Vì sao sóng 5G nhiều lúc chậm hơn 4G?
Tốc độ test 5G phụ thuộc rất nhiều vào vị trí test của khách hàng, gần trạm hay xa trạm |
Ngày 15/10/2024 vừa qua, mạng 5G đã được Viettel triển khai tại nhiều tỉnh, thành trên phạm vi cả nước. Mạng 5G Viettel tại thời điểm khai trương có hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, trường đại học.
Theo công bố, tốc độ của mạng 5G Viettel có thể đạt từ 700Mbps-1Gb, gấp 10 lần so với 4G và độ trễ thấp gần như bằng 0. Mạng 5G Viettel triển khai đồng thời 5G trên cả 2 nền tảng kiến trúc 5G NSA (non stand alone) và 5G SA (stand alone).
Mặc dù được kỳ vọng sẽ mang đến trải nghiệm kết nối đột phá, mạng 5G tại Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn ngay từ những ngày đầu triển khai. Sau gần một tuần đi vào hoạt động, nhiều người dùng phản ánh tình trạng kết nối 5G không ổn định, thậm chí tốc độ không có sự cải thiện đáng kể so với mạng 4G hiện tại, đặc biệt tại một số khu vực.
Lý giải về vấn đề này, ông Hoàng Đức Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel chia sẻ, trong quá trình theo dõi chất lượng mạng suốt thời gian vừa qua, Viettel cũng nhận được một số thông tin phản hồi của khách hàng về việc tốc độ 5G khi test trên speedtest hoặc trải nghiệm có cảm giác chậm hơn so với mạng 4G.
Ở giai đoạn hiện tại, Viettel tập trung triển khai 5G ở thủ phủ các tỉnh, thành phố lớn và một số trạm hiện tại chưa tương đương 4G. Khi trải nghiệm ở khung giờ thấp tải và chỉ có một thuê bao để đo trải nghiệm có thể đo được 300 đến 400 - 500 Mb tùy vào vị trí test.
"Tức là tốc độ test phụ thuộc rất nhiều vào vị trí test của khách hàng, gần trạm hay xa trạm, sóng tốt hay không. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào server định tuyến test và số lượng người đang trải nghiệm đồng thời, đang test dịch vụ đồng thời", ông Hoàng Đức Thanh chia sẻ.
Theo ông Thanh, do có quá nhiều người vào test đồng thời trong bối cảnh trạm 5G chưa nhiều như trạm 4G nên số lượng thuê bao có nhu cầu test đồng thời dồn vào trạm 5G nhiều hơn.
"Đấy cũng là một điểm mà chúng tôi cho rằng là một trong những nguyên nhân dẫn đến 5G nhiều lúc cảm nhận tương đương 4G", ông Thanh nói.
Theo bà Nguyễn Thị Tâm - Phó Tổng giám đốc phụ trách quy hoạch mạng lưới, Tổng công ty Mạng lưới Viettel, để đánh giá sóng yếu hay mạnh, có ba yếu tố ảnh hưởng chính đến kết quả đo lường: Thứ nhất, khoảng cách đến trạm phát sóng có tác động lớn: càng gần trạm, chất lượng sóng thường ổn định hơn; Thứ hai, số lượng người dùng trong cùng thời điểm sẽ quyết định mức độ tải của hệ thống, càng nhiều người truy cập, chất lượng sóng có thể giảm; Thứ ba, yếu tố quan trọng là lựa chọn máy chủ khi tiến hành kiểm tra.
Hiện nay, các phần mềm phổ biến như Speedtest hoặc i-SPEED của Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp nhiều máy chủ kiểm tra và chúng thường chọn ngẫu nhiên. Tuy nhiên, việc chọn máy chủ ngẫu nhiên có thể dẫn tới gặp một số máy chủ không đạt được yêu cầu, chẳng hạn như cấu hình cũ hoặc thấp. Máy chủ này thường lưu trữ các tệp lớn để người dùng tải xuống, tạo ra nhiều kết nối nhằm tạo mô phỏng bằng cách sử dụng tối đa và đo đường truyền một cách chính xác
"Trong quá trình phát triển mạng 5G, Viettel đã thiết lập lại toàn bộ hệ thống máy chủ để đảm bảo hiệu suất cao hơn và đường truyền băng thông ổn định hơn. Tuy nhiên, các công ty khác vẫn có khả năng duy trì hệ thống máy chủ cũ, điều này có thể ảnh hưởng đến tốc độ và tính ổn định khi kiểm tra mạng. Điều khác biệt về tốc độ thử nghiệm có thể xảy ra do các yếu tố như cấu hình máy chủ và độ ổn định sẽ mang lại tính năng cụ thể", bà Nguyễn Thị Tâm cho hay.
Theo bà Tâm, cơ chế của phần mềm đo tốc độ là cố gắng tận dụng tài nguyên mạng lưới để lấy tốc độ tối đa tại thời điểm kiểm tra, nhưng thực chất người dùng dịch vụ bình thường (không truy cập app đo tốc độ) sẽ không có cảm giác chậm.
Như khi lướt web, xem YouTube hay streaming thì tốc độ 5-7 Mbps rất tốt với chất lượng Full HD. Tuy nhiên, vẫn có khả năng trạm phát bị lỗi nếu vị trí kiểm tra thường xuyên cho tốc độ thấp, khoảng 10 Mbps.
Về lộ trình phủ sóng 5G tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Di động của Tổng công ty Viễn thông Viettel cho biết, nhà mạng này đang ưu tiên triển khai tại các khu vực thành thị. Theo đó, hơn 6.000 trạm phát sóng 5G đã được lắp đặt, phủ 95% dân số ngoài trời. Đến năm 2025, nhà mạng sẽ tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng trong nhà.
Theo kế hoạch 3-5 năm tới, người dùng ở các khu vực thành thị có thể sử dụng mạng 5G trong nhà giống như trải nghiệm 4G ở thời điểm hiện tại.
Hiện nay, mạng 5G tương thích với đa phần điện thoại cao cấp trên thị trường Việt Nam nhưng không phổ biến với điện thoại tầm trung, điện thoại cũ. Ví dụ, chỉ có những máy từ iPhone 12 series ra mắt năm 2020 trở về sau mới có hỗ trợ mạng 5G.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, nếu không chắc chắn, người dùng có thể kiểm tra thông tin cấu hình sản phẩm thông qua website của nhà sản xuất, đại lý bán hàng hay trang thông tin trực tuyến. Đồng thời, khi tra cứu cần chú ý đến mục Network (Mạng) có liệt kê các băng tần và công nghệ mạng mà sản phẩm tương thích.