn đề này, một loạt các mặt hàng có nguy cơ chịu mức điều tra và bị áp dụng các biện pháp trừng phạt bằng thuế quan như: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, đệm mút, tủ gỗ, đá nhân tạo, gạch men, lốp xe tải và xe khách, xe đạp điện.
“Theo chúng tôi, nhà đầu tư đang có các phản ứng tiêu cực nhưng mang tính ngắn hạn trước thông tin nói trên. Trong trung hạn, chúng tôi tin rằng thông tin kể trên sẽ ít khả năng tác động tiêu cực đến diễn biến và xu hướng của thị trường, mà chỉ có một bộ phận các DN niêm yết có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi kết luận của Bộ Tài chính Mỹ liên quan đến thuế chống trợ cấp”, nhóm phân tích của VCBS nhận định.
Có thể thấy áp lực từ phía Mỹ sẽ buộc Việt Nam phải có kế hoạch ứng phó phù hợp để giảm bớt thặng dư thương mại với Mỹ. Còn đối với thị trường chứng khoán, điều quan trọng là cần phải đẩy mạnh quá trình cải cách, đặc biệt là lộ trình nâng trần giới hạn sở hữu của nhà đầu tư ngoại hay triển khai thêm các cụ phái sinh mới. Bên cạnh đó, cần đưa nhiều hơn các DN có giá trị niêm yết trên sàn, nhất là từ khối các DN nhà nước. Trong 11 tháng năm 2020, nhiệm vụ thoái vốn tại các DNNN thuộc diện cổ phần hóa chỉ đạt con số khiêm tốn 2.031 tỷ đồng.