Xuất khẩu: Thời điểm “vàng” để tăng tốc
Nhiều tín hiệu tích cực
Tính chung 9 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8%. Cả nước có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,2%.
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng ở hầu hết các thị trường chủ lực, từ Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN… Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 69,8 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, cán cân thương mại quay trở lại “vị thế” xuất siêu trong tháng 9 với 0,5 tỷ USD.
Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, trong bối cảnh xuất khẩu đối mặt với khó khăn cả về nguồn cung, phía cầu và khu giữa là hoạt động vận chuyển. Tuy nhiên, kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng vẫn đạt con số tăng trưởng ấn tượng. Nhất là hoạt động xuất khẩu, trong khi tăng trưởng của cả năm ngoái mới đạt 7%, năm nay riêng 9 tháng đã đạt gần 19%. Là mức tăng vượt xa trong thời điểm có nhiều khó khăn.
Trong những tháng cuối năm, Bộ Công thương nhận định hoạt động xuất khẩu có nhiều thuận lợi, khi Việt Nam đang tích cực khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và là thời điểm thị trường các nước đang tích cực nhập hàng, phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm.
Đại diện một số ngành hàng cũng bày tỏ lạc quan. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong quý IV, tình hình xuất khẩu rau củ quả được đánh giá có triển vọng tốt. Xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam đang có sự cải thiện tích cực cả về chất lượng và số lượng.
Cụ thể, người nông dân đã ngày càng cải thiện chất lượng sản phẩm, sản xuất theo những tiêu chuẩn an toàn mới, tự tin để đáp ứng điều kiện của các thị trường mới nổi như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… vốn có yêu cầu khắt khe.
Lực đẩy từ các FTA được ký kết trong thời gian qua cũng giúp doanh nghiệp tìm thêm được nhiều khách hàng mới, ở các thị trường tiềm năng. Điều này sẽ giúp rau quả Việt Nam bớt phụ thuộc vào một thị trường là Trung Quốc, hiện đang chiếm khoảng 60% kim ngạch.
Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT CTCP Thuỷ sản và Thương mại Thuận Phước chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp thủy sản đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tốt, riêng công ty của ông đã ghi nhận mức tăng 50% so với cùng kỳ. Dù làn sóng dịch lần thứ tư đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ cho doanh nghiệp trong quý III vừa qua, nhưng doanh nghiệp vẫn đặt kỳ vọng vào xuất khẩu những tháng cuối năm, khi nhu cầu của thị trường thế giới tăng mạnh, đơn hàng đã được ký cho tới hết năm.
Cần trợ lực doanh nghiệp xuất khẩu
GDP quý III có mức giảm sâu, áp lực tăng tưởng kinh tế đang dồn vào những tháng cuối năm. Trong đó, xuất khẩu với những tín hiệu tích cực được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục, bên cạnh đầu tư công và nguồn vốn FDI.
Rõ ràng, cơ hội để cân bằng cán cân thương mại năm nay là có, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn đang đối mặt với không ít thách thức.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, doanh nghiệp đang có hai khó khăn lớn nhất là thiếu lao động và thiếu vốn. Bên cạnh đó, việc duy trì “ba tại chỗ” khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí trên một công nhân là từ 6-7 triệu đồng. Đáng quan ngại hơn là nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do không đáp ứng yêu cầu “ba tại chỗ”, trong khi lao động đã bỏ về quê, hiện mất rất nhiều thời gian để tập trung đủ nhân lực.
Còn với ông Trần Văn Lĩnh, vấn đề đau đầu hiện nay là giá cước tàu biển tăng cao, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm sút nghiêm trọng. Hiện giá cước trung bình của một container cao gấp 4 lần so với 1 năm trước và cao gấp hơn 5 lần so với 2 năm trước.
Nguồn nguyên liệu cũng là thách thức với doanh nghiệp thủy sản. Thông thường những tháng quý III, sức sản xuất của doanh nghiệp đáng lẽ phải tăng gấp đôi để chuẩn bị cho mùa tiêu thụ cuối năm, song năm nay các doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh.
Khó khăn chồng chất, điều doanh nghiệp mong mỏi nhất lúc này là sớm ổn định hoạt động sản xuất ngày nào tốt ngày đó, để có dòng tiền trang trải chi phí, kêu gọi người lao động trở lại làm việc, chạy đua hoàn thành đơn hàng, giữ chân khách hàng để có hợp đồng mới cho năm sau.
Muốn vậy, theo chuyên gia, các địa phương cần nhanh chóng có biện pháp mở cửa linh hoạt, an toàn với cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Đồng thời, cần đẩy nhanh việc tiêm vaccine, để người lao động an tâm làm việc.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất, nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN... tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)