Vốn ngân hàng tạo động lực phát triển kinh tế địa phương
Ngân hàng cùng khách hàng vượt khó
Được biết đến là thủ phủ của nghề mộc truyền thống ở vùng Đông Nam Bộ, trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, sản phẩm gỗ Hố Nai (Đồng Nai), đặc biệt là đồ thờ được làm bởi những người thợ mộc tài hoa xứ Bắc, từ Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tây (cũ)... vào Đồng Nai lập nghiệp, luôn là một thương hiệu được nhiều khách hàng lựa chọn.
“Bây giờ là thời điểm chuẩn bị hàng hóa để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm. Hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, làng nghề gần như đóng cửa, đây là lúc chúng tôi vực dậy”, ông Hoàng Văn Cương, chủ hộ sản xuất kinh doanh đồ gỗ tại làng nghề Hố Nai cho biết.
Nhưng may mắn nhất trong thời điểm này, theo chia sẻ của ông Cương là có sự hỗ trợ nguồn vốn từ Agribank với lãi suất ưu đãi, kịp thời cho đợt nhập nguyên liệu đúng lúc sản xuất đang vào vụ. Đặc thù nghề gỗ cần nguồn vốn rất lớn để nhập nguyên liệu.
“Làm ăn phải có thiếu có chịu. Hàng chục năm làm nghề, chúng tôi đều có mối để có thể mua chịu nguyên liệu. Nhưng nếu có “tiền tươi” để mua, mỗi khối gỗ cũng rẻ được khá, tăng thêm được đồng lãi. Thế thì sao lại không vay ngân hàng để có tiền nhập gỗ!”, ông Cương nói thêm.
Agribank đã và đang cùng nền kinh tế tiếp tục tạo nên những bứt phá trên chặng đường mới. |
Cũng ở “thủ phủ” gỗ Hố Nai, Công ty TNHH sản xuất - thương mại và dịch vụ Toàn Tâm Phát (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) lại tập trung vào những sản phẩm đồ gỗ chất lượng cao chuyên xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ…
Ông Trần Văn Thặng, Phó giám đốc công ty cho biết, thời gian qua, không chỉ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mà tình trạng lạm phát toàn cầu cũng khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, trong khi chi phí vận chuyển tăng nên số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm tới 50%.
Khó khăn chồng chất, tuy nhiên nhờ có nguồn vốn ưu đãi từ Agribank, công ty vẫn tự tin vay để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất mới hàng nghìn mét vuông, với dây chuyền công nghệ hiện đại.
Không chỉ với các cơ sở, doanh nghiệp trong nước, với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam, Agribank cũng đồng hành và chia sẻ khó khăn với mục tiêu cao nhất là góp sức để doanh nghiệp phục hồi, công nhân có việc làm, kinh tế phát triển. Chính vì vậy, 600 công nhân tại Công ty TNHH Inni Home (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) vẫn duy trì được sản xuất dù đơn hàng xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ của công ty giảm tới 50%.
Theo bà Zhang Ying, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Inni Home, nếu như năm 2020 và năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu luôn duy trì từ 1 đến 1,2 triệu USD/tháng, thì thời điểm này chỉ còn 600.000 - 700.000 USD/tháng. Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, lãi suất vay ngoại tệ của Agribank đã giảm xuống còn 3%/năm từ 3,6%/năm.
“Sự chia sẻ và đồng hành của ngân hàng qua rất nhiều thăng trầm và đặc biệt là cả ở những dịch vụ ngoài tín dụng như: tư vấn chính sách đất đai, thuế, kết nối với chính quyền địa phương để hỗ trợ giải quyết những vấn đề vướng mắc với doanh nghiệp, là lý do chính để chúng tôi gắn bó với Agribank từ năm 2013 đến nay”, bà Zhang Ying cho biết.
Nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng
Ông Hoàng Xuân Nhật, Phó giám đốc Agribank tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện bình quân mỗi cán bộ tín dụng của Agribank Đồng Nai phải phụ trách, quản lý trên 1.000 khách hàng. Xác định đầu tư cho tam nông là nhiệm vụ trọng tâm, dư nợ tín dụng trong nông nghiệp - nông thôn của Agribank Đồng Nai luôn chiếm tới 75% tổng dư nợ. Nguồn vốn Agribank đã góp phần đưa nông nghiệp Đồng Nai dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ về mức tăng trưởng với giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản những tháng đầu năm tăng gần 5% so với cùng kỳ.
Ở một địa bàn khác, có hoạt động kinh tế sôi động bậc nhất cả nước, bà Trần Thị Quỳnh Châu, Phó giám đốc Agribank tỉnh Bình Dương cho biết, đây là điều kiện thuận lợi, đồng thời cũng là áp lực lớn với ngân hàng khi phải cạnh tranh quyết liệt với gần 70 tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Với trên 267.000 khách hàng, trong đó có 3.600 doanh nghiệp, để đáp ứng nhu cầu và “giữ chân” khách hàng, Agribank tỉnh Bình Dương đặc biệt chú trọng dịch vụ chăm sóc khách hàng. Chính vì thế, mỗi cán bộ, nhân viên của chi nhánh đều được tham gia các lớp đào tạo bài bản, áp dụng các giải pháp công nghệ liên tục đổi mới, đặc biệt là sự gắn bó, đồng hành và hỗ trợ khách hàng tối đa, kể cả việc hỗ trợ các nghiệp vụ ngoài tín dụng. Đó chính là lý do để khách hàng luôn gắn bó, chung thủy với Agribank.
Để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, Agribank Bình Dương đã giảm lãi suất cho vay đối với 16.173 khách hàng, tổng số nợ đã được giảm lãi suất đạt hơn 20.300 tỷ đồng với tổng số tiền lãi hỗ trợ đạt 46,5 tỷ đồng. Mức giảm lãi suất từ 0,5-1,2%/năm đối với dư nợ VND và 0,3%/năm đối với dư nợ USD.
Bên cạnh đó, chi nhánh đã tận dụng và áp dụng nhiều gói vay ưu đãi của Agribank để hỗ trợ giảm lãi suất, giúp giảm chi phí cho khách hàng trong giai đoạn khó khăn, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Cụ thể, chi nhánh đã giải ngân các khoản vay ưu đãi với tổng doanh số hơn 4.100 tỷ đồng, mức giảm lãi suất từ 0,5-2,0%/năm, tổng số tiền lãi đã giảm đạt khoảng 13 tỷ đồng...
Đồng hành và chia sẻ, với định hướng ưu tiên nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tam nông, Agribank đã và đang cùng nền kinh tế tiếp tục tạo nên những bứt phá trên chặng đường mới.