Việt Nam không thao túng tiền tệ
Theo thông lệ, một quốc gia bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ nếu thỏa mãn các tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; và can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Xét cả về tiêu chí nêu trên, cũng như thực tế kinh doanh và điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhiều năm qua, có thể khẳng định: Việt Nam không thao túng tiền tệ.
Thứ nhất, Việt Nam không chủ trương phá giá tiền tệ, trong cả các tuyên bố chính thức, cũng như trong chỉ đạo điều hành thực tế.
Những năm qua, Việt Nam thực hiện chính sách tỷ giá trung tâm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung với mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chứ không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Tỉ giá trung tâm VND/USD cuối năm thường không vượt quá 1,5-2% so với đầu năm, bất chấp những biến động mạnh mẽ tỷ giá nhiều đồng tiền khu vực và quốc tế, thậm chí ngay cả đồng USD.
Việt Nam không có động lực phá giá tiền tệ nhằm tạo lợi thế xuất khẩu, bởi xuất khẩu và xuất siêu chủ yếu do các công ty FDI ở Việt Nam là động lực và hưởng lợi chính, trong khi cộng đồng doanh nghiệp trong nước thường nhập siêu.
Hơn nữa, Việt Nam cũng không có lợi khi phá giá đồng tiền do phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và nợ chính phủ cao.
Thứ hai, Việt Nam không can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối.
Cần khẳng định, hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua về mặt bản chất là quá trình chuyển đổi ngoại tệ sang tiền VND từ các nhà đầu tư, xuất khẩu và người nhận kiều hối, để bảo đảm người có ngoại tệ không dùng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước. Hoạt động này theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, cũng phù hợp thông lệ như nhiều nước khác.
Đồng thời, việc NHNN mua ngoại tệ còn nhằm bảo đảm hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp (hiện chỉ đáp ứng khoảng 3,5 tháng nhập khẩu) so với các nước trong khu vực, cũng như thấp so với các khuyến cáo và thông lệ chung trên thế giới (cần đáp ứng khoảng 5 tháng nhập khẩu) về mức dự trữ ngoại hối so với chi phí cho số tuần nhập khẩu của Việt Nam, để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Từ góc độ kiểm soát khủng hoảng, việc tăng tích trữ ngoại hối thông qua hoạt động thu mua USD - đồng tiền thống trị trong dự trữ và thanh toán quốc tế - của Việt Nam là một động thái phòng ngừa khủng hoảng điển hình trong điều hành chính sách tiền tệ của bất kỳ quốc gia nào.
Việc cho rằng Việt Nam đã mua ngoại hối nhằm định ra giá trị tiền đồng dưới giá trị thật cũng không có căn cứ thực tế, nhìn từ góc độ mức ngang giá tiền tệ của VND so với USD. Vì tất cả tiền tệ các nước trên thế giới hiện nay đều là tiền giấy, không còn bản vị vàng, nên mức ngang giá tiền tệ này phụ thuộc chủ yếu vào mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam với Mỹ.
Trong những năm gần đây, lạm phát bình quân của Việt Nam là 4% trong khi lạm phát của Mỹ chưa đến 2%, việc tiền đồng mất giá 1-1,5% là bình thường. Nói cách khác, việc Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ suy cho cùng là thực hiện chức năng chuyển hoá các đồng ngoại tệ để giúp người dân tại lãnh thổ Việt Nam có thể dùng tiền đồng, tức việc mua vào này là bắt buộc.
Hơn nữa, Việt Nam không chỉ mua vào ngoại tệ một chiều như cáo buộc, mà trên thực tế, khi cung cầu ngoại tệ thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước chỉ mua vào nếu thị trường dư ngoại tệ; đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng luôn chủ động bán ra để ổn định tỷ giá VND/USD và trạng thái kinh tế vĩ mô.
Hơn nữa, thặng dư cán cân vãng lai (bao gồm cán cân thương mại và các khoản chuyển tiền, nhất là kiều hối) ở Việt Nam thường chủ yếu do nhận kiều hối từ nước ngoài về. Đây là những khoản người Việt Nam ở nước ngoài chuyển về để trợ cấp cho người thân trong nước. Kiều hối chảy về là yếu tố khách quan, không phải vì tỷ giá cao hay thấp. Hơn nữa, Việt Nam đã nhiều năm nay hạ mức gửi tiền USD của cả cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp bằng 0%, nên tỷ giá không phải là yếu tố làm cán cân vãng lai thặng dư vượt quá tiêu chí của Mỹ quy định là 2% GDP. Nếu loại trừ kiều hối chuyển về hàng năm, cán cân vãng lai của Việt Nam còn thâm hụt hoặc thặng dư không lớn.
Thứ ba, thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.
Xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ chỉ là do tương quan cơ cấu kinh tế đặc thù giữa hai nước và Việt Nam đã khai thác thành công khoảng trống trong nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ để đẩy mạnh xuất khẩu, ngày càng gia tăng khả năng đáp ứng cho thị trường tiêu thụ của Mỹ mà thôi.
Dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng mạnh trong 4 năm qua: từ 38,3 tỷ USD năm 2017, tăng lên 39,4 tỷ USD năm 2018; 55,7 tỷ USD năm 2019 và hướng đến đà kỷ lục 65 tỷ USD trong năm 2020.
Theo số liệu thống kê trong Cơ sở Thống kê dữ liệu Thương mại của Cơ quan Thống kê Liên Hợp quốc (UNCOMTRADE), tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ trong năm 2017 đạt 1.784 tỷ USD ra thị trường thế giới, trong đó Việt Nam là nước nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 31 của Hoa Kỳ, chiếm 0,5% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ. Cũng theo nguồn số liệu này, trong năm 2017, Hoa Kỳ nhập khẩu hàng hóa trị giá lên đến 2.407 tỷ USD từ tất cả đối tác thương mại, trong đó hàng hóa từ Việt Nam xếp vị trí thứ 12, chiếm tỉ trọng 2% trong tổng trị giá nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ đã tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 (xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ đạt 169,7 triệu USD; nhập khẩu đạt 130,4 triệu USD), tăng lên gần 76 tỷ USD năm 2019. Trong chín tháng năm 2020, dù chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ vẫn đạt hơn 65 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 55 tỷ USD; nhập khẩu từ Mỹ đạt hơn 10 tỷ USD.
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam-Mỹ được ký kết vào năm 2000, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Nếu trước đây, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào Mỹ các nhóm hàng như: Dệt may, da giày… thì nay đã có thêm nhóm hàng nông-thủy-hải sản. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng mà Mỹ có nguồn cung dồi dào như: Các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu… Như vậy, rõ ràng cơ cấu kinh tế của hai nước là bổ sung cho nhau, chứ không cạnh tranh trực tiếp, nên các dòng hàng xuất-nhập giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mang tính thị trường cao.
Sự tăng vọt thặng dư thương mại với Mỹ năm 2020 là do Việt Nam khống chế dịch COVID-19 thành công hơn Mỹ. Các hoạt động kinh tế nội địa của Việt Nam diễn ra gần như bình thường trong suốt cả năm. Hơn nữa, Việt Nam vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu phục vụ các thị trường quốc tế, trong đó có Mỹ. Đồng thời, khi các nước cần nhập khẩu các thiết bị và hàng tiêu dùng y tế để phục vụ công tác chống dịch, ứng phó dịch, Việt Nam cũng nằm trong số ít nước có thể đáp ứng được nhu cầu. Như vậy, không thể biến sự thành công nổi trội trong phòng chống dịch COVID-19 cùng những nỗ lực của Việt Nam trong hỗ trợ các quốc gia khác ứng phó với dịch bệnh trở thành lý do ghép Việt Nam vào cáo buộc quốc gia thao túng tiền tệ…
Đáng chú ý, dù có xu hướng tăng dần xuất siêu hàng hóa, song chưa có năm nào Việt Nam xuất siêu dịch vụ. Thực tế, Việt Nam luôn nhập siêu dịch vụ từ Mỹ do những lợi thế cạnh tranh của các dịch vụ thường nghiêng về Mỹ, bất chấp tỷ giá VND và USD biến động ra sao.
Trong quá trình hợp tác, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã nỗ lực phối hợp, tập trung giải quyết kịp thời và hiệu quả vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm việc mở cửa thị trường cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ công nghệ thông tin của nhau, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy ký kết nhiều dự án, hợp đồng thương mại lớn. Hai nước cũng đang triển khai hiệu quả hoạt động hợp tác thông qua cơ chế đối thoại của Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) trên tinh thần hợp tác, xây dựng, công bằng, đáp ứng lợi ích chính đáng của mỗi bên. Đây là lý do kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước liên tục tăng trưởng với tốc độ ấn tượng trong suốt 25 năm qua.
Do đó, việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ là không hợp lý và bất kỳ hình thức trừng phạt nào đều không có lợi cho nhân dân và doanh nghiệp hai nước.