23 năm tỏa sáng tinh thần khởi nghiệp
SHB: Top 10 hàng Việt được người tiêu dùng yêu thích | |
SHB tăng vốn điều lệ lên hơn 10 nghìn tỷ đồng | |
SHB 4 năm liền trong top 30 DN minh bạch nhất HNX |
Hành trình làm nên thương hiệu
Năm 2016 được Chính phủ chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp, coi khởi nghiệp là đột phá để đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần kinh doanh, khả năng sáng tạo, sự năng động của cả quốc gia… Giữa làn sóng khởi nghiệp đó, trong tôi, hiện lên ba từ “SHB” - một ngân hàng thương mại cổ phần mang tên Sài Gòn – Hà Nội, không chỉ được xem là năng động, giàu tham vọng… mà còn được xem là ngân hàng có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ.
Còn nhớ, cách đây chừng 10 năm, khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở thời “hoàng kim”, có một mã chứng khoán mang tên SHB vừa ra đời ngay lập tức đã trở thành một cổ phiếu hot trên thị trường OTC với giá được đẩy lên từng ngày. Và chẳng lâu sau, khi được niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán, cổ phiếu này đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư và là một trong những cổ phiếu được xếp vào hạng “blue chip”.
Tình cờ, trong một đại hội cổ đông, chứng kiến toàn bộ diễn biến đại hội và phong thái đĩnh đạc tự tin của vị Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển khi trình bày trước cổ đông về chiến lược phát triển kinh doanh của SHB, tôi bỗng ngộ ra vì sao mã chứng khoán mang tên SHB vừa ra đời lúc đó lại được các nhà đầu tư quan tâm đón nhận đến vậy. Một tinh thần khởi nghiệp tràn đầy, một khát vọng chiếm lĩnh những tầm cao mới như được hội tụ, hun đúc trong con người vị Chủ tịch này để từ đó, năng lượng ấy, một cách rất tự nhiên lan tỏa và truyền cảm hứng đến mọi người…
Để giờ đây, nói đến SHB là người ta nói đến một định chế tài chính lớn, nằm trong Top 5 các ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam không do Nhà nước chi phối vốn; một trong số rất ít ngân hàng tiên phong tổ chức niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung từ năm 2009 với trên 50.000 cổ đông, nhà đầu tư; một tổ chức tín dụng được thị trường ghi nhận và đánh giá như một ngân hàng năng động, có tốc độ phát triển thần tốc nhưng minh bạch và bền vững.
Dùng từ “thần tốc” ở đây hoàn toàn là không ngoa ngôn nếu chúng ta ngược dòng thời gian khi cùng SHB điểm lại những mốc son đáng nhớ, đánh dấu những bước phát triển bứt phá có tính vượt trội trong hành trình vượt dốc, vượt khó.
Bắt đầu là thời kỳ trước năm 2006. Đó là thời kỳ trên thị trường tài chính ngân hàng không ai biết đến SHB do quy mô hoạt động, thị trường, khách hàng đều quá nhỏ. Không chịu chấp nhận với những gì đang có, để tạo một dấu ấn trên bản đồ các định chế tài chính Việt Nam, con đường duy nhất là phải vươn ra biển lớn. Và quyết định đúng đắn đầu tiên của Lãnh đạo lúc bấy giờ là chuyển đổi mô hình hoạt động, đổi tên từ Ngân hàng Nông nghiệp Nhơn Ái thành SHB hôm nay, chuyển trụ sở chính từ Cần Thơ ra Hà Nội, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán…
Tinh thần khởi nghiệp được khơi gợi, hun đúc và quán chiếu trong mỗi con người, mỗi chặng đường phát triển của SHB |
Chỉ trong vòng 4 năm, từ 2006 – 2010, quy mô phát triển của SHB đã tăng lên rất đáng kể: Từ hơn 500 tỷ đồng vốn điều lệ năm 2006 đã tăng lên gần 5000 tỷ đồng năm 2010. Tổng tài sản từ 1.322 tỷ đồng (năm 2006) lên 51.000 tỷ đồng (năm 2010), mạng lưới kinh doanh từ trên 20 chi nhánh, phòng giao dịch (năm 2006) tăng lên 158 chi nhánh, Phòng giao dịch (năm 2010).
Không dừng lại ở đó, giai đoạn tiếp theo 2010 – 2015, thực hiện chủ trương tái cơ cấu các tổ chức tín dụng của Chính phủ, năm 2012, lại một lần nữa, SHB trở thành ngân hàng tiên phong trong việc nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HABUBANK) - một thương vụ M&A được đánh giá điển hình trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng của giới tài chính - ngân hàng.
Mà theo nhận định của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển thì: Ở góc độ kinh doanh, để có được mạng lưới, quy mô vốn, quy mô nhân sự như sau khi nhận sáp nhập HABUBANK, SHB sẽ phải mất 5 - 7 năm với chi phí đầu tư rất lớn. Nhưng với SHB thì chỉ mất…7 tháng (!). 7 tháng bằng 5 – 7 năm, chỉ có thể gọi đó là kỳ tích, đưa SHB vào Top 15 các ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam về quy mô vốn, mạng lưới kinh doanh và quy mô nhân sự thời điểm đó.
Đấy là chưa kể, SHB đã tham gia tái cấu trúc toàn diện Công ty Thủy sản Bình An, đưa công ty này từ bờ vực phá sản trở lại hoạt động bình thường, ổn định và phát triển.
Và mới nhất, ngày 12/12/2016, NHNN đã có Quyết định số 2400/QĐ-NHNN về việc sáp nhập Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) vào SHB. Thêm một lần ý tưởng khởi nghiệp, tinh thần khởi nghiệp của SHB lại ghi được dấu ấn thành công, sau một thời gian chờ đợi và theo đuổi khát vọng trong lộ trình trở thành một ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại hàng đầu Việt Nam và là một tập đoàn tài chính vào năm 2020.
Nhận sáp nhập VVF, SHB nhắm đến nhiều mục tiêu, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là thành lập một công ty tài chính tiêu dùng chuyên biệt mảng bán lẻ. Công ty này sẽ đảm trách toàn bộ mảng tài chính tiêu dùng của SHB, tạo ra những danh mục khách hàng cá nhân mới, hướng đến phân khúc khách hàng cá nhân tiềm năng với các sản phẩm mục tiêu phù hợp, không chồng chéo với sản phẩm cho vay cá nhân đang triển khai tại ngân hàng, do khối tín dụng của ngân hàng sẽ tập trung vào mảng các khách hàng có thu nhập cao, các khoản vay có giá trị lớn… được đảm bảo bằng tài sản của khách hàng.
Sau khi hoàn tất nhận sáp nhập VVF thành công, SHB sẽ thành lập Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Công ty Tài chính tiêu dùng SHB), vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, hoạt động chuyên biệt trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng cá nhân. Hiện đề án hoạt động trung và dài hạn của Công ty Tài chính tiêu dùng SHB sau sáp nhập cũng đã được Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan ban ngành có liên quan xem xét và theo lộ trình sẽ sớm được phê duyệt để chính thức đi vào hoạt động.
Bình luận xung quanh việc SHB nhận sáp nhập VVF, một chuyên gia tài chính cho biết: Nhận sáp nhập VVF, SHB không chỉ được thừa hưởng một lượng khách hàng và dịch vụ nhất định, đặc biệt là từ các cổ đông Viettel và Vinaconex. Mà còn đương nhiên “ẵm” được một công ty tài chính có sẵn mà không phải khởi sự một công ty tài chính với một đề án rất phức tạp, tốn kém và mất thời gian. Chưa kể, SHB đã mua được VVF với giá không đắt, bởi giá trị vốn chủ sở hữu theo đánh giá của kiểm toán là cao hơn so với giá trị mà SHB đang mua.
Bí quyết của thành công
Sức mạnh nào đã biến SHB từ một nhà băng không tên tuổi, quy mô hoạt động, thị trường, khách hàng đều quá nhỏ trở thành một định chế tài chính lớn, có uy tín trong và ngoài nước như vậy?
Mang câu hỏi này đến gặp Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển, ông cho biết: Nếu nói một cách ngắn gọn, theo tôi thành công của SHB 23 năm qua là sự tổng hợp của mọi nguồn lực, trong đó nguồn lực lớn nhất là chúng tôi đã xây dựng thành công nền tảng văn hóa của SHB mà giá trị cốt lõi là tính nhân văn trong mọi hoạt động. Cùng với đó là tinh thần khởi nghiệp được khơi gợi, hun đúc và quán chiếu trong mỗi con người, mỗi chặng đường phát triển. Bên cạnh nền tảng văn hóa, tinh thần khởi nghiệp, Hội đồng quản trị SHB đã luôn đề ra chiến lược phát triển phù hợp trong từng giai đoạn, có định hướng lâu dài, luôn tìm ra sự khác biệt, đổi mới – sáng tạo và công khai minh bạch.
Có thể nói, sau mỗi mốc son, mỗi dấu ấn thành công trên hành trình vươn tới tầm cao là kết tinh của tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Ở đó là khát vọng, là đam mê, là bản lĩnh tiên phong, quyết tâm chinh phục những thách thức, khó khăn của toàn thể đội ngũ cán bộ nhân viên.
Viết đến đây, trong tôi lại chợt vang lên câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp. Ý rằng: khởi nghiệp không chỉ là con đường kiếm tiền, mà còn là một triết lý sống. Tinh thần khởi nghiệp không chỉ cần có ở những người trẻ tuổi, mà ngay cả khi đã là một doanh nhân thành đạt thì vẫn cần có tinh thần khởi nghiệp để tiếp tục sáng tạo và tạo ra những của cải mới cho xã hội. Những doanh nhân thành đạt nhất của Việt Nam hay thế giới đều coi lợi nhuận là công cụ để thực hiện ý tưởng của mình, chứ không phải mục đích hay thước đo của sự thành công.
Vâng, có lẽ với SHB, tinh thần khởi nghiệp cũng chính là “một triết lý sống”, triết lý kinh doanh nên trong mọi hoạt động, SHB đã luôn lấy khách hàng làm trọng tâm, coi sự hài lòng của khách hàng là mục tiêu phấn đấu và luôn hành động với phương châm dựa trên sự hài hòa về lợi ích và sự hài lòng của khách hàng.
Phải chăng đấy là một trong những lý do, SHB đã trở nên một thương hiệu quen thuộc với nhà đầu tư, công chúng và khách hàng khi nhắc đến hôm nay?!