Vui buồn nghề báo
Nhà báo Trần Hương:
“Áp lực và giải tỏa”
Ngân hàng là lĩnh vực rất quan trọng, là huyết mạch của nền kinh tế, nên việc bảo đảm an toàn và phát triển lành mạnh ngành Ngân hàng luôn được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Là phóng viên báo Ngành nên ngoài việc phải nâng cao nghiệp vụ báo chí, ngân hàng, phóng viên còn phải có năng lực chính trị cần thiết để chắt lọc nội dung và hình thức truyền tải thông tin trên Thời báo Ngân hàng cho phù hợp bởi bạn đọc hầu hết là người có trình độ chuyên môn sâu, thậm chí còn là các chuyên gia.
Trong hơn 20 năm làm báo, với tôi Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV là một sự kiện đáng nhớ bởi tại kỳ họp này, chúng tôi được theo dõi. Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, vị nữ trưởng Ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Với những người làm báo Ngành và theo dõi đưa tin Quốc hội, thì đây vừa là vinh dự nhưng cũng là áp lực.
Vinh dự là vì từ các vị phụ trách báo chí Quốc hội đến anh em phóng viên, nhà báo ở nghị trường gặp nhau đều hỏi: “Thống đốc sắp trả lời chất vấn đấy, ông có gì hay không?”. Vinh dự là bởi khi Quốc hội giải lao giữa những buổi chất vấn, anh em phóng viên tụ tập ở hành lang phòng họp Diên Hồng và nhiều đại biểu tâm sự: “Thống đốc trả lời chất vấn rất cầu thị, tự tin, đi vào thẳng câu hỏi bởi là người nắm chắc vấn đề...”.
Áp lực là vì trước mỗi phiên trả lời chất vấn, thông thường Thống đốc sẽ có văn bản gửi đến đại biểu Quốc hội trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm tại kỳ họp. Anh em phóng viên phải tìm cách có văn bản để đăng sớm trên báo, vừa tuyên truyền cho Ngành, vừa phục vụ nhu cầu bạn đọc. Tuy nhiên, để tiếp cận được văn bản này cũng không hề đơn giản, đòi hỏi anh em phóng viên phải có “nghiệp vụ báo chí” mới lấy được đấy.
Một áp lực nữa là mỗi bộ trưởng, tư lệnh ngành như Thống đốc NHNN sẽ trả lời rất nhiều nội dung, lĩnh vực mà đại biểu quan tâm, đòi hỏi mỗi phóng viên phải vừa tập trung lắng nghe, vừa phải tổng hợp để viết ra bài báo ngắn gọn mà đảm bảo tính tổng hợp, bao quát…
Tuy nhiên, tất cả những áp lực ấy đều được giải tỏa khi phát biểu kết luận phiên chất vấn Thống đốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét: “Thống đốc NHNN tuy mới nhận nhiệm vụ hơn một năm nhưng đã có nhiều năm công tác tại NHNN nên đã chuẩn bị kỹ lưỡng và nắm chắc các vấn đề thuộc chức năng quản lý nhà nước của NHNN. Thống đốc đã trả lời thẳng vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế và đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua”...
Nhà báo Thạch Bình:
Đọc kiến thức ngoài ngành cho tôi những đề tài thú vị
Khoảng những năm 2009-2010 khi được cơ quan giao nhiệm vụ tìm hiểu việc nhập khẩu và tiêu thụ nội tạng động vật ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, tôi đã vô cùng e ngại và trăn trở. Thời điểm đó, đối với một cử nhân khoa học xã hội như tôi, kiến thức về xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa và các đường bước của thị trường là vô cùng hạn chế.
Bỗng một ngày, tôi nhận được một công văn từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM. Họ nói rằng, trong số các lô hàng nội tạng động vật được nhập khẩu về cảng Cát Lái (TP.HCM), có một lô hàng thịt trâu bẩn nhiễm khuẩn khối lượng gần 19 tấn đã được bán cho một trại nuôi cá sấu tại Tiền Giang. Tôi băn khoăn tự hỏi: “Trại cá sấu nào mà lớn vậy?”. “19 tấn thịt trâu thì cá sấu ăn đến bao giờ mới hết?”.
Thế là tôi lao vào tìm hiểu. Cá sấu là vật nuôi có điều kiện thuộc nhóm động vật hoang dã, tất nhiên ngành chức năng sẽ quản lý chặt chẽ và sẽ có số liệu, địa chỉ từng cơ sở nuôi cụ thể. Khi đã tra cứu kỹ lưỡng những thông tin liên quan đến nghề nuôi cá sấu, tôi bắt đầu chuyến công tác về Tiền Giang để tìm hiểu thực hư về trại cá sấu đã mua 19 tấn thịt trâu nhiễm khuẩn.
Và phán đoán của tôi đã đúng. Có một trại cá sấu được đăng ký giống như tên và địa chỉ mà công văn của Sở NN&PTNT TP.HCM nhắc tới, nhưng quy mô nuôi không phù hợp với lượng thức ăn nhập về. Thanh tra liên ngành tại Tiền Giang vào cuộc điều tra. Họ kết luận rằng trại cá sấu kể trên đã làm hồ sơ nhập khẩu khống gần 19 tấn thịt trâu nhiễm khuẩn và hơn 40 tấn đùi gà nhiễm khuẩn làm thức ăn cho cá sấu. Tuy nhiên, truy xuất lịch sử cho ăn trong vòng 6 tháng gần nhất thì không có lượng thực phẩm này.
Cuộc điều tra khép lại, hồ sơ vi phạm của doanh nghiệp được chuyển cho cơ quan công an, trong khi đó tôi có được một chuỗi 3 bài viết về một lĩnh vực ngành nghề mà trước đó gần như mù tịt. Và sau đó, tôi nhận ra rằng, mỗi lần tác nghiệp những đề tài “khó nhằn” thì kiến thức về kinh tế, đời sống xã hội của tôi lại được bồi đắp, dày dặn và hoàn thiện thêm. Tôi cũng cảm thấy tự tin và trưởng thành nhiều hơn khi gắn bó với nghề nghiệp báo chí, sáng tạo từ con chữ và ý tưởng.
Nhà báo Đoàn Ngọc Khanh:
Khó khăn, qua báo chí, doanh nghiệp có kiến nghị gì không?
Năm 2018, tôi có cơ hội tìm hiểu và viết một tuyến bài chuyên sâu về sự sống còn của ngành mía đường trước ngưỡng cửa hội nhập. Để thực hiện, tôi đã cùng với các doanh nghiệp (DN), hiệp hội trong ngành đi khảo sát hơn 10 địa phương có nhà máy mía đường trên khắp cả 3 miền đất nước. Phải nói rằng hiếm có ngành sản xuất nông nghiệp nào mà nông dân có thể gắn bó 20-30 năm như mía đường. Cùng với cây mía, nhiều hộ phất lên, mua được nhà, tậu được xe, làm giàu tại chính mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, trước áp lực hội nhập nên vào thời điểm đó, cả DN và nông dân trồng mía đều nhiều phen lao đao, thậm chí nhiều hộ trồng mía lâu năm đã từ bỏ cây mía.
Một lần, tôi tình cờ ngồi chung với một DN trồng mía ở miền Trung. Gọi là tình cờ bởi lãnh đạo DN này xuất hiện trong vai start-up ở lĩnh vực đầu tư nước sạch. Sau một hồi trò chuyện, tôi mới biết DN của anh đã làm mía đường gần hai chục năm, vùng nguyên liệu của nhà máy có tới vài ngàn hộ nông dân. Cũng như nhiều DN khác trong ngành, anh bảo làm mía đường bây giờ chật vật quá, tiêu thụ ngày càng chậm, vùng trồng thu hẹp dần, nên anh phải tính chuyển hướng sang những ngành khác tiềm năng hơn.
- Khó khăn suốt bao nhiêu năm như vậy, các anh có kiến nghị gì lên Hiệp hội để cùng các DN khác đề đạt lên Chính phủ có chính sách cho ngành của các anh không? - tôi hỏi.
- Ôi cái Hiệp hội đó có làm được cái gì đâu. Anh tham gia 10 năm nay rồi mà chưa dự một cuộc họp nào - anh trả lời.
- Làm sao anh có thể đòi hỏi một tổ chức làm được gì cho mình khi bản thân anh còn chẳng thèm tin vào nó? - tôi hỏi tiếp và anh không nói gì nữa.
Chẳng riêng gì DN này, nhiều DN khác trong ngành mía đường đã cặm cụi làm suốt hơn hai chục năm qua và không nói gì cả. Khi khó khăn cận kề, họ nhìn lại chính mình và kêu oan vì luôn bị gắn với định kiến “làm thì ít, đòi bảo hộ thì nhiều”, nhưng chẳng còn mấy ai nghe. Trong khi sự thực là họ đã tạo ra cả triệu việc làm ở nông thôn, làm thay đổi hẳn nề nếp sản xuất, giao thương ở những vùng trồng mía, mang tác phong công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp, thiết lập được chuỗi giá trị, tận dụng phụ phẩm để sản xuất tuần hoàn... Câu chuyện về ngành mía đường không phải cá biệt. Trong quá trình viết báo, tôi đã gặp rất nhiều DN, ngành hàng tương tự. Mặc dù chăm chỉ làm việc, song họ thiếu liên kết, không tìm hiểu kỹ về các chính sách, pháp luật, vì vậy họ dễ dàng lao đao khi nền kinh tế gặp khó khăn. Tôi luôn hy vọng rằng, báo chí sẽ là kênh thông tin hữu hiệu để họ thấy vai trò của sự đoàn kết, tạo nên sức mạnh trên cơ sở dựa vào chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển bền vững.
Nhà báo Hoàng Lượng
Kỷ niệm những ngày cách ly”
Đầu tháng 7/2021, cả Đà Nẵng sục sôi, “căng như dây đàn” khi bão dịch Covid-19 quay lại. Ở thời điểm đó, một không khí lo lắng, bất an trước dịch bệnh như bao trùm lên cả thành phố... Tôi còn nhớ, hôm ấy buổi trưa vừa mới đi làm về đến nhà, thì anh Đỗ Hùng - Trưởng Văn phòng thường trú miền Trung - Tây Nguyên gọi điện thông báo: Phòng Kế toán - NHNN Đà Nẵng có ca dương tính. Các chú chuẩn bị gấp tư trang, cách ly tập trung ngay ở cơ quan. Đầu giờ chiều tất cả phải có mặt...”.
Đã từng công tác trong môi trường quân ngũ, tôi đã quá quen với chuyện báo động, sẵn sàng chiến đấu, có lệnh là lên đường. Thế nhưng, lần này có một nỗi sợ mơ hồ ập đến. Chưa bao giờ, tôi cảm thấy “bão dịch” Covid-19 lại đến gần mình, gia đình đến như thế. Quáng quàng không kịp cơm trưa, vì sợ tiếp xúc với vợ con. Vơ vội bộ quần áo, chuẩn bị mấy thứ cần thiết, tôi lên lại ngay cơ quan với tâm trạng không biết mình đã “dính” hay chưa? Vì những ngày trước đó, anh em vẫn đi làm bình thường, đi cùng thang máy với ca dương tính trên.
Buổi tối đầu tiên cách ly tập trung ở cơ quan, ba anh em văn phòng thường trú còn ngồi ăn cơm chung. Đến ngày hôm sau, tình hình khá căng thẳng bởi ngoài trường hợp đã phát hiện, không biết có còn ai “dính” nữa không. Để bảo đảm an toàn, anh Đỗ Hùng quyết định không ngồi ăn chung nữa, tách ra! Thế là, cứ đến bữa ba anh em ba hộp cơm, chai nước, mỗi người mỗi góc thui thủi cho qua bữa... Trong những ngày “cấm cung”, các anh em văn phòng thường trú đều nhận được sự quan tâm trực tiếp của NHNN Đà Nẵng. Rồi những lời động viên, chia sẻ của anh em tòa soạn, bạn bè đồng nghiệp nên dần cũng bớt đi phần lo lắng của những ngày đầu trực tiếp đối mặt với Covid-19.
Những ngày sau đó, mấy anh em quen dần với nếp sống “ba tại chỗ”, gồm ăn, ngủ và làm việc tại chỗ. Cứ khoảng 3 - 4 ngày, bộ phận y tế lại đến xét nghiệm một lần. Mọi người yên tâm hơn khi các đợt xét nghiệm sau đó không phát hiện thêm trường hợp nào trong tòa nhà dương tính với Covid-19. Bởi vậy, không khí càng về sau càng bớt ngột ngạt, không còn căng thẳng như những ngày đầu... Hai tuần cách ly tập trung ở cơ quan cũng trôi qua. Thật may, ngoài trường hợp được phát hiện từ đầu, cả tòa nhà số 5 Lê Duẩn, không còn phát hiện thêm trường hợp nào khác. Mọi người lại trở lại với cuộc sống thường nhật. Riêng cá nhân tôi, hai tuần “cấm cung” sẽ là những kỷ niệm khó quên trong chặng đường làm việc của mình.
Nhà báo Thanh Tuyết
Khi lòng người đi và viết “nở hoa”
Gắn bó với tờ báo Ngành đến nay đã ngót nghét 20 năm nhưng với tôi, mỗi lần đi tác nghiệp đều là một kỷ niệm đáng nhớ. Không chỉ làm giàu thêm hành trang tri thức, chuyên môn nghiệp vụ, mà mỗi chuyến đi còn là những câu chuyện thấm đẫm tình yêu thương với những con người và mảnh đất nơi tôi đã từng đi qua.
Hồi đó tôi còn là cô phóng viên trẻ của Thời báo Ngân hàng, chưa có nhiều trải nghiệm thực tế nhưng lòng đầy nhiệt huyết nên rất xông xáo, chịu khó khám phá những điều mới mẻ. Khi biết mảnh đất Củ Chi bước ra từ chiến tranh khói lửa, nay được đồng vốn ngân hàng tiếp sức đang ngày càng “thay da, đổi thịt”. Ngoài thế mạnh chăn nuôi bò sữa, mô hình trồng hoa lan công nghệ cao đã giúp cho không ít người nông dân nơi đây đổi đời, trở thành những chủ vựa lan “nức” tiếng trong và ngoài nước.
Để phản ánh được điều này qua những bài báo sinh động, tôi đã liên hệ ngay với Agribank chi nhánh Củ Chi – nơi người nông dân vay vốn khởi nghiệp trồng lan, rồi phi ngay “con ngựa sắt” xuống mảnh đất “thành đồng” này giữa tiết trời tháng 5 nắng như đổ lửa để được gặp gỡ tìm hiểu, trao đổi với những người nông dân vốn “chân lấm, tay bùn”, giờ đã trở thành những đại địa chủ trồng lan. Tiếp đón tôi là anh nông dân rất chất phác, dễ gần. Anh giới thiệu việc trồng lan ở đây đã có từ lâu, nhưng chủ yếu người dân vẫn làm manh mún, nhỏ lẻ. Chỉ từ khi ứng dụng khoa học công nghệ và được đồng vốn Agribank tiếp sức, nhiều hộ gia đình mới dám “bung” ra thuê đất mở rộng sản xuất kinh doanh, cung ứng cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Nhiều giờ trôi qua tôi vẫn mê mẩn lạc trong vườn lan, ngắm những bông hoa nở rực rỡ đủ sắc màu; tìm hiểu biết bao nhiêu điều lý thú từ kinh nghiệm chăm bón, trồng lan cho đến những khó khăn vất vả để đưa từng nhành hoa đến tay người chơi lan ở khắp mọi miền đất nước, cũng như công nghệ bảo quản, đóng gói xuất khẩu để thú chơi trở thành thương phẩm, đem lại lợi nhuận cho nhà nông, hồi sinh, phát triển cả vùng đất. Đến gần trưa, trước khi ra về, anh nông dân chủ vườn lan còn tự tay đi lựa cho tôi cả một bó lan rực rỡ sắc màu để mang về nhân chuyến đi thực tế này.
Đang lúc nắng gắt, bỗng dưng xe bị nổ lốp, may anh cán bộ của Agribank chi nhánh Củ Chi không quản vất vả, vội vàng tìm chỗ vá xe để cô phóng viên còn kịp về tòa soạn viết bài. Anh đã nhất quyết không để cô phóng viên ngồi chờ một mình mà cùng ngồi ngay tại quán ven đường, kêu 2 suất cơm bụi làm bữa trưa cho kịp buổi làm việc đầu giờ chiều.
Buộc chặt bó hoa lan rực rỡ, thơm ngát sau xe, lướt bon bon trên đường về cơ quan mà tôi lâng lâng khó tả. Không chỉ bởi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, có đủ tư liệu viết bài đúng tiến độ, mà còn bâng khuâng bởi tình cảm của con người nơi đây thật ấm áp và nồng hậu. Đó cũng chính là những động lực, là hành trang làm nghề, với tờ báo Ngành thân thương - nơi mà tôi đã gắn bó gần 20 năm đi và viết.
Phóng viên Quỳnh Trang
Trưởng thành qua mỗi hành trình tác nghiệp
Dù chỉ là một “lính mới” trong nghề, nhưng với tôi nghề báo luôn đầy ắp những kỷ niệm khó quên. Trong đó, có vấp ngã, có vinh quang, có hiểm nguy, có ân tình… trải nghiệm quý giá ấy giúp tôi càng yêu và gắn bó với nghề hơn.
Có lẽ tôi sẽ không thể nào quên được chuyến đi công tác về “miền đất lửa” Quảng Trị trong những ngày đầu tháng Tư vừa qua - thời gian miền Trung chuyển mùa với cái nắng gay gắt đặc trưng. Vượt hơn 600 cây số về với Quảng Trị, sự vất vả của quãng đường di chuyển 12 tiếng trên ô tô dường như tan biến khi tôi đặt chân đến nơi đây, vùng đất linh thiêng đã chứng kiến tinh thần bất khuất kiên trung của cả một dân tộc anh hùng, để còn lại giờ đây là những dấu tích thấm đẫm máu xương thế hệ cha anh.
Đồng hành cùng chúng tôi trong hành trình về với Quảng Trị là bác Nguyễn Văn Hợi - cựu chiến binh ở thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) - nguyên Trợ lý Quân lực Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo, một trong những chiến sĩ cuối cùng của đơn vị đã chấp hành lệnh rút lui chiến thuật ra khỏi Thành cổ Quảng Trị vào ngày 16/9/1972, người đã cùng đồng đội đã viết nên khúc tráng ca Thành cổ trong 81 ngày đêm khói lửa.
Dưới lời kể xúc động từ “nhân chứng sống” của cuộc chiến ác liệt, tôi càng thêm hiểu và biết ơn những thế hệ cha anh đã hy sinh tuổi trẻ, có khi là cả cuộc đời cho hoà bình, độc lập dân tộc. Được trò chuyện, phỏng vấn bác Hợi, nghe từng lời bác kể, nhìn những giọt nước mắt không ngừng chảy trên gò má người cựu chiến binh từng dũng cảm đi qua bao cuộc chiến nay phút chốc trở nên yếu lòng khi về thăm đồng đội nằm lại nơi đây. Khoảnh khắc ấy, tôi biết được rằng chỉ có nghề báo mới có thể đem lại những cảm xúc quý giá đến vậy. Suốt cả hành trình, tôi đã “hoá thân” một phóng viên “đa zi năng” đúng nghĩa khi vừa quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn, viết bài. Thế nhưng cả chuyến đi đọng lại trong tôi là những tự hào, xúc động và lòng biết ơn vô hạn.
Trở về Hà Nội sau hành trình ý nghĩa tại “miền đất lửa” Quảng Trị, tôi đã viết một bài báo về chuyến đi với những tình cảm chân thật nhất. Sau khi gửi cho bác Hợi, dòng tin nhắn nhận được gần sáng khiến tôi không khỏi nghẹn ngào: “Cảm ơn cháu, chắc những đồng đội của bác sẽ xúc động và tự hào lắm”.
Qua mỗi chuyến đi, tôi càng thêm yêu và say mê với nghề hơn, tôi cũng thêm trưởng thành hơn. Có thể chặng đường làm nghề còn nhiều lắm những gian nan, vất vả nhưng tôi tin rằng chỉ cần nhiệt thành và tận tâm, tôi sẽ nhận thêm được nhiều điều quý giá hơn nữa và có lẽ phần nhỏ bé nào đó sẽ làm xã hội tốt đẹp hơn. Như Christiane Amanpour đã từng nói: “Tôi tin rằng, báo chí tốt và truyền thông tốt có thể làm cho thế giới của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn”.