Xuất khẩu ô tô “made in Vietnam”
Chinh phục khách hàng quốc tế
Mới đây, tại cảng Chu Lai (Khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam), Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đã tổ chức bàn giao xe bus Thaco thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang Philippines.
Lô hàng xe bus của Thaco xuất khẩu sang Philippines |
Để có được lô xe xuất khẩu đầu tiên sang Philippines này là cả một quá trình kiên trì thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp ô tô của Thaco. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco chia sẻ, từ năm 2004 Thaco đã nghiên cứu, sản xuất lắp ráp xe bus, đồng thời liên tục đẩy mạnh đầu tư cho việc nghiên cứu, thiết kế và phát triển sản phẩm theo yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, Thaco là nhà sản xuất xe bus hàng đầu Việt Nam với các sản phẩm đa dạng, được thiết kế theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng và đã cung cấp cho thị trường hơn 17 nghìn xe bus (từ 2005 đến nay).
Tại thị trường Philippines, từ năm 2017 đến nay Thaco và Công ty Autodelta đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát thị trường. Từ đó, thiết kế, phát triển sản phẩm xe bus theo yêu cầu của khách hàng. Thaco đã hoàn thiện 2 xe bus mẫu xuất sang thị trường này để chạy thử nghiệm và đã được khách hàng đón nhận, hài lòng về chất lượng sản phẩm. Đây là mẫu xe được Thaco thiết kế hoàn toàn mới, tỷ lệ nội địa hóa trên 45%, sử dụng động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường... Ông Roberto Torres - Tổng giám đốc Autodelta cho biết, trước bối cảnh hội nhập ASEAN với thuế suất nhập khẩu bằng 0% giữa các nước trong khu vực, từ năm 2015 hãng đã bắt đầu tìm hiểu các nhà máy sản xuất xe bus lớn trong khu vực để chuẩn bị cho chiến lược nhập khẩu xe bus nguyên chiếc. Chúng tôi đã tìm đến với Thaco và Autodelta mong muốn được cùng Thaco mở cánh cửa chinh phục thị trường 100 triệu dân tại Philippines.
Theo nhiều người, việc Thaco chính thức xuất khẩu những xe bus đầu tiên sang thị trường Philippines và ký kết kế hoạch xuất khẩu trong năm 2020 là 200 xe, là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Qua đó, khẳng định khả năng hiện thực hóa chiến lược xuất khẩu ô tô và linh kiện phụ tùng theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 của Chính phủ, góp phần giảm nhập siêu và cân bằng cán cân thương mại. Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, mặc dù giá trị xuất khẩu của Thaco mới khoảng 50 triệu USD trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước hơn 500 tỷ đôla, nhưng là sự kiện có ý nghĩa. Bởi, nỗ lực của doanh nghiệp được khẳng định, chứng minh kết quả bước đầu theo bước đi vững chắc và bền vững của chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ, đưa Việt Nam có vị trí trên bản đồ công nghiệp ô tô khu vực và thế giới, góp phần hình thành cơ cấu xuất nhập khẩu theo hướng bền vững.
Gia tăng tỷ lệ nội địa hóa
Trước khi xuất khẩu xe bus sang Philippines, Thaco cũng đã tiến hành xuất khẩu sang Myanmar 120 xe du lịch Kia Cerato phiên bản Deluxe được sản xuất tại Nhà máy Thaco Kia ở Khu công nghiệp Thaco Chu Lai ở Quảng Nam. Xe du lịch Kia Cerato có các linh kiện nội địa hóa được sản xuất tại các nhà máy công nghiệp hỗ trợ ở Chu Lai. Được biết, Kia Cerato phiên bản Deluxe đang là một trong những mẫu xe du lịch bán chạy nhất của thương hiệu Kia tại Việt Nam. Bên cạnh, xuất khẩu các sản phẩm ô tô, Thaco cũng đã tiến hành xuất khẩu các lô linh kiện phụ tùng gồm két giàn nóng máy lạnh, áo ghế, bọc cần số xe du lịch và xe đẩy hành lý sân bay... sang Hàn Quốc và Nhật Bản. Chỉ tính riêng, sản phẩm áo ghế xe du lịch dự kiến kế hoạch xuất khẩu năm 2020 đạt 110.000 bộ...
Với chủ trương gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, đến nay tỷ lệ nội địa hóa xe bus Thaco lên trên 60%, xe tải 40%, xe du lịch bình quân 25%, trong đó một số mẫu xe du lịch đạt trên 40%, đáp ứng tiêu chí giá trị hàm lượng khu vực RVC (Regional Value Content) để hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA). Thực hiện chủ trương nội địa hóa và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, bên cạnh đầu tư xây dựng, nâng cấp các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô theo hướng tự động hóa, quản trị trên nền tảng số hóa để sản xuất hàng loạt theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng, Thaco cũng đã đầu tư xây dựng khu công nghiệp sản xuất linh kiện ô tô lớn nhất Việt Nam tại Chu Lai, với quy mô gần 100ha. Đến nay, tại đây có 12 nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng và tổ hợp cơ khí, không chỉ cung cấp cho các nhà máy lắp ráp ô tô của Thaco và các doanh nghiệp trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu. Các nhà máy được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, Hàn Quốc với máy móc thiết bị hiện đại, thực hiện quản trị thông minh xuyên suốt chuỗi giá trị từ đặt hàng, sản xuất đến phân phối. Thaco cũng đã làm chủ công nghệ sản xuất các linh kiện như kính, ghế, nhíp, dây điện, linh kiện cơ khí (moving parts xe du lịch, thùng xe, ống xả, ty ben, khung xương xe bus, các linh kiện đột dập…), linh kiện nhựa (cản nhựa, linh kiện nhựa nội thất…), hệ thống máy lạnh, linh kiện composite...
Bên cạnh đó, để làm chủ công nghệ và thiết kế, Thaco đã đầu tư xây dựng Trung tâm R&D, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm linh kiện phụ tùng; đồng thời liên doanh, liên kết với các đối tác để tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới nhằm nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm và nhận hỗ trợ kỹ thuật sản xuất linh kiện phụ tùng của các loại xe tải, bus và xe du lịch dựa trên công nghệ chuyển giao từ các đối tác. Trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, với mục tiêu gia tăng thị phần trong nước, phát triển bền vững, đẩy mạnh xuất khẩu, Thaco đã đề ra chiến lược: Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các thương hiệu ô tô sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang các nước ASEAN các sản phẩm ô tô và linh kiện phụ tùng ô tô; Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng Khu công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ tại Chu Lai, có quy mô ngang tầm và cạnh tranh trong khu vực ASEAN.