Vượt mốc 1.300 điểm bất thành, VN-Index chỉ tăng hơn 4 điểm
VN-Index tiếp tục xu hướng tăng |
Dòng tiền lan tỏa ra nhiều nhóm ngành, trong đó có cả Bán lẻ, Chứng khoán hay họ Vin, bên cạnh nhóm Ngân hàng vẫn duy trì sức mua mạnh giúp VN-Index vượt lên mốc 1.300 điểm ngay trong phiên sáng.
Vào phiên chiều, điểm số nhích nhẹ lên 1.302 điểm nhưng hạ dần khi áp lực bán chốt lời gia tăng, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều thu hẹp mức tăng so với phiên sáng. Lực bán dồn lên nhóm Ngân hàng trong giờ giao dịch cuối thậm chí khiến một số mã như CTG, HDB, MBB, TPB, VPB đóng cửa với sắc đỏ. Qua đó, VN-Index chỉ còn tăng 4,26 điểm và đóng cửa tại 1.292,2 điểm. Trên HOSE, thanh khoản đạt 21.892 tỷ đồng; khối ngoại mua ròng 689,17 tỷ đồng.
Nhận định thị trường cơ sở, các chuyên gia cho biết, chứng khoán Nhật Bản hồi phục 2% sau khi mất tới gần 5% trong phiên trước, trong khi thị trường Trung Quốc nghỉ lễ Quốc khánh. Trong nước, VN-Index đóng cửa với mức tăng 4 điểm sau khi một lần nữa không vượt qua được mốc 1.300 điểm.
Về kỹ thuật, VN-Index tuy mất đà tăng vào cuối phiên và đóng cửa với cây nến dạng Shooting Star cho thấy áp lực bán lớn tại vùng 1.300 điểm, nhưng điểm số vẫn nằm hoàn toàn trên MA5, thể hiện xu hướng tăng vẫn được duy trì. Nhà đầu tư có thể giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao.
Dưới góc nhìn của mình, VCBS cho biết, lực cầu gia tăng tích cực xuất hiện đầu phiên giúp VN-Index mở cửa trong sắc xanh sau hai phiên điều chỉnh rung lắc nhẹ. Cụ thể, dòng tiền ghi nhận vận động lan toả tích cực, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu blue-chips giúp điểm số chung bật tăng ấn tượng.
Theo thống kê, nhóm ngành ngân hàng-tài chính, thép, bất động sản đều có diễn biến hồi phục tăng điểm với các gương mặt tiêu biểu như VHM, DGC, TPB, VPB,VCI.
Sắc xanh vẫn được duy trì ổn định trong phiên chiều, tuy nhiên áp lực chốt lời tăng do đạt mục tiêu lướt sóng T+ nên động lực chung có diễn biến trồi sụt nhẹ đầu phiên và rung lắc mạnh hơn gần cuối phiên.
Điểm tích cực là nhóm vốn hoá lớn vẫn giữ được sắc xanh diện rộng giúp VN-Index phần nào cân bằng. Bên cạnh đó, dòng tiền khối ngoại cũng quay trở lại mua ròng đóng góp cho sự hưng phấn của khối nội với tổng giá trị ròng đạt 690.02 tỷ, tập trung mua TCB, VHM, FPT.
Phân tích kĩ thuật, VCBS cho biết, VN-Index kết phiên với nến Inverted Hammer do áp lực bán tăng mạnh vào phiên chiều.
Ở khung đồ thị ngày, thị trường ghi nhận phiên thứ tư đi ngang ở khu vực 1290-1.300 điểm củng cố cho nhịp tích luỹ hồi phục động lực. Tuy nhiên áp lực bán cũng đồng thời có tín hiệu gia tăng qua các phiên, đồng thời chỉ báo dòng tiền CMF tiếp tục neo ở vùng thấp cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư trong giai đoạn này. Với diễn biến hiện tại, thị trường vẫn cần thêm thời gian để có sự đồng thuận của dòng tiền và thanh khoản sẵn sàng cho đà tăng dài hơi hơn hướng tới khu vực 1.310-1.320 điểm.
Ở khung đồ thị giờ, đường -DI và +DI có vận động đan xen nhau thể hiện cho diễn biến rung lắc trong phiên, đồng thời cả chỉ báo RSI và MACD đều cho tín hiệu hình thành phân kỳ âm, cho thấy động lực tăng điểm cần thời gian để tích lũy và củng cố lại. Hiện tại, chỉ số chung đang giao cắt với đường MA20 quanh 1.290 điểm, cũng là đường Tenkan của mây Ichimoku và nếu tích luỹ tốt quanh khu vực này sẽ giúp VN-Index cân bằng trở lại, nhưng sẽ khó tránh được sự rung lắc khi chỉ số chung đang tiến gần tới dải mây dày Ichimoku.
Về chiến lược giao dịch, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc chốt lời từng phần đối với những mã đã đạt mục tiêu, gặp cản kháng cự cứng và có hiện tượng suy yếu. Thị trường đang ở vùng kháng cự mạnh nên nhà đầu tư nên bám sát diễn biến trong phiên giao dịch để có thể hành động kịp thời nhằm bảo toàn thành quả. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc giải ngân cho mục đích lướt sóng ngắn hạn trong các nhịp điều chỉnh rung lắc của thị trường chung, với ưu tiên là các cổ phiếu và nhóm ngành có kỳ vọng kết quả kinh doanh Q3 tốt cũng như đã thiết lập được nền tích luỹ đi ngang ổn định từ trước. Một số nhóm ngành như vậy có thể là thép, đầu tư công, vận tải cảng biển.