Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững
Doanh nghiệp Việt đối mặt với thách thức trong chuyển đổi xanh Việt Nam – Điểm đến đầu tư hấp dẫn trong quá trình chuyển đổi xanh |
Nền tảng cho sự thay đổi
Nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi này, Bộ Công Thương phối hợp với Chính phủ Thụy Sĩ tổ chức Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”. Sự kiện đã trở thành hoạt động thường niên, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, giảm phát thải carbon và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Diễn đàn năm 2024 thu hút 300 đại biểu từ các cơ quan Chính phủ, tổ chức quốc tế, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu từ các tổ chức quốc tế, mang đến cái nhìn đa chiều về chính sách vĩ mô, giải pháp thực tiễn và những kết quả bước đầu trong chuyển đổi xanh và chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh các phiên hội thảo, diễn đàn còn dành thời gian tư vấn chuyên sâu về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh, tiêu chuẩn và chứng nhận quốc tế, công nghệ và giải pháp xanh trong logistics, cùng các cơ chế tài chính hỗ trợ đầu tư xanh. Đây là bước tiến cần thiết để các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế.
Phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu, định hình chiến lược của các quốc gia trên toàn cầu. Những chính sách lớn như Thỏa thuận xanh châu Âu (EGD), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), hay Kế hoạch kinh tế tuần hoàn (CEAP) đang đặt ra các yêu cầu khắt khe về giảm phát thải và trách nhiệm xã hội. Điều này buộc các nước xuất khẩu, bao gồm Việt Nam, phải thay đổi phương thức sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Việt Nam, với tiềm năng lớn, đang đứng trước cơ hội trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sản xuất sạch, kinh tế số, và kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, để nắm bắt được, việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu đáp ứng tiêu chuẩn bền vững là điều kiện sống còn.
Xu hướng tài chính xanh đang phát triển mạnh trên thế giới |
Thách thức trong chuyển đổi xanh
Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam hiện đứng ở vị trí 79/160 quốc gia trên thế giới về kinh tế xanh. Cơ sở hạ tầng xanh của Việt Nam xếp ở vị trí 94. Mặc dù, tốc độ tăng trưởng kinh tế xanh đạt 12-13%, nhưng quy mô vẫn rất nhỏ, chỉ chiếm 2% GDP nền kinh tế.
Các quy định khắt khe từ EU như CBAM, yêu cầu báo cáo phát triển bền vững, hay các chính sách chống phá rừng, đang đặt áp lực lớn lên doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là sự phụ thuộc vào nền kinh tế nâu, chiếm 98% cấu trúc kinh tế Việt Nam. Điều này đòi hỏi một chiến lược đồng bộ từ Chính phủ, sự chủ động từ doanh nghiệp và hợp tác từ các tổ chức liên quan.
Vậy nên rất cần vai trò của tài chính xanh và sự chủ động của doanh nghiệp. Xu hướng tài chính xanh đang phát triển mạnh trên thế giới, với tỷ lệ các khoản vay xanh ngày càng tăng. Song tại Việt Nam, quy mô lĩnh vực này vẫn rất nhỏ, chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ ngân hàng. Số lượng phát hành trái phiếu xanh còn hạn chế, thời hạn ngắn, và mức tăng trưởng không đáng kể.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Cơ quan thường trú ADB tại Việt Nam, để thúc đẩy tài chính xanh, điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải tự chuyển đổi xanh. Các hoạt động kinh doanh cần đáp ứng tiêu chí bền vững để nhận được hỗ trợ tài chính. Chính phủ đã lên kế hoạch thí điểm chương trình tín chỉ carbon vào năm 2025 và chính thức triển khai vào năm 2027, yêu cầu doanh nghiệp sẵn sàng thích nghi với các cơ chế này.
Với kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2025, Việt Nam đang trên đà trở thành một nền kinh tế mở hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, để duy trì vị thế và đáp ứng yêu cầu quốc tế, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là điều kiện bắt buộc. Đây không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và duy trì năng lực cạnh tranh.
Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu Xanh 2024 vừa là nơi chia sẻ kiến thức, vừa tạo ra nền tảng để các doanh nghiệp và cơ quan chức năng cùng tìm kiếm giải pháp đột phá, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.