Thiếu tiêu chuẩn phân loại dễ gây nhầm lẫn dự án xanh
Ngày 6/12, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn “TP. Hồ Chí Minh gỡ vướng cho nền kinh tế xanh”.
Diễn đàn này thu hút sự quan tâm của khá nhiều chuyên gia, đại diện các TCTD và đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhóm lĩnh vực môi trường, năng lượng tái tạo và các dự án có liên quan đến giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.
Các chuyên gia cho rằng một trong những rào cản lớn nhất đối với phát triển thị trường tài chính xanh là thay đổi nhận thức về kinh tế xanh của cộng đồng doanh nghiệp |
Phát biểu tham luận tại diễn đàn, TS. Bùi Duy Tùng, Khoa Kinh doanh, Trường Đại học RMIT Việt Nam cho biết, hiện nay thị trường tài chính xanh tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung còn khá nhiều rào cản.
Theo đó, rào cản đầu tiên là thiếu khung pháp lý và tiêu chí phân loại xanh. Bởi hiện nay các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này còn khá chung chung, khó áp dụng.
“Khi các TCTD triển khai thẩm định dư án để tài trợ vốn rất khó xác định dự án nào là dự án thực sự “xanh”, dự án nào chỉ “xanh” trên giấy và mang tính hình thức” - TS. Tùng nói.
Việc thiếu khung pháp lý và tiêu chí phân loại, theo ông Tùng cũng khiến cho nền kinh tế gia tăng nguy cơ tẩy xanh (greenwashing), tức là có rất nhiều dự án không thực tế “xanh” nhưng vẫn được liệt kê, được tài trợ vốn và tiếp cận các ưu đãi, hỗ trợ. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn tài trợ quốc tế sẽ khó khăn hơn, vì các quỹ đầu tư đa quốc gia và các tổ chức tài chính quốc tế có quy trình thẩm định rất nghiêm ngặt, chặt chẽ và rõ ràng.
Thách thức thứ hai đối với thị trường tài chính xanh hiện nay, theo ông Tùng là chưa có sự đa dạng hóa về sản phẩm. Nguồn vốn đầu tư trên thị trường chủ yếu đến từ tín dụng và trái phiếu xanh, thiếu các sản phẩm như bảo hiểm, môi trường, trái phiếu liên kết khí hậu… Hệ quả là giảm khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và hạn chế cơ hội cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Về mặt nhận thức đối với kinh tế xanh và năng lực triển khai của các sản phẩm tài chính xanh, theo TS. Tùng, hiện nay khá nhiều DNNVV chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xanh hóa quy trình sản xuất kinh doanh, chưa hiểu rõ về vai trò và các tiêu chuẩn xanh – bền vững. Trong khi đó, ở phía các TCTD cũng không nhiều đơn vị có đủ nhân sự và công cụ để chuyên trách đánh giá rủi ro môi trường, xã hội. Vì thế khi tiến hành tài trợ vốn, nhiều dự án bị đánh giá sai, bỏ lỡ cơ hội đầu tư hoặc không tận dụng được các cơ hội hợp tác quốc tế.
Đối với lĩnh vực huy động vốn cho các dự án xanh, TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay mặc dù TP. Hồ Chí Minh đang rất tích cực trong việc triển khai các cơ chế đặc thù, ưu đãi thu hút đầu tư. Tuy nhiên, các quy định liên quan cụ thể đến lĩnh vực kinh tế xanh vẫn chưa được các chính sách nhấn mạnh, tạo ra các cơ chế hỗ trợ, tài trợ phù hợp.
Ông Lịch cho biết, sắp tới đây Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh để triển khai cơ chế sử dụng ngân sách cấp bù hỗ trợ lãi suất vay tín dụng đối với các dự án xanh, đống thời tham mưu các sở, ngành liên quan để xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá, phân loại dự án và đưa ra các mức ưu đãi, hỗ trợ.
Về phía Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Việt Hà, (Quyền Chủ tịch) cho biết, nay tại Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào chính thức phát hành cổ phiếu xanh. Các quỹ đầu tư ở Việt Nam cũng chưa có các quỹ chuyên biệt theo dõi chỉ số VNSI hay các quỹ tập trung hoàn toàn vào đầu tư xanh. Tuy nhiên, đã có sự gia tăng đáng kể trong việc áp dụng đánh giá chuẩn mực ESG để lựa chọn cổ phiếu đầu tư, không đầu tư các cổ phiếu trong một số ngành nghề có tác động xấu tới môi trường như các ngành khai thác than đá hay điện than...
Bà Hà cũng thông tin, từ năm 2022 đến nay đã có khá nhiều đợt phát hành trái phiếu xanh thành công. Trong đó đáng kể nhất là các đợt phát hành 73,7 triệu USD trái phiếu xanh của EVNFinance (tháng 7/2022); đợt phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh của BIDV (tháng 10/2023) và đợt phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh để cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường của Vietcombank (tháng 11/2024).
Riêng đối với nguồn vốn tín dụng tài trợ cho các dự án xanh, theo thống kê của NHNN, trong giai đoạn 2017 – 2023: dư nợ cấp tính dụng xanh tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân hơn 22%/năm. Hiện nay cả nước đang có khoảng 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt gần 637 triệu tỷ đồng (tính đến giữa năm 2024), trong đó chủ yếu tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.