Vượt qua “cám dỗ” của lợi thế lao động giá rẻ
Tăng năng suất lao động: Giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh | |
Luật Lao động mới tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế |
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cấp chất lượng lực lượng lao động quốc gia |
Chính sách thụ động làm lệch hướng thị trường
Theo ông Tào Bằng Huy - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), 9 tháng năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (nhóm tuổi 15-24) là 6,43%, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước. Nguyên nhân một phần cũng bởi mới chỉ có khoảng 27,5% thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, riêng khu vực nông thôn chỉ trên 19%. Điều này dẫn tới sự bất lợi về khả năng tiếp cận thị trường lao động, bằng chứng là có đến 13,3% thanh niên trong độ tuổi 15-24 không việc làm hoặc không tham gia học tập, đào tạo.
Cùng với đó, chất lượng việc làm của thanh niên cũng còn thấp với trên 50% thanh niên làm công hưởng lương, nhưng gần 1/2 trong số đó là thỏa thuận miệng hoặc không có hợp đồng. Có 39,5% thanh niên làm những công việc dễ bị tổn thương như lao động tự làm, lao động trong hộ gia đình không hưởng lương. Thậm chí, ngay trong bối cảnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, khu vực nông nghiệp với năng suất thấp vẫn giải quyết việc làm cho 1/3 thanh niên.
Đáng chú ý là tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm hoặc làm việc trái ngành, trái nghề vẫn khá phổ biến. “Một thực tế khá thú vị ở Việt Nam là thanh niên càng học cao thì dường như có xu hướng thất nghiệp ngày càng nhiều, với từ 70-80% thanh niên thất nghiệp có trình độ từ cao đẳng trở lên”, ông Huy cho biết thêm.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, nhất là cuộc CMCN 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ sẽ mở ra nhiều cơ hội, song cũng đầy thách thức trong giải quyết việc làm bền vững cho thanh niên. Các chuyên gia quốc tế cho rằng, chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam thời gian vừa qua còn khá thụ động, đã dẫn tới sự phát triển lệch của thị trường lao động.
GS.TS. Hansjorg Herr - Trường Đại học Kinh tế và luật Berlin (CHLB Đức) giải thích, Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, chi phí lao động thấp, song trình độ lao động không cao. Vì vậy, kinh tế thị trường đưa tới sự chuyên môn hóa sản xuất dựa trên lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh này và sự lựa chọn của phần lớn các NĐT, kể cả NĐT nước ngoài, đều tập trung vào các ngành thâm dụng lao động giản đơn có giá trị gia tăng thấp, như ngành dệt may, da giày. Ngay cả ngành điện tử là ngành công nghệ cao, nhưng các NĐT vào Việt Nam cũng chỉ tập trung vào những khâu đơn giản, chủ yếu là lắp ráp, còn những khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) có giá trị gia tăng cao nằm lại ở các nước đầu tư.
Điều đó cho thấy, kinh tế thị trường và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đã đưa tới chính sách ngành thụ động với sự phát triển của các ngành mà Việt Nam có lợi thế tự nhiên. Các NĐT nước ngoài cũng được hấp dẫn vào Việt Nam bởi lợi thế cạnh tranh lao động giá rẻ. Trong bối cảnh đó, sự chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, nếu có, cũng chỉ là công nghệ tương đối đơn giản, còn những lĩnh vực then chốt, giá trị gia tăng cao, công nghệ cao thì nằm lại ở nước đầu tư.
Cần xây dựng chính sách ngành chủ động
Nếu tiếp tục chính sách ngành thụ động do kinh tế thị trường dẫn dắt dựa trên lợi thế cạnh tranh có sẵn về nguồn lao động giản đơn, Việt Nam sẽ mắc bẫy trong các ngành giá trị gia tăng thấp và không thay đổi được chất lượng nguồn nhân lực cho CMCN 4.0. Kinh nghiệm của Đức cho thấy những công việc giản đơn, lặp đi lặp lại, sớm hay muộn sẽ bị thay thế bởi quy trình sản xuất số hóa, tự động hóa, và nếu tiếp tục thu hút lao động vào những ngành này, lực lượng lao động dư thừa từ quá trình số hóa sẽ trở thành gánh nặng xã hội và cản trở sự phát triển của những ngành mới.
Bà Phạm Thị Thu Lan - Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đánh giá, việc làm trong các ngành công nghiệp đang là tâm điểm và luôn là tâm điểm trong các cuộc cách mạng công nghiệp đã qua. Tuy nhiên, CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự tăng trưởng nhanh về việc làm trong khu vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ trên nền kỹ thuật số và làm suy giảm việc làm trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Sẽ có một làn sóng gia tăng mới của hình thức tự kinh doanh trong ngành dịch vụ.
Trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến, sẽ chỉ còn tồn tại những việc làm tri thức, việc làm đòi hỏi con người phải am hiểu công nghệ và quy trình sản xuất tự động hóa để điều khiển, cải tiến và nâng cấp quy trình trên hệ thống điều hành ảo (điều khiển hệ thống phần mềm máy tính để vận hành toàn bộ quy trình sản xuất, kể cả sản xuất ra máy móc, thiết bị thông minh và sản xuất ra sản phẩm vật chất). Tương tự như vậy, đối với ngành nông nghiệp, quy trình nuôi trồng, khai thác và chế biến nông, lâm, ngư nghiệp, tự động hóa bằng các hệ thống thông minh kết nối, sẽ lấy đi những việc làm tay chân, giản đơn mà con người đang làm hôm nay.
Hiện nay đang tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề việc làm được tạo ra hay việc làm bị mất đi sẽ nhiều hơn trong CMCN 4.0. Quá trình số hóa diễn ra khác nhau giữa các khu vực, ngành nghề và DN, tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ, giá thành, quyết định đầu tư và chính sách ngành quốc gia, nên việc làm mới tạo ra và việc làm mất đi sẽ đan xen nhau. Có những ngành sẽ tạo thêm việc làm và có những ngành sẽ mất việc làm. Song theo các chuyên gia quốc tế, các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ bị tác động mất việc làm nhiều hơn các nước phát triển. Bởi các nước đang phát triển phần nhiều tập trung vào các ngành thâm dụng lao động giản đơn.
Vì vậy, ngay từ lúc này, cần hoạch định chính sách ngành và tập trung vào đổi mới công nghệ để phát triển. Nếu gắn vào các ngành cũ, Việt Nam sẽ một lần nữa tụt lại trong CMCN 4.0. Lời khuyên được đưa ra là cần xây dựng chính sách ngành chủ động do Việt Nam định hình và phát triển chứ không phải do kinh tế thị trường dẫn dắt để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và nâng cấp chất lượng lực lượng lao động quốc gia. Xây dựng chính sách ngành chủ động cần vượt qua “cám dỗ” của lợi thế cạnh tranh có sẵn. Việt Nam cần dừng thu hút thêm lao động vào những ngành thâm dụng lao động, từng bước đổi mới công nghệ trong những ngành này để vươn lên ở những khâu cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển những ngành mới.
Bà Phạm Thị Thu Lan - Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đánh giá, việc làm trong các ngành công nghiệp đang là tâm điểm và luôn là tâm điểm trong các cuộc cách mạng công nghiệp đã qua. Tuy nhiên, CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự tăng trưởng nhanh về việc làm trong khu vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ trên nền kỹ thuật số và làm suy giảm việc làm trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Sẽ có một làn sóng gia tăng mới của hình thức tự kinh doanh trong ngành dịch vụ. |