Ai có thể rửa tiền?
Phòng, chống rửa tiền: Cần kiểm soát trung gian thanh toán | |
Chuẩn bị cho đánh giá đa phương cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam |
Ảnh minh họa |
Tháng 4/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 474/QĐ-TTg đã phê duyệt Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 - 2017 và Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020. Kết quả của đợt đánh giá này đã xác định rủi ro rửa tiền quốc gia là trung bình cao và rủi ro về tài trợ khủng bố quốc gia là thấp.
Các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã đưa ra danh sách 17 loại tội phạm nguồn chính của tội rửa tiền vào đánh giá. Trong đó, một số tội có nguy cơ rửa tiền ở mức cao và trung bình cao như: tham nhũng (tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản); đánh bạc, tổ chức đánh bạc; ma túy; trốn thuế; tội lừa đảo chiếm đạo tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm; vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới; buôn bán người...
Cũng theo kết quả đợt đánh giá trên, nguy cơ rửa tiền đối với lĩnh vực ngân hàng, bất động sản ở mức cao. Nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực chuyển và thu đổi ngoại tệ qua kênh chính thức ở mức trung bình cao và kênh chuyển tiền phi chính thức là cao. Nguy cơ rửa tiền lĩnh vực chứng khoán bảo hiểm ở mức trung bình và trung bình thấp. Lĩnh vực casino/sòng bạc có nguy cơ rửa tiền ở mức trung bình. Lĩnh vực kế toán, kiểm toán lĩnh vực kế toán, kiểm toán; Lĩnh vực luật sư, công chứng trong lĩnh vực luật sư, công chứng và lĩnh vực các tổ chức tài chính khác nguy cơ rửa tiền ở mức thấp.
Kết quả của đợt tự đánh giá này phần nào chỉ ra cho chúng ta thấy ai, lĩnh vực nào có thể rửa tiền. Tuy nhiên, thực tế không chỉ Việt Nam mà bất kỳ một quốc gia đang phát triển, một nền kinh tế tiền mặt nào cũng đều có những điều kiện, cơ hội tốt cho tội phạm rửa tiền. Và ngay cả ở những nước phát triển thì tội phạm rửa tiền còn lớn và tinh vi hơn. Đây là một trong những lý do vì sao Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) được thành lập (năm 1997), hiện có 41 thành viên và một số các quan sát viên quốc tế và khu vực.
Việt Nam gia nhập APG vào tháng 5/2007. Năm 2008, Việt Nam đã trải qua vòng đánh giá đa phương về cơ chế chống rửa tiền, tài trợ khủng bố theo 40+9 Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (FATF).
Việt Nam hiện đang là quan sát viên của Nhóm Các đơn vị tình báo tài chính Egmont và đang thực hiện các thủ tục xin gia nhập nhóm này. Cùng với đó chúng ta đã ký kết và gia nhập nhiều điều ước quốc tế và khu vực về chống tội phạm nói chung và chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố nói riêng.
Trong nước, Ban chỉ đạo phòng, chống rửa tiền (PCRT) gồm đại diện lãnh đạo của 16 bộ, ngành được thành lập tháng 4/2009. NHNN là Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo. Cục Phòng, chống rửa tiền được thành lập từ cuối năm 2005 và được cơ cấu lại năm 2009 (trực thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - NHNN). Về khuôn khổ pháp luật về PCRT, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 đã sửa đổi, bổ sung Điều 251 thành “Tội rửa tiền”.
Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 tiếp tục có những sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp hơn với các chuẩn mực quốc tế về PCRT. Luật Phòng, chống rửa tiền đã được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. FATF thừa nhận Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý đáp ứng toàn diện các chuẩn mực quốc tế về PCRT, tài trợ khủng bố.
Với tư cách là thành viên của theo kế hoạch đánh đa phương về cơ chế chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố đối với các nước thành viên, Việt Nam sẽ trải qua đánh giá đa phương của APG vào quý IV/2019. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, để chuẩn bị cho đợt đánh giá đa phương là một khối lượng công việc rất lớn. Lần đánh giá này là một thách thức đối với Việt Nam nhưng cũng là cơ hội lớn giúp Việt Nam đánh giá đúng thực trạng, xác định được điểm mạnh, điểm yếu trong cơ chế PCRT, tài trợ khủng bố của mình, từ đó có những giải pháp phù hợp đảm bảo cho sự phát triển ổn định, lành mạnh, an toàn và bền vững trên cơ sở tuân thủ các khuyến nghị của FATF có hiệu quả…
Không ít người sẽ nghĩ rằng đáp ứng những yêu cầu của APG là việc quốc gia, đại sự… chứ những người dân bình thường, làm công ăn lương thì lấy đâu tiền mà “rửa”, mà tài trợ khủng bố. Nhưng nếu không hiểu, không biết và làm theo những quy định của pháp luật thì bất cứ người dân lương thiện nào cũng có thể vô tình tiếp tay hoặc bị biến thành công cụ cho tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Do đó, cùng với những biện pháp kiểm tra, giám sát, thu thập thông tin… đối với những ngành, lĩnh vực có nguy cơ về rửa tiền, tài trợ khủng bố thì công tác truyền thông về PCRT đến toàn dân là rất cần thiết.