3 kịch bản tăng trưởng với Covid-19: GDP có thể giảm từ 0,32 đến 2,71 điểm phần trăm
Phác họa các kịch bản tác động của dịch Covid-19 tới kinh tế Việt Nam, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra 3 kịch bản (cơ sở, tích cực và tiêu cực). Cụ thể các kịch bản như sau:
Kịch bản cơ sở: GDP năm 2020 giảm khoảng 0,83 điểm phần trăm
Theo đánh giá của Nhóm Nghiên cứu, đây là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất. Theo kịch bản này, dịch bệnh tiếp tục diễn biến như trong thời gian qua, nhưng được kiểm soát chặt, không để lây lan sang các vùng mới, nhưng số ca được phát hiện nhiễm Covid-19 tăng trong vùng đã có dịch hoặc có người nhiễm; các biện pháp ngăn chặn dịch được kéo dài cho tới khi thời tiết ấm lên, không còn là môi trường phù hợp cho sự phát triển của bệnh; các hoạt động thương mại, du lịch, đầu tư dần phục hồi từ nửa cuối quý 2/2020. Khi đó, tác động của dịch Covid-19 đối với các lĩnh vực và nền kinh tế Việt Nam được nhận định như sau.
Đối với lĩnh vực du lịch, lượng khách và doanh thu khách quốc tế dự báo sẽ giảm mạnh trong quý 1 (đến 90%), giảm ít hơn nhưng vẫn ở mức sâu trong quý 2 (70%), chủ yếu do sự sụt giảm mạnh của khách Trung Quốc và châu Á, song có thể phục hồi dần từ quý 3/2020 và bù đắp từ các nguồn khách khác. Lượng khách và doanh thu khách quốc tế cả năm giảm khoảng 20-22% so với năm 2019. Sự sụt giảm của lĩnh vực du lịch quốc tế khiến GDP của Việt Nam giảm 5,49 điểm phần trăm trong quý 1; giảm 4,27 điểm phần trăm trong quý 2 so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 1,22 điểm phần trăm cả năm 2020.
Đối với lĩnh vực ngoại thương, trong quý 1, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dự báo giảm 19-25% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, xuất khẩu giảm 19-20% và nhập khẩu giảm sâu hơn, khoảng 25% do sức cầu giảm nhẹ cũng như các tác động gián đoạn nêu trên).
Theo đó, cán cân thương mại thặng dư sẽ hỗ trợ GDP quý 1 tăng thêm 4,48 điểm phần trăm so với năm 2019. Trong quý 2, GDP tăng thêm 3,73 điểm phần trăm nhờ tác động từ cán cân thương mại tiếp tục thặng dư (với mức giảm xuất khẩu khoảng 15-16% và nhập khẩu giảm khoảng 20%). Nửa cuối năm, dự báo xuất nhập khẩu sẽ phục hồi dần. Tính chung cả năm, xuất khẩu giảm khoảng 10%, nhập khẩu giảm khoảng 11%, cán cân thương mại thặng dư, giúp GDP tăng thêm 0,58 điểm phần trăm so với năm 2019….
Đối với lĩnh vực bán lẻ (tiêu dùng cá nhân), trong quý 1, dự kiến sẽ có những tác động nhất định do tâm lý e ngại về dịch Covid-19 cũng như việc các hoạt động văn hóa - xã hội, du lịch, lễ hội bị hạn chế, song do việc dịch vẫn đang được kiểm soát tốt, mọi hoạt động kinh tế-xã hội chưa bị ảnh hưởng quá lớn (chưa dẫn tới thay đổi thói quen tiêu dùng), do vậy mức giảm của lĩnh vực này sẽ không đáng kể (chỉ khoảng 1%), khiến GDP giảm 0,13 điểm phần trăm .
Trong quý 2, dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt dù việc có thể chưa sản xuất được vaccine hoặc thuốc điều trị, đồng thời bệnh không lây lan rộng hơn tại Việt Nam, các biện pháp phòng ngừa dịch vẫn được áp dụng song có nới lỏng dần và lĩnh vực này có mức giảm nhẹ 0,5%, làm GDP giảm 0,07 điểm phần trăm.
Dự báo, nửa cuối năm, các điều kiện thời tiết thay đổi, vaccine và thuốc điều trị sẽ sớm được sản xuất, dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn; từ đó, góp phần giúp cho lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng hồi phục dần, cả năm giảm nhẹ 0,5% và khiến GDP giảm 0,07 điểm phần trăm.
Lĩnh vực giao thông - vận tải, là hoạt động hỗ trợ ngành du lịch, với trọng tâm là vận tải hàng không. Với đà giảm của du lịch cùng với tâm lý ngại di chuyển và tụ tập động người, dự báo ngành vận tải hàng không sẽ giảm khá mạnh (khoảng 30%) trong quý 1 so với cùng kỳ năm 2019, khiến GDP giảm 0,03 điểm phần trăm. Trong quý 2, vận tải hàng không vẫn còn nhiều khó khăn và giảm khoảng 25%, khiến GDP giảm 0,025 điểm phần trăm. Nửa cuối năm, dự báo ngành này sẽ phục hồi; nhưng tính chung cả năm 2020, vận tải hàng không có thể vẫn giảm khoảng 20% và khiến GDP giảm 0,02 điểm phần trăm.
Đối với lĩnh vực tài chính-ngân hàng, trong quý 1, dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm giao dịch ngoại thương, hoạt động sản xuất – kinh doanh của một số doanh nghiệp và hộ gia đình (nhất là trong các lĩnh vực nêu trên) bị suy giảm,… từ đó làm giảm các hoạt động, giao dịch tài chính-ngân hàng (khoảng 1%) và khiến GDP giảm 0,05 điểm phần trăm.
Từ quý 2 đến cuối năm, các tác động từ dịch Covid-19 với lĩnh vực này sẽ tăng dần (do có độ trễ), khiến GDP giảm 0,08 điểm phần trăm trong quý 2 và GDP giảm 0,11 điểm phần trăm cả năm.
Kịch bản tích cực: GDP cả năm giảm khoảng 0,32 điểm phần trăm
Với kịch bản tích cực, dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, không lây lan rộng, các biện pháp quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh (như đóng cửa khẩu, hạn chế du lịch, thương mại…) sớm được gỡ bỏ và các hoạt động trở lại bình thường từ đầu quý 2/2020.
Tương tự như đánh giá tại kịch bản cơ sở, dịch bệnh Covid-19 dự báo sẽ khiến du lịch quốc tế giảm đến 90% trong quý 1, giảm 50% quý 2 và cả năm giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2019; xuất khẩu quý 1 giảm 19-20%, quý 2 giảm 12-13% và cả năm giảm 7%; tiêu dùng cá nhân quý 1 giảm 1%, quý 2 giảm 0,5% và cả năm giảm nhẹ 0,1%. Trong khi đó, dịch vụ vận tải hàng không quý 1 giảm 25%, quý 2 giảm 15% và cả năm giảm 15%; và dịch vụ tài chính-ngân hàng-bảo hiểm quý 1 và quý 2 giảm nhẹ 1%, cả năm giảm 0,5%.
Kịch bản tiêu cực: GDP cả năm giảm khoảng 2,71 điểm phần trăm
Với kịch bản tiêu cực, dịch bệnh bùng phát, lây lan mạnh thành đại dịch toàn cầu cũng như tại Việt Nam, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh không có hiệu quả, dẫn đến hệ lụy rất xấu, thậm chí làm kiệt quệ ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nước ta.
Theo đó, dịch bệnh Covid-19 dự báo sẽ khiến du lịch quốc tế giảm đến 90% trong quý 1, giảm 70% quý 2 và cả năm giảm khoảng 55% so với cùng kỳ năm 2019; xuất khẩu quý 1 giảm 20-25%, quý 2 giảm 20% và cả năm giảm 21-23,5%; tiêu dùng cá nhân quý 1 giảm 1%, quý 2 giảm 0,5% và cả năm giảm mạnh 5%.
Trong khi đó, dịch vụ vận tải hàng không quý 1 giảm 40%, quý 2 giảm 30% và cả năm giảm 30%; và dịch vụ tài chính-ngân hàng-bảo hiểm quý 1 và quý 2 giảm nhẹ 1% và 1,5%, cả năm giảm 0,5%.
Báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV được thực hiện dựa trên việc đánh giá tác động theo tổng cầu, dựa trên các cơ sở chính, gồm: (i) Kinh nghiệm, đánh giá tác động từ trường hợp tương tự, như dịch SARS (2003); (ii) Rủi ro và nguy cơ sụt giảm tăng trưởng của kinh tế thế giới và đặc biệt là của kinh tế Trung Quốc; (iii) Đánh giá sự phụ thuộc và tác động trong quan hệ kinh tế (thương mại, đầu tư, du lịch…) giữa Việt Nam và Trung Quốc; (iv) Phân tích thực tiễn cơ cấu ngành và đóng góp vào GDP của một số ngành (lĩnh vực) chịu nhiều tác động; (v) Tính toán trên cơ sở ngành nghề có số liệu và không bị trùng lặp; (vi) Tham khảo kinh nghiệm, mô hình đánh giá, dự báo của một số tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế… Mô hình đánh giá được thực hiện với hai giả định chính: (i) những biến động khác (ngành nghề, lĩnh vực khác) vẫn duy trì đà tăng trưởng như thường lệ; và (ii) Chính phủ chưa có gói kích thích kinh tế hay chưa điều chỉnh chính sách kinh tế (nhất là chính sách tiền tệ, tài khóa, công thương và giá cả…). |