Xử lý rác thải nhựa: Thúc đẩy kinh tế nhựa tuần hoàn
Góp phần giảm thiểu rác thải nhựa | |
Cần mở ra thị trường cho rác thải nhựa | |
Doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống giảm sử dụng bao bì nhựa |
Vấn nạn rác thải nhựa
Nhựa được thải ra môi trường ở nhiều giai đoạn khác nhau trong vòng đời của mình. Nghiên cứu chỉ ra rằng, lượng rác thải nhựa từ sông đổ ra biển chiếm 10-20% tổng lượng ô nhiễm nhựa đại dương hàng năm. Dự đoán, với tốc độ sản xuất như hiện nay, đến năm 2050 sẽ có khoảng 34 nghìn triệu tấn rác thải nhựa được thải ra. Theo thống kê, khoảng 8-10 triệu tấn rác thải nhựa đổ vào đại dương hàng năm - tương đương cứ mỗi một phút có một xe tải rác thải nhựa đổ ra biển. Hạt vi nhựa thẩm thấu vào nước và thức ăn, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Ô nhiễm nhựa tiêu tốn tối thiểu 13 tỷ USD mỗi năm do những tác động tiêu cực lên hệ sinh thái biển.
Việc xử lý rác thải nhựa cần được giải quyết tận gốc |
Trước thực tế đó, năm 2017, với nguồn vốn hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (Sida), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã khởi động thực hiện dự án Rác thải nhựa và Cộng đồng ven biển (Marplasticcs). Dự án kéo dài trong 3 năm tại 5 quốc gia: Nam Phi, Mozambique, Kenya, Thái Lan và Việt Nam.
Theo đó, Marplasticcs sử dụng cách tiếp cận vòng đời để hỗ trợ chuyển dịch toàn cầu từ mô hình sản xuất – tiêu dùng – vứt bỏ, sang mô hình kinh tế nhựa tuần hoàn, giúp hiểu rõ phương pháp xác định điểm nóng ô nhiễm nhựa nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa; cung cấp cơ hội cho nhóm dự án và các bên liên quan tìm ra những điểm còn thiếu, nguồn thông tin cần bổ sung trong quá trình xác định điểm nóng và xây dựng chiến lược giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Cùng với đó, còn có dự án Xây dựng Mạng lưới theo dõi nhựa và sự xuất hiện của nhựa trong xã hội và môi trường (Compose) hướng tới việc xây dựng một mạng lưới theo dõi sự dịch chuyển về mặt xã hội và môi trường của chất nhựa tại Việt Nam. Từ đó giúp cơ quan chức năng hiểu được sự vận động của chất nhựa cũng như thiết kế các chính sách công giảm thiểu phát thải nhựa phù hợp.
Hiện IUCN đang xây dựng những công cụ để đánh giá lượng rác thải ra môi trường theo cách tiếp cận từ đầu nguồn xuống đến biển. IUCN cũng phối hợp với các nước xây dựng dữ liệu và những phân tích có chất lượng để đề ra mục tiêu, thỏa thuận giữa các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Cần giải quyết triệt để
Hiện tại, IUCN đang hỗ trợ về chính sách, cải cách lập pháp, thúc đẩy xây dựng các chương trình quốc gia bao gồm kế hoạch hành động quốc gia và lộ trình phát triển theo nền kinh tế xanh. Với các doanh nghiệp, IUCN đang làm việc với khu vực tư nhân xây dựng phương pháp đánh giá mức độ nhựa thải ra môi trường trong toàn bộ quá trình cung cấp và sản xuất của doanh nghiệp. Thông qua sáng kiến Marplasticcs, IUCN và Chương trình môi trường Liên hợp quốc đã xây dựng “Hướng dẫn quốc gia về xác định điểm nóng ô nhiễm nhựa và xây dựng hành động”. 3 yếu tố chính của khung hướng dẫn được xây dựng để hỗ trợ các nước (bao gồm cả Việt Nam) như xác định các điểm nóng, ưu tiên các giải pháp can thiệp và tập trung vào xây dựng các công cụ để thực hiện các biện pháp.
Theo đó, “điểm nóng” được hiểu là một hợp phần của hệ thống trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần gây rò rỉ và tác động của nhựa hoặc có thể được xử lý để giảm rò rỉ hoặc các tác động đi kèm. Điều này hỗ trợ Việt Nam xác định ngay từ đầu các hành động ưu tiên và lựa chọn các biện pháp thích hợp nhất có thể, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế.
Ông Jake Brunner, quyền Trưởng đại diện IUCN tại Việt Nam chia sẻ, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 của Việt Nam đã được ban hành, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phải phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Hiện Việt Nam đã cam kết sẽ giải quyết có hiệu quả các vấn đề về rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm việc ngăn ngừa xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển. Kế hoạch phấn đấu đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương. Tuy nhiên, ô nhiễm rác thải nhựa là thách thức liên quan đến sản xuất, tiêu dùng và quản lý rác thải cần phải được giải quyết tận gốc.
Ông Nguyễn Thanh Lam, đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường – TN&MT) cho biết, lượng chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam phát sinh khoảng 61 nghìn tấn/ngày. Song tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt mới đạt khoảng 85,5% tại các đô thị thuộc khu vực nội thành, tại khu vực nông thôn còn thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 40 – 55%.
Trong thu gom rác thải, việc phân loại tại nguồn mới chỉ được thực hiện tại một số địa phương và còn mang tính khuyến khích, mà chưa mang tính cưỡng chế. Hiện công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu là chôn lấp (chiếm tới 71%), còn lại xử lý bằng phương pháp phân compost chiếm 16% và phương pháp đốt chiếm 13%. Thiết bị, công nghệ xử lý chất thải rắn chưa đồng bộ, mức độ tự động hóa chưa cao. Đồng thời, công tác quản lý chưa thống nhất. Đơn cử, hiện có 35 tỉnh, thành phố giao cho Sở Xây dựng quản lý chất thải rắn; 20 tỉnh, thành phố giao cho Sở TN&MT quản lý; 8 tỉnh, thành phố giao cho cả 2 đơn vị trên. Sau khi có Nghị quyết số 09/NĐ-CP về thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn và Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, các địa phương đã chuyển giao về đầu mối là Sở TN&MT thống nhất quản lý từ trung ương đến địa phương. Song song với đó là xây dựng và ban hành danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và tiêu chí lựa chọn công nghệ để các địa phương lựa chọn; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về các phương tiện thu gom, vận chuyển; hoàn thiện các quy định hướng dẫn về phương pháp định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số, tình hình phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có xu hướng gia tăng qua các năm, đã và đang gây áp lực lớn đến môi trường nước ta. Trong khi đó, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay và thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, cần phải thực hiện phương án thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn theo Nghị quyết số 09, Bộ TN&MT đã đề xuất xây dựng Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam trên cơ sở lồng ghép nội dung Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn đã trình Chính phủ.
Đề án được xây dựng theo hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa để doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích đầu tư các công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp như đốt rác phát điện, xử lý chất thải thành phân mùn hữu cơ...; giao trách nhiệm quản lý rác thải sinh hoạt cho địa phương. Có lộ trình và mục tiêu cụ thể để thực hiện trên cả nước và trước mắt tập trung vào 5 thành phố lớn.