Xây dựng kịch bản theo tình hình dịch để chủ động ứng phó
3 kịch bản tăng trưởng với Covid-19: GDP có thể giảm từ 0,32 đến 2,71 điểm phần trăm | |
Thường trực Chính phủ họp đánh giá kịch bản tăng trưởng năm 2020 |
Dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự báo tăng trưởng sau khi có dịch cho thấy, nếu trong trường hợp khống chế được dịch Covid-19 trong quý I/2020 thì tăng trưởng GDP năm nay ước khoảng 6,25% giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP. Trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%.
Trường hợp dịch được khống chế trong quý II/2020, tăng trưởng GDP dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020, trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%.
Đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra dự báo trong trường hợp dịch kết thúc trong quý I/2020, CPI bình quân năm 2020 so với năm 2019 tăng 3,96%, còn nếu dịch kết thúc trong quý II/2020 dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 4,86%.
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu về ảnh hưởng của dịch đến các lĩnh vực như du lịch, hàng không, công thương, nông nghiệp, lao động, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với đường biên giới dài và giao thương lớn với Trung Quốc, ảnh hưởng của dịch là điều tất nhiên và chúng ta cần thấy toàn bộ tình hình để có giải pháp tốt hơn, dài hơi hơn, quyết liệt hơn. Trong đó, không chỉ có biện pháp về kinh tế mà cả biện pháp về thể chế, chính sách để tạo điều kiện cho phát triển.
Thủ tướng khẳng định, chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù vậy, chúng ta cần có kịch bản theo tình hình dịch để chủ động ứng phó. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện các phương án để có mức phấn đấu cụ thể, ví dụ như chúng ta giữ mục tiêu tăng trưởng 6,8%/năm thì những quý còn lại phải giữ tăng trưởng ở mức nào. Từ đó, chính sách tiền tệ, đầu tư công, xuất nhập khẩu… phải như thế nào.
Thủ tướng nhấn mạnh “điều ngoạn mục của Việt Nam”, chúng ta không chỉ quản trị tốt mà cần có những nhà quản trị đầy cảm xúc, tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tất cả cán bộ, công chức của các bộ, ngành, địa phương không được vô cảm trước tình hình đầy khó khăn, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, cần bình tĩnh nhưng quyết tâm cao.
Thủ tướng nhắc lại yêu cầu chống 2 loại virus là virus corona và “virus trì trệ”, không dám tiến công, không hành động. Chúng ta giải quyết 2 virus này thì xã hội, đất nước phát triển. Biện pháp phải mạnh, chủ trương cụ thể, vào cuộc đồng bộ.
Thủ tướng cũng nêu rõ một số biện pháp giảm chi phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ như lệ phí visa, chi phí logistic… Không tăng giá dịch vụ như điện, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác. Đẩy mạnh đầu tư công và các công trình trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân ODA, FDI, đầu tư xã hội. Tổ chức sản xuất, tái cơ cấu thị trường, coi trọng thị trường nội địa, mở rộng thị trường quốc tế. Tính toán kịp thời nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất. Ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, không để tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ tăng giá.
Về điều hành chính sách tiền tệ, phải chủ động theo dõi tình hình, có biện pháp phản ứng kịp thời, nhất là kiểm soát chặt chẽ tỷ giá. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp đi sát thực tiễn, thường xuyên tháo gỡ vướng mắc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để phát triển sản xuất.
“Chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch Covid-19 thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.