Ai quản lý nợ công
Quản lý phân tán, vay nợ nhưng không có phương án trả nợ
“Kho bạc Nhà nước chưa cung cấp được cho Kiểm toán Nhà nước (KTNN) số liệu về tình hình vay, trả, dư nợ và số trái phiếu Chính phủ còn dư chưa sử dụng”, đó là một câu được trích từ Báo cáo kiểm toán về niên độ ngân sách năm 2010 của KTNN. Trong báo cáo KTNN cho biết “Theo báo cáo của KBNN, số dư nợ TPCP cuối năm 2010 là 170.770 tỷ đồng”. Đến KTNN, sau khi kiểm toán cũng còn không nắm được tình hình vay, trả, dư nợ… như trong báo cáo đã nêu một lần nữa cho thấy việc khó có được số liệu chính thống và đầy đủ về vấn đề nợ công.
Cơ cấu dư nợ công giai đoạn 2001 - 2010 (%)
Chính phủ đang nợ bao nhiêu
Tháng trước, một phó vụ trưởng theo dõi về lĩnh vực tài chính ngân hàng ở một cơ quan bộ đã rất vất vả “truy tìm” số liệu vay nợ nước ngoài của DN, đặt trong tổng thể nợ quốc gia để tư vấn với cấp bộ. Trước đây từng có tình huống, một thành viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và một chuyên gia tài chính đã “không thể thống nhất” về vấn đề: Chính phủ đang nợ bao nhiêu và nợ công an toàn hay đáng lo, bởi mỗi vị có một con số khác nhau.
Nợ được Chính phủ bảo lãnh có xu hướng tăng lên, từ 4% tổng dư nợ công năm 2001 lên 10% năm 2005 và 18,6% năm 2010, tương đương khoảng 11,6% GDP TS.Phạm Văn Hà - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính |
Một thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, lúc cần nắm bắt tình hình thì “gọi điện là các cơ quan chức năng cung cấp ngay” nhưng không thể lập tức tìm ra con số nợ công. Mặc dù Luật Quản lý nợ công năm 2009 đã quy định: “Bộ Tài chính thực hiện công khai thông tin về nợ công. Các thông tin về nợ công được công bố định kỳ trên trang Web của Bộ Tài chính và tại các Bản tin nợ do Bộ Tài chính phát hành”. Tuy nhiên sau gần 3 năm có Luật, trên trang Web của Bộ Tài chính mới chỉ có các bản tin công bố về nợ nước ngoài và bản tin mới nhất đăng trên đó là bản tin số 7 từ tháng 8/2011.
Thực trạng này được khẳng định trong bản báo cáo kiểm toán: Bộ Tài chính đã tổng hợp báo cáo thông tin nợ công nhưng chưa đầy đủ theo quy định của Luật về tình hình thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay được Chính phủ bảo lãnh. Báo cáo này cũng chưa công khai thông tin đầy đủ về tổng số dư nợ công, cơ cấu nợ trong nước, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, số liệu vốn vay thực nhận và trả nợ hàng năm. Hiện nợ công được giao cho Bộ Tài chính và Bộ giao cho Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Cục quản lý nợ) thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia. “Nhưng thực tế vẫn tổ chức quản lý phân tán, chưa có sự kết hợp giữa quản lý nợ trong nước và nợ ngoài nước”, KTNN cho biết. Nguyên nhân là Vụ Tài chính Ngân hàng quản lý bảo lãnh phát hành trái phiếu trong nước; Vụ Ngân sách nhà nước thực hiện và quản lý các khoản vay khác của NSNN; Kho bạc Nhà nước thực hiện quản lý trái phiếu Chính phủ; Cục quản lý nợ chỉ trực tiếp quản lý nợ nước ngoài của Chính phủ, bảo lãnh vay vốn nước ngoài và bảo lãnh vay vốn trong nước…
Nợ công – an toàn hay đáng lo?
Câu hỏi này đã nhiều lần được đặt ra và cũng nhận được nhiều ý kiến, nhận định trái chiều. Riêng một chuyện có được con số nợ đúng – đủ hay không cũng đã là một câu để trả lời có đáng lo hay không? Ngay trong bản báo cáo kết quả kiểm toán, không đọc được con số tổng nợ công của Chính phủ tính đến năm 2010 là bao nhiêu. Theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, tính đến ngày 31/12/2010, tổng số dư nợ công ở mức 1.122 nghìn tỷ đồng, tương đương 56,7% GDP năm 2010.
Đầu tư công của Việt Nam hiện ở mức 42% tổng giá trị đầu tư toàn xã hội và được coi là nguyên nhân chính khiến nợ công của Việt Nam tăng mạnh, tiềm ẩn nguy cơ gây khủng hoảng nợ. TS Nguyễn Đức Thành - Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách |
Nợ công rất đáng lo - nợ công có nhiều rủi ro – đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế. Đáng lo và rủi ro vì 3 vấn đề: Chi tiêu và đầu tư công kém hiệu quả; Một phần rất lớn nợ công là nợ của các DNNN chưa được đưa vào trong các thống kê về nợ công và khi không tính được hết các khoản nợ này thì cũng không thể quản lý rủi ro mà nó có thể gây ra; Nợ công tăng quá nhanh, trong khi thâm hụt ngân sách luôn ở mức rất cao. Điều này vi phạm một nguyên tắc cơ bản của quản lý nợ công, đó là nợ ngày hôm nay phải được trang trải bằng thặng dư ngân sách ngày mai.
Hơn nữa gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần cho biết những khoản nợ nước ngoài vay rồi gánh nặng đổ lên vai Chính phủ.
Ngay trong bản cáo cáo kiểm toán niên độ ngân sách 2010 cũng cho biết: Số tiền Bộ Tài chính ứng trả nợ thay cho các dự án, đơn vị được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài lũy kế đến 31/12/2009 là 1.364 tỷ đồng, năm 2010 là 1.675,6 tỷ đồng, năm 2011 là 2.436,8 tỷ đồng. Đến hết năm 2010, Luật Quản lý nợ công đã có hiệu lực 01 năm nhưng chưa có văn bản hướng dẫn về bảo lãnh của Chính phủ nên hầu hết các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh không có phương án vay và trả nợ; không có văn bản thẩm định phương án vay, trả nợ và cam kết của bên được bảo lãnh; Theo báo cáo của Bộ Tài chính số dư các khoản cho vay của các NHTM trong nước được Chính phủ bảo lãnh đến 31/12/2010 là 26.065 tỷ đồng (hầu hết là bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn ngoại tệ).
Đã vậy, đến 31/12/2010, có 62 dự án vay nợ được Chính phủ bảo lãnh, nhưng 35 dự án chưa có đăng ký tài sản thế chấp theo quy định, 39 dự án được bảo lãnh không có báo cáo, KTNN cho biết.
Chính phủ đang nợ bao nhiêu/Nợ công an toàn hay đáng lo vẫn là câu hỏi ngỏ?
Bách Lâm