Xây dựng nông thôn mới: Băn khoăn về nguồn vốn đối ứng của các địa phương
Bày tỏ sự thống nhất với báo cáo, tờ trình đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã trình tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho rằng, qua 10 năm triển khai chương trình với sự chỉ đạo quyết liệt, năng động của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần cộng đồng, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt kết quả hết sức quan trọng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá đó là to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) |
Kết quả này đã thổi luồng sinh khí mới vào cuộc sống của người dân tạo nên diện mạo mới ở vùng nông thôn khắp mọi miền của đất nước, tạo được niềm tin mạnh mẽ của nhân dân và sự lãnh đạo, đổi mới của Đảng, Quốc hội và sự điều hành của Chính phủ để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn thật sự chất lượng đi vào chiều sâu, bền vững.
Từ thực tiễn ở địa phương, đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá và phân tích kỹ những vấn đề tồn tại, hạn chế cùng với những nguyên nhân được chỉ ra từ quá trình tổ chức thực hiện trong thời gian qua để rút ra những bài học kinh nghiệm về cơ chế phối hợp vận hành giữa các chủ thể thực hiện chương trình; cách thức tổ chức đánh giá công nhận; vấn đề huy động nguồn lực xã hội. Trong đó vấn đề truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm của mình với cộng đồng như khơi dậy sự tự nguyện và đồng thuận của xã hội về xây dựng nông thôn mới với vai trò dẫn dắt, đầu tàu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng là hết sức quan trọng.
Đối với vấn đề huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đại biểu cho biết rất băn khoăn về tỷ lệ bố trí nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương, khoảng 156.700 tỷ đồng, chiếm 6,4% trong cơ cấu tổng thể nguồn lực thực hiện chương trình trong bối cảnh diễn biến tình hình dịch COVID-19 hết sức phức tạp hiện nay, khi chúng ta vẫn chưa biết đến thời điểm nào kết thúc và các địa phương lại đang sử dụng mọi nguồn lực để tăng cường cho công tác phòng, chống dịch, thực hiện các hoạt động, các chương trình an sinh xã hội và tiếp tục gặp nhiều khó khăn về dự báo nguồn thu ngân sách. Vì vậy, Chính phủ cần cân nhắc vấn đề này sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu, Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) cũng đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí đủ nguồn ngân sách Trung ương, trước mắt có thể là 3.900 tỷ đồng, đồng thời cân đối để bổ sung thêm nguồn lực và các gói hỗ trợ cho khu vực này để có thể khôi phục sản xuất, giúp người dân vượt qua những khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) cho biết, việc tiếp tục xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo hướng toàn diện bền vững đi vào chiều sâu gắn với đô thị hóa nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn là vấn đề cần thiết, đảm bảo tính liên tục, liền mạch trong lãnh đạo, điều hành và ưu tiên huy động nguồn lực để tiếp tục giải quyết nhiệm vụ mà chương trình này chưa thực hiện xong trong giai đoạn trước. Cũng như tập trung giải quyết một số mục tiêu kinh tế - xã hội mới cấp bách theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) |
Nghiên cứu nội dung chương trình giai đoạn mới, đại biểu đề xuất: Việc lãnh đạo xây dựng và triển khai các nội dung, giải pháp trong giai đoạn mới phải vừa hướng đến thực hiện những tiêu chí mới ở mức độ cao hơn về chất lượng, hiệu quả và sức lan tỏa vừa ưu tiên khắc phục cho được những hạn chế, bất cập đã được đánh giá trong tổ chức thực hiện các tiêu chí của giai đoạn vừa qua như xóa bỏ tình trạng nợ, tiêu chí, nợ đọng xây dựng cơ bản mà nguyên căn của nó là căn bệnh chạy theo thành tích ở một số địa phương, làm mất cân đối nguồn lực chung trên phạm vi cả nước. Cần rà soát, điều chỉnh sớm những tiêu chí chưa thực sự phù hợp với điều kiện, nguồn lực đặc thù về địa lý, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tập quán sản xuất, sinh hoạt của từng vùng, miền, nhằm rút ngắn nhanh nhất khoảng cách về tỷ lệ xây dựng nông thôn mới ở các vùng, miền trên phạm vi cả nước.
Thực tiễn xây dựng nông thôn mới trong 2 giai đoạn vừa qua đã cho thấy, muốn xây dựng nông thôn mới thành công không chỉ dựa vào nguồn lực kinh tế, mà cần phải có sự đầu tư, công sức, trí tuệ, sức sáng tạo của từng cấp, từng ngành và sự đồng tình, ủng hộ, chung sức, đồng lòng của nhân dân. Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã khó, giữ vững thành quả đã đạt được càng khó khăn hơn.
"Trong giai đoạn 2021-2025, chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới khá nặng nề, đòi hỏi phải có sự tập trung rất lớn, rất quyết liệt. Chúng ta không chỉ tập trung thực hiện ở các tiêu chí mới ở cấp độ cao hơn, cấp thiết hơn khi hầu hết các xã còn lại trong lộ trình giai đoạn mới là những xã khó khăn, địa bàn rộng, nhiều địa phương đang chịu sự ảnh hưởng khốc liệt của tình trạng biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn", nữ đại biểu thuộc đoàn Vĩnh Long phát biểu và cho rằng, chúng ta còn phải tính toán, cân nhắc để dành nguồn lực đầu tư đúng mức cho việc nâng cấp, duy tu, sửa chữa các hạng mục cơ sở hạ tầng đã xuống cấp ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới ở giai đoạn trước.
Để đảm bảo tính bền vững của mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong bối cảnh mới, theo nguyên tắc nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể. Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương công khai phân cấp sử dụng nguồn lực phù hợp, không dàn trải, cào bằng, thiếu tập trung, gây lãng phí nguồn lực.
Trước mắt, ưu tiên huy động vào phân bổ nguồn lực kịp thời để các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đầu tư, rà soát quy hoạch thủy lợi, xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai phù hợp, có đủ nguồn vốn đầu tư xử lý ngay những đoạn sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, công trình, phi công trình để chủ động lấy nước, trữ nước, đề phòng nguồn nước sinh hoạt, sản xuất bị thiếu hụt do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Tạo điều kiện phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền trong triển khai các mô hình dự án chuyển đổi sản xuất gắn với chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, nông nghiệp công nghệ cao.
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Nâng cao giá trị tỷ trọng nông nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trong bối cảnh các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch bị suy giảm, đình trệ do tác động của đại dịch COVID-19.
Song song đó, cần tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, tính tự giác, tự nguyện của nhân dân trong quản lý và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt phương châm "lấy hoa lấp cỏ dại, lấy cái đẹp dẹp cái xấu", kịp thời khen thưởng, biểu dương, động viên, khích lệ người dân hăng hái, chủ động hiến kế, hiến công, hiến của, mạnh dạn góp ý và đồng hành cùng với chính quyền ngay từ khâu quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đến việc lựa chọn các tiêu chí cần ưu tiên thực hiện trước mắt, dài hạn, từ đó chủ động nhận lấy các công trình, phần việc phù hợp với khả năng, điều kiện, kinh tế của từng khu dân cư và từng hộ gia đình.
Cùng với đó, phải khơi dậy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, cùng nhau thay đổi tư duy, lối sống, tập quán canh tác chưa tiến bộ, chủ động tổ chức các mô hình liên kết sản xuất, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, thông tin thị trường, hỗ trợ nhau về vốn, tư liệu sản xuất và sức lao động, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng cho gia đình và tiếp tục đầu tư, tái đóng góp vào việc duy trì, giữ vững thành quả xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong giai đoạn mới.