Vốn ngân hàng tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh cho vay hoạt động xuất khẩu
Vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. |
Vốn ngân hàng cho vay hỗ trợ hoạt động xuất khẩu
Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn Đồng Nai triển khai các chương trình tín dụng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có các gói tín dụng, phương án hỗ trợ lãi suất cho các DN, hợp tác xã (HTX), nhất là các DN nhỏ và vừa, xuất nhập khẩu… Theo Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai Tạ Thanh Long cho biết, đến 30/4/2023, tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn đạt hơn 341 ngàn tỉ đồng, tăng khoảng 2,3% so với 31/12/2023. Trong đó, giá trị các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 2,2 ngàn tỉ đồng, tổng dư nợ cho vay ước đạt 338,8 ngàn tỉ đồng.
Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,4% - 11,2%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ từ 4,2% - 5,7%/năm đối với ngắn hạn; 6% - 6,1%/năm đối với trung và dài hạn.
Đáng chú ý, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xuất, nhập khẩu của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 42 ngàn tỉ đồng, tăng gần 2,3% so với thời điểm 31/12/2022, chiếm tỉ trọng hơn 12% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trong tỉnh. Trong đó, riêng dư nợ cho vay xuất khẩu đạt hơn 24 ngàn tỉ đồng.
Hiện tại lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với những khoản vay liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu phổ biến ở mức 6-11%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay bằng USD phổ biến ở mức 4,5 -7%/năm, tùy vào qui định của mỗi ngân hàng, mức độ tín nhiệm tín dụng của DN...
Hoạt động cho vay đối với lĩnh vực xuất, nhập khẩu là một trong những lĩnh vực được ưu tiên về nguồn vốn. Nhiều DN lĩnh vực xuất, nhập khẩu mong muốn sớm được tiếp cận các gói vay vốn để duy trì, đảm bảo hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, các DN cũng hi vọng tiếp cận được chính sách hỗ trợ lãi suất để có thêm điều kiện phục hồi. Thông qua đó, các DN kết nối, liên kết với các DN khác trong và ngoài nước, tận dụng tìm kiếm thị trường mới để xuất khẩu hàng hóa.
Nhờ vốn vay ngân hàng kịp thời với lãi suất ưu tiên mà hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4 đã bắt đầu có tín hiệu tích cực hơn so với các tháng trước, DN kí được đơn hàng xuất khẩu mới mặc dù chưa nhiều. Bên cạnh đó, đơn giá một số mặt hàng xuất khẩu tăng góp phần làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng so với tháng trước.
Trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt hơn 2 tỉ USD, tăng 11,8% so với tháng trước với hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng như: hạt điều nhân tăng 9,6%; cà phê tăng 6,5%; cao su tăng 15,7%; sản phẩm gỗ tăng 11,4%; hàng dệt may tăng 14,6 và giày dép các loại tăng 9,4%... Tính chung 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 6,9 tỉ USD.
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng Đồng Nai đã triển khai nhiều chương trình cấp tín dụng hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho người dân và DN, trong đó có các DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay. Đáng chú ý, dư nợ cho vay DN nhỏ và vừa của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 30/4/2023 đạt hơn 63,1 ngàn tỉ đồng, tăng 2,6% so với thời điểm 31/12/2023, chiếm tỉ trọng gần 18,3% so với tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trong tỉnh. Riêng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Đồng Nai đạt khoảng 61,8 ngàn tỉ đồng, chiếm tỉ trọng gần 18,6% so với tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trong tỉnh, tăng 5,8% so với cuối năm 2022.
NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Tiếp tục cho vay với người mua nhà và các dự án bất động sản đã hoàn thiện thủ tục pháp lý, có khả năng trả nợ, đáp ứng nhu cầu về nhà ở…
Những giải pháp trong thời gian tới
Từ nay đến cuối năm 2023, NHNN chi nhánh Đồng Nai, bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương và Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh Đồng Nai, tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Thực hiện việc tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý trên cơ sở đảm bảo khả năng thanh khoản theo quy định; cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện mở rộng tín dụng và tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Cùng với đó triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển mạng lưới về vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; chú trọng phát triển hệ thống tổ chức tài chính vi mô, củng cố hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Tập trung phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế và đa dạng loại hình dịch vụ; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng công nghệ hiện đại gắn liền với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán trong nền kinh tế; chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động ngân hàng, phát triển mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ góp phần tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng của khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Ngoài ra tiếp tục phát huy vai trò chủ lực của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong cho vay phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, cung cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, hộ sản xuất nông nghiệp, hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở nông thôn; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng cho giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, các chương trình tín dụng chính sách góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương. Cân đối nguồn vốn, thúc đẩy đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo điều kiện cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình ở nông thôn tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, chuỗi giá trị liên kết đối mới sáng tạo, liên ngành, liên vùng và chuyến đổi số phù hợp với quy định của pháp luật.