15 năm gắn bó với người nghèo
Ảnh minh họa |
Có người nói vui: “Cứ nối hai khúc rẻo thì thành huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Và chuyện người nghèo ở mảnh đất này kể ba ngàn sáu trăm ngày không hết”. Quả vậy, sự cùng cực của dân cư trong những năm đầu mới thành lập huyện và cho mãi tới những năm gần đây là thực trạng đau lòng.
Nhiều người đã ra đi không ngoảnh lại, và cũng có những người, tâm nguyện bám trụ, gắn bó, chia sẻ hết lòng với những cảnh đời khốn khó. Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Nguyễn Thái Hòa là một trường hợp như thế.
Có cùng đi với anh xuống các thôn xã trong những ngày lặn lội khảo sát hộ nghèo mới thấy hết cái tâm của một cán bộ ngân hàng. Huyện miền núi Hàm Thuận Nam có 12 xã và 1 thị trấn thì có đến 6 xã thuộc vùng khó khăn (chiếu theo Quyết định 30 của Chính phủ), với sự phân bố rải rác của 15 dân tộc cùng sinh sống.
Từ một cán bộ Phó Ban Kế hoạch, Phó phòng, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, bám trụ đủ 4 nhiệm kỳ HĐND huyện với chức vụ Phó ban Kinh tế - Xã hội... rồi trở thành Giám đốc Ngân hàng của người nghèo, ở vai trò nào anh cũng thường nghĩ tới và trăn trở với cái nghèo của bà con nơi mình sinh sống.
Tháng 10/2002, cầm tờ quyết định thành lập Phòng giao dịch NHCSXH huyện và Quyết định bổ nhiệm Giám đốc, anh Hòa ngỡ ngàng, không biết bắt đầu từ đâu. Không có nơi làm việc. Thuê ở đâu bây giờ? Nhà cửa lúc bấy giờ còn khó khăn lắm.
Thức trắng mấy đêm liền anh Hòa mới tìm được giải pháp tạm thời cho cơ quan có nơi hoạt động đã, rồi tính tiếp. Anh về bàn với vợ dẹp quán hàng của gia đình, để nhà cho Phòng giao dịch thuê làm trụ sở. Dù thu nhập chỉ còn một phần mười trước đó, thiệt thòi thấy rõ, nhưng vợ anh Hòa vẫn ủng hộ chồng. Vậy là cơ quan mới đã được hình thành, có nơi chốn, địa chỉ.
Sau một năm hoạt động, Phòng giao dịch phát triển, nhân viên được tuyển thêm, các chương trình cho vay được mở rộng, gia đình anh Hòa lại thắt lưng buộc bụng, vay mượn thêm để xây nới rộng ra. Năm 2005, cơ quan chính thức hoạt động như một ngân hàng, nhận bàn giao tất cả các khoản nợ, mà hầu hết là nợ xấu khó đòi.
Bên cạnh đó, hầu hết người dân chưa nắm bắt được chủ trương chính sách của Chính phủ về cho vay hộ nghèo. Thế là anh Hoà đích thân xuống cơ sở, cùng cán bộ trực tiếp làm việc với Cấp ủy, chính quyền địa phương để tuyên truyền, xác định số hộ nghèo của địa phương gửi cho NHCSXH huyện để giải ngân cho hộ nghèo được vay vốn. Từ đó số bà con được vay vốn ngày càng nhiều, kinh tế hộ vay ngày càng phát triển, nhiều hộ thoát nghèo nhờ vào chính sách này.
Giám đốc Hòa kể chuyện mình làm ngân hàng đã trở thành người thân của muôn nhà như thế nào:
“Tôi còn nhớ những ngày đầu khi giải ngân cho bà con tại xã với mức vay chỉ 10 - 20 triệu đồng. Nhiều người nhận và đếm tiền mà run tay, hoá ra vì chưa bao giờ họ nhận được nhiều tiền như thế. Có nhiều trường hợp hộ vay đến kỳ hạn nhưng không có tiền để trả, phải chuyển quá hạn với lãi suất 130%, tôi đã đến trực tiếp hộ vay kiểm tra xem thực tế, thấy đúng là điều kiện kinh tế quá khó khăn, sản phẩm chưa bán được, tôi động viên hộ vay nên khắc phục, trả hết nợ NH sẽ cho hộ vay lại. Bên cạnh đó, có hộ quá nghèo, nhà cửa rất lụp xụp, tôi báo với chính quyền địa phương quan tâm đưa vào danh sách đề nghị hỗ trợ nhà ở.
Lại nữa, thực tế có hộ vay chỉ 8 triệu đồng, nhưng đến hạn mà không có tiền trả như hộ ông Hoàng ở Hàm Thạnh. Hộ này được nhà nước xây nhà tình thương, có con bại liệt hưởng trợ cấp nhà nước hàng tháng, hai vợ chồng đi làm thuê. Tôi trực tiếp cùng Chủ tịch Hội Nông dân xã đến tại nhà xem xét, thực trạng là quá khó khăn. Ông định bán 2000m2 đất để trả nợ ngân hàng. Tôi hỏi anh bán đất lấy gì sản xuất, ông bảo đi làm thuê. Thực sự tôi cảm thấy cay cay ở mắt. Tôi đề nghị Hội Nông dân xã cùng gia đình bằng cách nào đó khắc phục trả hết nợ ngân hàng, giữ đất lại để sản xuất. Ngân hàng sẽ cho anh vay 20 triệu đồng để đủ trồng 200 trụ thanh long. Giờ, hộ ông Hoàng đã thoát nghèo, đời sống khá hơn nhiều... Và tất cả những con người ấy đã trở thành thân thiết với tôi, nhiều người thân tình như ruột rà…”.
Cùng với đó, anh Hoà luôn tận tình hướng dẫn, giúp đỡ truyền đạt những kinh nghiệm quý báu tích lũy được cho các nhân viên của mình. Với những trường hợp gia đình CBVC có điều kiện khó khăn, anh vận động tập thể động viên giúp đỡ kịp thời, luôn quan tâm đời sống, thu nhập của người lao động luôn năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo cuộc sống. Anh sống hòa đồng vui vẻ, tính tình thẳng thắn nên tạo mối đoàn kết thống nhất trong đơn vị.
Ngoài ra anh còn là người tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, thường xuyên vận động CBVC trong đơn vị cùng với mình thực hiện đóng góp các quỹ an sinh xã hội. Trong 15 năm qua, toàn đơn vị đã góp hơn 160 triệu đồng, ủng hộ xây 2 căn nhà tình thương tại thị trấn Thuận Nam trị giá mỗi căn hơn 40 triệu đồng, cùng nhận và nuôi dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam Anh hùng tại xã Tân Thành.
Hiện nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hàm Thuận Nam đã xây dựng được 12 điểm giao dịch tại cấp xã và 1 điểm tại thị trấn. Hoạt động NHCSXH từng bước xã hội hóa, ngoài 8 cán bộ trong biên chế của phòng còn có sự phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn thực hiện nghiệp vụ ủy thác cho vay vốn thông qua 222 tổ tiết kiệm.
Hàng trăm cộng tác viên đang sát cánh cùng NHCSXH thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Có được tập thể vững mạnh với các hoạt động hiệu quả như ngày nay, mọi người không quên công lao, tâm huyết của người giám đốc đầu tàu, chịu cực chịu khổ ngay từ thời ban sơ mới gây dựng và củng cố phát triển từng bước cho tới hôm nay.
34 năm gắn bó với huyện Hàm Thuận Nam, 15 năm gắn bó với người nghèo Giám đốc Nguyễn Thái Hòa được tặng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc NHCSXH; Kỷ niệm chương của Bộ KH&ĐT, Hội Phụ Nữ, Hội Nông dân. 6 năm là Chiến sĩ thi đua cơ sở, năm 2016 đề nghị Chiến sĩ thi đua Ngành.