VN-Index có thể bứt phá khỏi ngưỡng 1.300 và tiến xa hơn trong năm 2025
Bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty TNHH Chứng khoán ACB |
“Quyết định giảm lãi suất của Fed đã được kỳ vọng trong vài ngày trước đó khi xác suất giảm 0,5% theo thang đo của CME Fed watch tăng vọt lên trên 50%, thậm chí 65% ngay trước cuộc họp. Quan điểm của tôi cho rằng, mức giảm này hoàn toàn phù hợp với nền kinh tế Mỹ và bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, mặc dù là hơi chậm một nhịp vì lạm phát Mỹ cũng như toàn cầu đều đang tiếp tục giảm dần về các vùng mục tiêu”, bà Trang chia sẻ.
Bình luận về dòng chảy nguồn vốn toàn cầu sẽ ra sao sau quyết định này, bà Trang cho rằng, cần nhìn toàn bộ “bối cảnh” lý do vì sao Fed cắt giảm lãi suất. Nếu lý do cắt giảm lãi suất bắt nguồn từ nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ, trên một nền định giá quá cao của thị trường chứng khoán Mỹ (P/E hiện tại khoảng 25-27 lần), thì kịch bản phổ biến là dòng tiền sẽ tạm thời rời bỏ TTCK Mỹ và chuyển dịch sang các thị trường mới nổi đang có định giá hợp lý hơn (ví dụ MSCI Emerging Market đang có mức P/E 15-16 lần) và có khả năng tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn trong thời gian tới.
Các quỹ đầu tư trái phiếu/tương hỗ cũng sẽ có xu hướng chuyển bớt sang các thị trường mới nổi khi lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ không còn hấp dẫn và rủi ro tỷ giá của các thị trường mới nổi giảm bớt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có sự liên thông như hiện nay, sự suy thoái của các quốc gia lớn có ảnh hưởng tới toàn cầu. Ví dụ, khi Mỹ suy thoái thì đồng thời rất nhiều các thị trường mới nổi có nền kinh tế có tỷ trọng thương mại lớn với Mỹ cũng bị ảnh hưởng theo và tăng trưởng cũng trở nên kém khả quan. Vì vậy, sự dịch chuyển của dòng vốn liên thị trường sẽ bị tác động bởi nhiều yếu tố cần theo dõi như định giá từng thời điểm của các thị trường, triển vọng lợi nhuận của từng thị trường.
Về tác động với các kênh đầu tư, bà Trang cho rằng, về mặt logic, khi Fed cắt giảm lãi suất, thì trên bình diện toàn cầu, các tài sản tài chính có rủi ro cao (risk-on assets), như chứng khoán, tiền số… sẽ tăng giá vì chi phí vay nợ thấp, khuyến khích NĐT đầu tư vào các kênh mạo hiểm hơn để có lợi suất cao hơn do lãi suất TPCP giảm. Và ngược lại các tài sản an toàn hơn (trái phiếu) sẽ giảm giá. Lãi suất giảm cũng tạo ra lo ngại về lạm phát trong tương lai, cùng với chi phí vốn thấp sẽ hỗ trợ cho giá vàng. Tuy nhiên, đối với giá vàng, một yếu tố khác tác động khá lớn lên giá vàng là rủi ro địa chính trị và chiến lược phi đô la hóa của nhiều quốc gia, đặc biệt là khối BRICS.
Còn đối với thị trường bất động sản, không giống như những tài sản tài chính khác, nó đồng thời là một tiêu sản, một nhu cầu sử dụng thực sự nên diễn biến của thị trường bất động sản tùy từng phân khúc… Nhưng khi giảm lãi suất, chi phí vay nợ cũng sẽ giảm đi nhiều và kích thích người mua nhà, nên về mặt nhu cầu sẽ gia tăng, nhưng về mặt giá thì liệu có tăng hay không sẽ phụ thuộc vào cung cầu của từng quốc gia và từng phân khúc…
Đối với thị trường Việt Nam, giai đoạn vừa qua thị trường bất động sản mặc dù trầm lắng nhưng giá cũng không giảm nhiều, đặc biệt là ở những khu vực mà có cầu thật sự trong đô thị hoặc vùng ven… thậm chí giá cũng đã nóng lại khá nhiều trong thời gian gần đây… Chính vì vậy sẽ khó để đưa ra một nhận định chung cho thị trường bất động sản.
Còn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, việc bán ròng của khối ngoại đối với thị trường chứng khoán Việt Nam bắt nguồn từ hai lý do. Lý do từ tính chất “vĩ mô” như chênh lệch tỷ giá, lãi suất, khả năng tăng trưởng lợi nhuận giữa thị trường Việt Nam và các thị trường phát triển khác. Đối với lý do này, tôi cho rằng, các yếu tố bất lợi như chênh lệch lãi suất giữa USD và VND đang giảm dần và sẽ chấm dứt, thậm chí về trạng thái dương vào năm 2025, cùng tỷ giá đang hạ nhiệt và vùng định giá phù hợp… sẽ thu hút các NĐT nước ngoài sớm quay trở lại thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc Bộ Tài chính vừa phê duyệt Thông tư 68 quy định về giao dịch chứng khoán trong đó cho phép NĐT nước ngoài không cần ký quỹ 100% khi thực hiện mua chứng khoán Việt Nam là một bước tiến quan trọng trong tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi thứ cấp.
Vì vậy, kỳ vọng vào thời điểm cuối năm, dòng tiền của NĐT nước ngoài sẽ quay trở lại mua ròng. Tuy nhiên, đà bán ròng của NĐT nước ngoài trong thời gian qua cũng tập trung lớn vào một vài mã cổ phiếu riêng lẻ do thay đổi chiến lược đầu tư hoặc nhu cầu cơ cấu các khoản đầu tư của các quỹ. Trong gần 3 tỷ USD bán ròng của NĐT nước ngoài trong gần 9 tháng đầu năm 2024, có hơn 1 tỷ USD tập trung vào một vài cổ phiếu. Vì vậy, áp lực bán ròng lên một vài cổ phiếu riêng lẻ vẫn có thể không tránh khỏi.
Cũng theo bà Đỗ Minh Trang, mặc dù khối ngoại chỉ chiếm khoảng 10% tổng giao dịch toàn thị trường, thậm chí lúc cao điểm, cũng chỉ khoảng 15-16%, nhưng hành động của khối ngoại có tính dẫn dắt tâm lý rất lớn. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu yêu thích, thỏa các điều kiện đầu tư của khối ngoại đa phần là các cổ phiếu có vốn hóa lớn và có tỷ trọng cao trong đà tăng/giảm của VN-Index.
“Với triển vọng nhà đầu tư quay trở lại vào thời điểm cuối năm khi các yếu tố bất lợi cho thị trường giảm đi, cùng với câu chuyện nâng hạng thị trường và giả định nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, VN-Index có thể bứt phá khỏi ngưỡng 1.300 và tiến xa hơn trong năm 2025”, bà Trang nhấn mạnh.