Trong năm qua, dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại An Giang của Tập đoàn TH đã được đưa vào triển khai, vận hành trên diện tích hơn 178 ha. Đây là vùng nguyên liệu liên kết với người dân có diện tích 3.000 ha, quy mô đàn bò nuôi tập trung là 10.000 con, nhà máy chế biến sữa tươi sạch công suất 135 tấn/ngày. Với dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao khép kín, nông dân sẽ tham gia vào khâu trồng cây nguyên liệu thức ăn thô xanh cho bò sữa; năng suất và giá trị trên một đơn vị canh tác sẽ được tăng lên đáng kể và ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào và giá cả đầu ra cho doanh nghiệp.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu khép kín |
Trong bối cảnh giá cả nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh thời gian qua liên tục tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã chủ động có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu khép kín từ đầu vào đến đầu ra để tiết giảm chi phí tối đa. Nhất là đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm thiết yếu, nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu để bình ổn giá cả sẽ có tác động rất lớn đến thị trường và tâm lý người tiêu dùng.
Thực tế hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu đều đã và đang tích cực xây dựng, mở rộng các chuỗi liên kết, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài tại các tỉnh. Ðơn cử như Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố (Saigon Co.op) có hệ thống dịch vụ hậu cần, siêu thị phủ khắp cả nước và là đầu mối liên kết, thu mua tại chỗ mặt hàng nông sản với sản lượng lớn và cung cấp ra thị trường. Hay Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) liên kết với nhiều trang trại chăn nuôi tại các địa phương, tiêu thụ bình quân 31 nghìn tấn heo hơi/năm, 1.241 tấn bò hơi/năm. Vissan còn tổ chức mạng lưới phân phối với gần 50 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, 100 nhà phân phối và hơn 130 nghìn điểm bán hàng trên cả nước…
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, với tiêu chí kinh doanh hướng đến cộng đồng, ổn định an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và định hướng phát triển bền vững, trong những năm gần đây, cùng với việc phát triển mạng lưới, hệ thống, Saigon Co.op đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào công tác quản lý, đa dạng hóa và liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đặc biệt là xây dựng nguồn cung hàng hóa ổn định trên cơ sở liên kết với các nhà sản xuất, nông dân, nhà cung cấp và đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tập trung để chủ động kiểm soát cả về chất và lượng, bình ổn giá cả hàng hóa.
Theo nhận định của một số chuyên gia, muốn ổn định thị trường, giá cả, trước tiên các doanh nghiệp cần tập trung đảm bảo về hoạt động sản xuất, ứng dụng công nghệ, đầu tư nhà xưởng, phát triển vùng nguyên liệu. Còn doanh nghiệp phân phối phải đảm bảo về mạng lưới điểm bán và tổ chức điểm bán hàng bình ổn thị trường, đầu tư phát triển hệ thống kho bãi, logistics… Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai sâu rộng các nội dung trọng tâm như kết nối cung - cầu, xây dựng các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, sơ chế tại nguồn đối với hàng nông sản thực phẩm, hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Mới đây, để đảm bảo khả năng bình ổn thị trường, đặc biệt là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, Sở Công thương TP.HCM đã vận động thêm các nguồn lực xã hội tham gia, tăng sản lượng, thông qua các hình thức là cung ứng, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng.
Số liệu báo cáo của Sở cho thấy, trong những tháng đầu năm 2022, sản lượng nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu tăng mạnh so với cuối năm 2021. Trong đó, có thể kể đến một số mặt hàng như gạo tăng 27%, đường tăng 56%, dầu ăn tăng 101%, thịt gia cầm tăng 2%, trứng gia cầm tăng 6%, thực phẩm chế biến tăng 31%, gia vị tăng gấp 5 lần, lương thực khô tăng gấp 8 lần. Tổng doanh thu hàng hóa bình ổn thị trường niên hạn 2021 - 2022 đạt trên 17.381 tỷ đồng. Trong đó, nhóm lương thực thực phẩm đạt hơn 16.298 tỷ đồng, tương đương chương trình năm 2020 - 2021.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh, quan trọng nhất đối với vấn đề bình ổn thị trường phải chú trọng đến các giải pháp bền vững. Cụ thể, thành phố tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tại TP.HCM đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn và các địa phương khác; Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, thúc đẩy quá trình số hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều phối nông sản; Kết nối, tạo điều kiện đưa hàng hóa của các địa phương vào hệ thống các chợ đầu mối, hệ thống phân phối của thành phố. Đặc biệt là ký kết các hợp đồng thu mua, bao tiêu nông sản để phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm được nhanh chóng và ổn định...
Tuyết Thanh
Nguồn: