Tăng năng suất lao động: Giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh
Tăng năng suất lao động: Việt Nam sẽ vươn lên mạnh mẽ | |
Thúc đẩy tăng năng suất lao động | |
Phải có "chiến dịch" nâng cao nhận thức về năng suất lao động |
Là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động nhất, ngành dệt may vẫn bị đánh giá là năng suất lao động còn thấp so với các ngành nghề khác và so với các nước trong khu vực. Dệt may chủ yếu phục vụ xuất khẩu nên các DN Việt phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là phải cạnh tranh khốc liệt với các mặt hàng của Trung Quốc và các nước Asean. Trong khi đó, giá các sản phẩm dệt may của Việt Nam thường vẫn ở mức cao hơn khiến cho lợi thế cạnh tranh bị giảm đi. Nguyên nhân một phần do năng suất lao động còn thấp làm tăng chi phí cho DN.
Trong những năm gần đây, khi mà CMCN 4.0 lan rộng và việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đã làm thay đổi nhiều về năng suất lao động trong ngành dệt may. Các DN trong ngành dệt may từng bước đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền hiện đại, qua đó việc sử dụng lao động cũng được cải tiến.
Ảnh minh họa |
Đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho rằng, hiện nay các DN trong ngành dệt may đều đã và đang đầu tư công nghệ máy móc hiện đại, thậm chí còn sử dụng cả Robots để thay thế con người. Với những công nghệ tiên tiến thì việc nâng cao trình độ người lao động cũng được tăng lên. Nhờ vào những ứng dụng công nghệ mới mà chỉ cần số lượng lao động ít đi nhưng sản lượng sản suất lại tăng lên, giảm rất nhiều chi phí về lao động và các chi phí khác liên quan.
Áp dụng công nghệ mới đã giúp cho năng suất lao động được tăng lên và sử dụng ít lao động hơn nên khoảng cách về chi phí lao động trong một sản phẩm giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển sẽ ngày càng hẹp lại. Do đó, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu được áp dụng một cách sâu rộng, nhanh chóng thì năng suất lao động trên đầu người sẽ có sự cải thiện rất nhanh...
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), các DN dệt may Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như về thị trường, sự cạnh tranh từ các quốc gia khác, khó khăn về đổi mới công nghệ cũng như năng suất lao động.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành vẫn có mức tăng trưởng ước khoảng 7,55% so với năm 2018, dự kiến là 39 tỷ USD (thấp hơn 1 tỷ USD so với mục tiêu đầu năm). Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN trong việc phản ánh, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho DN, góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động, các chế độ liên quan đến người lao động… Đồng thời các DN trong ngành phải chung tay thực hiện những giải pháp về đầu tư, thị trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, áp dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cải tiến, tăng năng suất lao động để tạo lợi thế cạnh tranh.
Có thể thấy, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, DN Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao giá trị cạnh tranh và năng suất nhưng chủ yếu tham gia ở khâu lắp ráp, gia công với công nghệ thấp mà không đầu tư sâu vào nghiên cứu phát triển, không có công nghiệp hỗ trợ. Những yếu tố đó khiến cho năng suất lao động của Việt Nam thấp.
Chính vì vậy, để cải thiện năng suất lao động thì bản thân DN cũng cần phải có những thay đổi. Đó là quá trình phát triển của DN, nâng cao trình độ quản trị và thay đổi tổ chức sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa, đưa công nghệ vào DN, tham gia vào chuỗi giá trị, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm…
Từ đó hướng tới công đoạn nghiên cứu phát triển, xây dựng thương hiệu và thúc đẩy sản xuất công nghiệp hỗ trợ, thậm chí là tham gia phân phối chứ không phải chỉ tham gia khâu gia công, lắp ráp. Nhưng để làm được thì phải nâng cao năng suất và hiệu quả của DN trên cơ sở đầu tư công nghệ cao hơn, sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn, thân thiện môi trường hơn và kết nối DN nội địa tốt hơn.
Năng suất lao động đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Theo đó, chỉ có tiếp cận thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường nhanh nhất để các DN Việt Nam tăng tốc phát triển, tận dụng cơ hội cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường… Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia trong giai đoạn 2021-2025, năng suất lao động cải thiện hơn với tốc độ tăng khoảng 6,3%/năm. Điều này cho thấy việc cải thiện năng suất lao động đã, đang và sẽ được Chính phủ cùng các DN rất quan tâm.