Việt Nam - Algeria: Khai thác hiệu quả tiềm năng thương mại song phương
Algeria là một quốc gia có diện tích lớn nhất châu Phi và có nền kinh tế lớn thứ 4 châu Phi, với tổng sản phẩm quốc nội năm 2020 là 145,2 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đạt khoảng hơn 44 tỷ USD. Dân số Algeria là hơn 44 triệu người, GDP bình quân đầu người là 3.364 USD vào năm 2021. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của Algeria năm 2022 ở mức 2,4% thay vì 1,9% như dự báo trước đó.
Tham tán thương mại Hoàng Đức Nhuận (giữa) cùng một số doanh nghiệp Algeria tham gia hội nghị tại đầu cầu trụ sở Thương vụ Việt Nam tại Algeria (Ảnh: Báo tin tức) |
Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Algeria là một trong những thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam tại khu vực châu Phi, nhất là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản nước ngọt do nhu cầu và sức mua lớn từ thị trường này do không sản xuất được. Thời gian gần đây, Algeria chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, hạn chế nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu, song quốc gia này hiện vẫn đang nhập khẩu hầu hết các mặt hàng trong đó có 50% là lương thực thực phẩm.
Hiện thương mại song phương giữa Việt Nam và Algeria vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng 2 bên. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt 153 triệu USD với các mặt hàng chính là cà phê nhân xanh, gạo, hạt điều nhân, bánh kẹo... Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt 71,16 triệu USD. Trong cơ cấu xuất khẩu sang Algeria, cà phê chiếm 65% tổng giá trị xuất khẩu và hiện còn nhiều dư địa. Đối với mặt hàng gạo, mỗi năm Algeria nhập khẩu 100.000 tấn gạo chủ yếu là gạo 5% tấm, gạo đồ, phục vụ cho người châu Á sinh sống và làm việc tại Algeria. Gạo là mặt hàng được trợ giá nên thuế nhập khẩu khá thấp so với mặt bằng chung, chỉ 16%. Thủy hải sản cũng nằm trong top 5 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam sang Algeria.
Theo ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam-Algeria đã được duy trì và phát triển trên nhiều lĩnh vực suốt 60 năm qua.
Hiện nay, doanh nghiệp hai nước chủ yếu sử dụng phương thức xuất nhập khẩu qua công ty trung gian và ngôn ngữ đang là một rào cản đáng kể. Cùng với đó, khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Algeria khá xa, nên chi phí vận chuyển cao (nếu đi bằng đường biển thì phải mất đến 45-60 ngày). Ngoài ra, các nhà đầu tư Algeria cũng ít quan tâm tới thị trường Việt Nam do thiếu thông tin.
Ông Nhuận cho rằng, hai nước cần thành lập hội đồng doanh nghiệp, nâng cao vai trò của các cơ quan bộ, ngành, tổ chức xúc tiến thương mại và uỷ ban hỗn hợp hai nước, tăng cường nhận thức cộng đồng về tiềm năng hợp tác. Cùng với đó, cần tăng cường hợp tác thông qua tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tìm hiểu, quan tâm tới tập quán và quy tắc giao dịch thương mại của đối tác.