An toàn vệ sinh thực phẩm: Nỗi lo không của riêng ai
Mất an toàn thực phẩm: Do thiếu tiền hay chính quyền thờ ơ? | |
2017 - Tiếp tục là năm cao điểm ATTP | |
Hãy là người tiêu dùng thông minh |
Không chỉ trước Tết mà thời điểm đầu xuân năm mới cũng là khoảng thời gian nhạy cảm đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên nhân là do các hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra nhiều, không chỉ tại Hà Nội mà các tỉnh thành trên cả nước có tới trên 1.000 lễ, hội tập trung vào mùa Xuân và thu hút lượng lớn khách du lịch, tham quan.
Vừa qua, Bộ Y tế đã có công văn tới các tỉnh, thành phố nhằm đôn đốc thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội Xuân 2017.
Theo đó, Ủy ban nhân dân, Ban tổ chức Lễ hội địa phương quy hoạch địa điểm, bố trí nguồn nước sạch, hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải bảo đảm an toàn phục vụ các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu vực lễ hội.
Đồng thời, triển khai mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cho tất cả các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, đặc biệt là không uống rượu không có nguồn gốc xuất xứ, không uống rượu của các cơ sở nấu rượu không có giấy phép, không đảm bảo kỹ thuật.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tập trung tuyên truyền các biện pháp bảo đảm ATTP, về vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm.
Tuy nhiên, mặc cho các cơ quan chức năng đã tăng cường chỉ đạo và quản lý nhưng người tiêu dùng vẫn không thôi lo lắng về vấn đề vệ sinh ATTP bởi trên thực tế, nhiều cửa hàng, đơn vị sản xuất đôi khi “vì cái lợi trước mắt” mà đã lờ đi các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm.
Minh chứng mới đây nhất là vụ việc xảy ra tại huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang ngày 13/2 khiến cho gần 100 người bị ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân là do thức ăn bị nhiễm khuẩn salmonella. Đây là loại vi khuẩn đường ruột gây ra các triệu chứng đau bụng, đi ngoài, buồn nôn.
Các yếu tố khiến thực phẩm nhiễm khuẩn là do không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu bảo quản, chế biến các món ăn hoặc do thực phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, chăn nuôi trong điều kiện không đảm bảo.
Số liệu thống kê cho hay, trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán vừa qua, phòng Cảnh sát môi trường - Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện và xử lý gần 400 vụ thực phẩm bẩn, trong đó có hàng tấn nội tạng động vật nhập khẩu đã hết hạn sử dụng, thịt trâu được ngâm hóa chất để biến thành thịt bò và hàng chục mẫu rau có chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép...
Trong một cuộc chia sẻ với báo chí, ông Trần Văn Chung Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, 1/3 trong số các cơ sở được kiểm tra vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đã bị xử phạt với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng đã phản ánh thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết và Lễ hội tại Hà Nội năm nay còn nhiều tồn tại cần chấn chỉnh.
Chị Hoàng Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: “Dù có mua các loại thực phẩm rau củ và thịt, cá trong siêu thị nhưng chúng tôi cũng không thể kiểm tra được các loại thực phẩm này có đảm bảo hay không. Đành tự động viên rằng hàng hóa siêu thị được kiểm soát chặt chẽ thì sẽ an toàn hơn. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện mua hàng hóa trong siêu thị, đôi khi nhỡ bữa phải chạy ra chợ mua đồ thì cũng rất lo lắng về chất lượng”.
Bạn Tuấn Minh (Sinh viên ĐH Thủy Lợi, Hà Nội) chia sẻ: “Sinh viên chúng em thì chủ yếu mua rau thịt ngoài chợ cóc, chợ gần nhà. Gạo thì mang ở quê ra. Thịt ở chợ thì tất nhiên không thể kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng. Tùy vào kinh nghiệm cá nhân mà chọn loại nào cảm thấy an toàn thôi, còn chất lượng thì không thể nào biết được”.
Như vậy, dù có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng thì vẫn còn tồn tại không ít những trường hợp “lách luật”, vì lợi nhuận mà coi thường tính mạng của người tiêu dùng. Và, người tiêu dùng Việt Nam vẫn loay hoay tìm cách bảo vệ mình trước tình trạng mất an toàn của thực phẩm.