Vĩnh Phúc: Tín dụng ngân hàng tích cực xây dựng nông thôn mới
Điểm sáng “nông thôn mới”
Từ năm 2015 đến nay, NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Xác định đây là một phong trào thi đua lớn, có sức lan tỏa và mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao, NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn cân đối nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay của các khách hàng thuộc đối tượng nông nghiệp, nông thôn và nông thôn mới.
Chi nhánh thường xuyên phối hợp với các đơn vị truyền thông tuyên truyền cơ chế, chính sách và các chương trình tín dụng ngân hàng đến người dân; nắm bắt kịp thời tình hình cho vay phục vụ xây dựng nông thôn mới của các TCTD và thực hiện hỗ trợ giải quyết khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD với khách hàng vay vốn trên địa bàn; thực hiện quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên của NHNN Việt Nam; triển khai mạnh mẽ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông thôn mới theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP…
Đồng chí Nguyễn Văn Tâm - Tỉnh ủy viên, Giám đốc NHNN tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại Lễ phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020-2025 |
Tính đến cuối tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh có 10/27 NHTM và 31/31 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở cho vay xây dựng nông thôn mới với dư nợ cho vay đạt 16.937 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối 2019. Trong đó chủ yếu là cho vay của hệ thống các NHTM, chiếm 69,4% dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chiếm 14,89% dư nợ nông thôn mới... còn lại là của Ngân hàng Hợp tác xã và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đầu tư vốn cho vay hộ sản xuất kinh doanh (chiếm 26,7% dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới), cho vay hộ nghèo (chiếm 17,53%), cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (chiếm 14,28%)… và một số lĩnh vực khác.
Đối tượng cho vay lĩnh vực nông thôn mới là các cá nhân; hộ gia đình, hộ kinh doanh; hợp tác xã, tổ hợp tác và các doanh nghiệp. Vốn tín dụng được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, xây dựng chợ nông thôn, sản xuất kinh doanh; các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi, tăng quy mô, diện tích nuôi trồng, phát triển các ngành nghề dịch vụ… Qua đó, góp phần quan trọng tăng năng suất, sản lượng lương thực, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất chuyên canh, các vùng trồng rau an toàn, vùng trồng hoa cây cảnh, hoặc các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, các vùng nuôi trồng thủy sản... đồng thời cũng góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Vốn vay của các ngân hàng, TCTD đã góp phần tích cực giúp phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt kết quả cao, đến cuối năm 2019, 112/112 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngoài ra, hàng năm NHNN tỉnh đều phát động thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngành Ngân hàng theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam. Các phong trào thi đua đã phát huy hiệu quả rõ rệt khi tập thể NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc liên tục được Thống đốc NHNN công nhận là tập thể Lao động xuất sắc. Năm 2019, cán bộ, công chức chi nhánh NHNN tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Nhân rộng điển hình tiên tiến
Cũng từ năm 2015 đến nay, NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh đảm nhiệm vai trò Trưởng Khối thi đua ngân hàng. Việc liên tục đảm nhiệm vai trò Trưởng Khối thi đua ngân hàng trên địa bàn thể hiện sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của NHNN tỉnh trong đổi mới công tác thi đua khen thưởng ngành Ngân hàng. Mặt khác, NHNN Chi nhánh tỉnh liên tục đảm nhiệm vai trò Trưởng Khối thi đua ngân hàng trên địa bàn cũng là điều kiện giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt, triển khai đồng bộ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua khen thưởng gắn với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Cùng với đó, công tác khen thưởng đã được Ban lãnh đạo NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, vận dụng đúng đắn quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước trong công tác khen thưởng nhằm tăng tỷ lệ khen thưởng cho cá nhân trực tiếp là người lao động, khen thưởng đúng người, đúng việc có tác động khích lệ, động viên toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Chi nhánh hăng say, phấn khởi, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Chi nhánh; công tác khen thưởng được thực hiện công khai, dân chủ. Việc khen thưởng kịp thời, công khai, minh bạch, đúng người, đúng việc, đúng thành tích; đề cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, nhất là trong việc phát hiện điển hình, nhân tố mới để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng. Khi phát hiện tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị và của Ngành cần được khen thưởng kịp thời. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, người trực tiếp lao động.
Đồng chí Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc NHNN tỉnh Vĩnh Phúc tặng Giấy khen cho 1 tập thể, 23 cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020 |
Việc bình xét khen thưởng tại Chi nhánh được tiến hành công khai, dân chủ đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, khen thưởng kịp thời có tác động khích lệ thực hiện tốt phong trào thi đua. Đổi mới công tác khen thưởng theo quan điểm chú trọng, nâng cao tỷ lệ khen thưởng đến các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trực tiếp. Tỷ lệ khen thưởng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho người trực tiếp lao động được nâng lên từ 42,8% năm 2016 lên 57% năm 2017. Tỷ lệ khen thưởng Bằng khen của Thống đốc NHNN cho cá nhân là người lao động trực tiếp các năm 2018, 2019 là 100%.
Chi nhánh NHNN tỉnh luôn chú trọng bồi dưỡng, nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến, như: Phòng Tổng hợp, Nhân sự & Kiểm soát nội bộ được nhận Bằng khen của Thống đốc NHNN và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; cá nhân đồng chí Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc NHNN tỉnh được đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; đồng chí Hoàng Duy Chinh - Phó giám đốc NHNN tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; đồng chí Nguyễn Kim Bình - Phó trưởng phòng THNS&KSNB 5 năm liền được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhận Bằng khen của Thống đốc NHNN; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…
Chặng đường phía trước
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Tâm nhấn mạnh: Trong giai đoạn 2020-2025, NHNN tỉnh sẽ tập trung thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc phát huy vai trò trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả, đoàn kết, quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi, toàn diện nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2020-2025”, nhằm phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi tập thể, cá nhân, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn thể cán bộ, công chức nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, chú trọng xây dựng, nhân rộng những điển hình tiên tiến có thành tích tiêu biểu, xuất sắc; biểu dương, khen thưởng kịp thời tạo sự lan tỏa trong phong trào thi đua.
Thực hiện nhiệm vụ xuyên suốt này, trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc sẽ triển khai kịp thời các giải pháp, chỉ đạo, điều hành của NHNN Việt Nam, của tỉnh về hoạt động tiền tệ ngân hàng. Chủ động nắm bắt tình hình kinh tế-xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để tham mưu với UBND tỉnh và Thống đốc NHNN về các biện pháp quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng đảm bảo an toàn, hiệu quả. Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Ngành; đưa hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn hiệu quả, phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Mục tiêu phát triển giai đoạn 2020-2025: + Tăng trưởng bình quân về huy động vốn ở mức 14-17%/năm; + Tăng trưởng bình quân về dư nợ tín dụng ở mức 14-18%/năm; + Nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ. |