Vĩnh Phúc - một hiện tượng về phát triển kinh tế và thu hút đầu tư
Vĩnh Phúc gia tăng hiệu quả các khu công nghiệp | |
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Vị trí thứ 5 mới là điểm khởi đầu của sự trở lại |
Là một trong 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất
Đi qua nửa đầu năm 2022, các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đang ở Vĩnh Phúc đang thể hiện rõ sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, đưa Vĩnh Phúc là một trong 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.
Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của Vĩnh Phúc tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao so với bình quân giai đoạn 2015-2020 và tăng cao hơn so với kịch bản thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ.
Kết quả chung đó có sự đóng góp lớn của 8.000 doanh nghiệp và 500 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại tỉnh.
Để có được số doanh nghiệp này, Vĩnh Phúc đã nhiều năm nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, cho doanh nghiệp, cho các hộ kinh doanh.
“Với chúng tôi, tất cả nhà đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh. Nên tỉnh luôn đặc biệt quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp”, ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ.
Để tạo thuận lợi cho người dân, cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, Vĩnh Phúc đã nỗ lực cải cách mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh.
Ngay như câu chuyện đi khắp 50 nơi trong cả nước của Tập đoàn Sumitomo để chọn điểm đầu tư là một dẫn dụ. Sau khi khảo sát 30 nơi tỉnh phía Bắc, 20 nơi ở phía Nam, Sumitomo đã chọn Vĩnh Phúc và đã đóng đô ở đây được 7 năm.
Một trường hợp khác là Honda Việt Nam. Tổng Giám đốc Daiki Mihara cho biết, doanh nghiệp này đã lựa chọn Vĩnh Phúc là nơi đặt trụ sở chính và 3 nhà máy sản xuất quy mô hơn 70 ha và 1 Trung tâm Đào tạo lái xe an toàn hiện đại bậc nhất Việt Nam.
“Chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của tỉnh, giúp doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực thi các chính sách và thủ tục hành chính, thuế… Đó là lý do doanh nghiệp luôn nỗ lực hoạt động, mở rộng sản xuất, kinh doanh”, ông Mihara Daiki cho biết.
“Vĩnh Phúc đã tạo ra một hiện tượng về phát triển kinh tế và thu hút đầu tư" ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư kí, Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói.
Chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng về hiện tượng Vĩnh Phúc, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: “Vĩnh Phúc đã làm rất tốt. Ngay cả lúc căng thẳng chống dịch, Vĩnh Phúc vẫn làm tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp chống dịch, duy trì sản xuất kinh doanh và không lơi là câu chuyện cải cách”.
Phó Tổng thư ký của VCCI, người tham ra sâu vào báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho biết, Vĩnh Phúc là một địa phương luôn đi đầu trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chính sự nỗ lực, chủ động cải cách, sự thân thiện và luôn đồng hành của chính quyền đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước về Vĩnh Phúc.
“Đây là một lợi thế của Vĩnh Phúc so với các địa phương khác”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Trách nhiệm lớn để chất lượng điều hành cao
Trong bảng xếp hạng PCI 2021, Vĩnh Phúc đứng ở vị trí thứ 5, vượt 24 bậc, đứng trong top các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Trước sự bứt phá vượt bậc này, LS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nói: “Vĩnh Phúc đang nỗ lực lấy lại vị thế là tỉnh dẫn đầu miền Bắc trong các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, dẫn dầu trong thu hút FDI và phát triển doanh nghiệp. Đây là vị thế mà tỉnh đã liên tục khẳng định được trong những năm đầu sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Doanh nghiệp”.
Trong những năm này, Vĩnh Phúc liên tục được coi là điểm sáng về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước. Nhiều bài học kinh nghiệm tốt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh vào thời điểm đó cũng xuất phát từ Vĩnh Phúc.
Đứng trong Top các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc thấy phải có trách nhiệm rất lớn để có được chất lượng điều hành tốt hơn.
“Vị trí thứ 5 về PCI chỉ là điểm bắt đầu cho sự trở lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện để có được một kết quả chất lượng thật sự. Vĩnh Phúc cũng sẽ quan tâm nhiều hơn đến các các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và sẽ có chính sách ưu việt để hỗ trợ cho những doanh nghiệp này”, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ.
Để có chất lượng điều hành tốt hơn, doanh nghiệp và người dân hài lòng hơn thì công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải cách thủ tục hành chính được tỉnh chỉ đạo thực thi quyết liệt.
UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm nâng cao từng chỉ số thành phần của chỉ số PCI, thành lập tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đường dây nóng được vận hành thông suốt, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được đẩy mạnh.
“Luôn đi đầu trong cải cách, luôn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tích cực hỗ trợ nhà đầu tư từ lúc triển khai dự án đến suốt quá trình hoạt động của dự án. Đó là những yếu tố rất quan trọng giúp Vĩnh Phúc luôn hấp dẫn được các nhà đầu tư”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói.
Riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, Vĩnh Phúc có gần 800 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 16,97% so với cùng kỳ năm trước và đã thu hút 38 dự án FDI (15 dự án cấp mới, 23 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 252 triệu USD.
Chỉ số PCI cải thiện cho thấy cam kết của tỉnh nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng mềm, hứa hẹn những đột phá mạnh mẽ hơn nữa về môi trường đầu tư, đưa Vĩnh Phúc quay trở lại đường đua để trở thành điểm thu hút đầu tư hàng đầu của cả nước. Sự cải thiện về vị trí xếp hạng mới PCI và một môi trường kinh doanh được cải thiện tốt hơn hiện nay là sự khởi đầu cho nhiều cải thiện được kỳ vọng là mạnh mẽ hơn, thực tiễn hơn, mang lại kết quả thiết thực hơn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong thời gian tới. Chuyên gia, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam |