Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Thu hút đầu tư trong bối cảnh đại dịch
Những tín hiệu khả quan
Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung gồm 4 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng. Cũng như các vùng KTTĐ khác trong cả nước, việc thu hút đầu tư vào vùng KTTĐ miền Trung thời gian qua gặp không ít khó khăn khi đại dịch đã ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các địa phương vẫn kiên trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực, kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm.
Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) đã thu hút số lượng lớn nhà đầu tư trong và ngoài nước |
Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng từ đầu năm 2021 đến nay đã thu hút thêm 11 dự án đầu tư, trong đó có 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 145,3 triệu USD và 8 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 188,4 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, đã thu hút tổng cộng 499 dự án, gồm 368 dự án đầu tư trong nước (26.696 tỷ đồng) và 131 dự án FDI (1.744,4 triệu USD). Đây là những kết quả đáng khích lệ đối với hoạt động xúc tiến đầu tư của thành phố Đà Nẵng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hướng lớn tới sản xuất, kinh doanh trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong tháng 2/2021, cùng với việc tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 7 dự án đầu tư vào khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng với tổng vốn gần 285 triệu USD, Đà Nẵng đã công bố chủ trương của Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2025.
Vừa có sân bay quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây và khu di sản văn hóa thế giới... phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, Thừa Thiên - Huế đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng cường đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, tỉnh đã chủ trương xây dựng môi trường đầu tư theo hướng công khai, minh bạch các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đã cấp phép cho 19 dự án với tổng mức đầu tư 12.815,8 tỷ đồng và cấp điều chỉnh 12 dự án, trong đó tăng vốn đầu tư 4 dự án, có vốn đầu tư tăng thêm 293,6 tỷ đồng.
Với 4 dự án FDI vừa được cấp giấy phép mới, Quảng Nam đã nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực ở địa phương lên 199 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 5,8 tỷ USD. Trong đó có một số dự án lớn như Dự án sản xuất nhựa dẻo, nhựa gia cố sợi thủy tinh, nhựa gia cố sợi carbon và công cụ phục vụ trong ngành công nghiệp ô tô và nội thất tại khu công nghiệp Tam Thăng với tổng vốn đăng ký 7 triệu USD; Dự án nhà máy sản xuất đèn led trang trí, đèn tiết kiệm năng lượng tại khu công nghiệp Thuận Yên với tổng vốn đăng ký 2 triệu USD…
Trong bối cảnh các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp không thể thực hiện được theo kế hoạch, tỉnh Bình Định đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số vào xúc tiến đầu tư, bước đầu tỉnh đã tổ chức có hiệu quả các hội nghị, hội thảo với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ bằng hình thức trực tuyến. Từ đầu năm đến nay, địa phương đã thu hút được 40 dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 26.531 tỷ đồng. Trong đó phân theo nguồn vốn đầu tư có 38 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn 26.471 tỷ đồng và 2 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng.
Cùng với triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước đạt một số kết quả nhất định, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp mới 2 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 25 triệu USD và điều chỉnh 1 dự án có vốn đầu tư thực hiện ước đạt 80 triệu USD. Đến nay, toàn tỉnh có 61 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.987 triệu USD. Đặc biệt, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, với vốn đăng ký lên đến hơn 85.000 tỷ đồng. Dự án có tổng công suất 5,6 triệu tấn thép/năm, trong đó, thép cuộn cán nóng (HRC) dự kiến 4,6 triệu tấn/năm (tăng so với mức dự kiến 3 triệu tấn/năm trước đây); thép thanh, thép dây chất lượng cao dự kiến 1 triệu tấn/năm. Tiến độ thực hiện hoàn thành 36 tháng kể từ khi bàn giao mặt bằng và cấp giấy phép xây dựng. Dự kiến dự án này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024.
Linh hoạt trong xúc tiến đầu tư
Theo Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng, dù không tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, nhưng thành phố vẫn tích cực đẩy mạnh các hoạt động quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư qua nhiều kênh khác nhau. Trong đó, thành phố tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tuyến; ban hành các danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư; cập nhật tài liệu xúc tiến đầu tư từng năm cả về nội dung và hình thức, nhằm bảo đảm cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin đến với nhà đầu tư.
Các ngành chức năng thành phố đã tích cực hướng dẫn, tư vấn cho nhà đầu tư, chủ đầu tư về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính; cung cấp thông tin liên quan đến dự án nhà đầu tư quan tâm, thông tin về môi trường xúc tiến đầu tư của thành phố; đồng thời, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư bằng hình thức trực tuyến được khuyến khích nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan Covid-19. Qua đó, nhiều nhà đầu tư chiến lược sẽ có cơ hội tìm hiểu môi trường kinh doanh, lợi thế khi đầu tư vào thành phố. Đây cũng là dịp để thành phố quảng bá và mời gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực tài chính, công nghệ đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh và cơ hội hợp tác tại thành phố.
Những năm trở lại đây, Thừa Thiên - Huế đã vươn lên là một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với nhiều dự án hàng tỷ USD. Ngoài xúc tiến đầu tư các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hongkong (Trung Quốc), tỉnh tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và các doanh nghiệp đến từ các quốc gia có thể hưởng lợi từ việc Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, tận dụng lợi thế vị trí chiến lược của địa phương về cảng biển, cảng hàng không, nguồn lao động chi phí thấp. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong điều kiện đi lại khó khăn giữa các quốc gia do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì việc xúc tiến đầu tư trực tuyến đang được xem như một cứu cánh trong công tác này. Ngoài việc hạn chế những nguy cơ lây lan dịch bệnh, các hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến còn tiết kiệm chi phí, phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin... Thời gian tới, Thừa Thiên - Huế xác định từng bước hình thành hệ thống các khu công nghiệp gắn với phát triển các đô thị. Tập trung đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đang tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về thu hút đầu tư. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; Tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc thủ tục đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất sạch để tạo điều kiện triển khai dự án. Bên cạnh, tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có địa chỉ cụ thể, trong đó đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn, các dự án đầu tư có chất lượng, ưu tiên các lĩnh vực công nghiệp, logistics…
Với việc nỗ lực thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, tỉnh Bình Định chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ nhà đầu tư trong triển khai dự án, khuyến khích doanh nghiệp tái đầu tư và mở rộng sản xuất. Trước mắt đẩy nhanh tiến độ thi công, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm triển khai dự án Khu Công nghiệp - đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định. Bên cạnh, tỉnh huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo sự liên kết phát triển trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và các tỉnh phía bắc Tây Nguyên.