Mất an toàn thực phẩm: Do thiếu tiền hay chính quyền thờ ơ?
2017 - Tiếp tục là năm cao điểm ATTP | |
Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm |
Kiểm tra nhiều, phạt chẳng bao nhiêu
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết tình hình vi phạm ATTP hiện nay rất nghiêm trọng và “ngay khi chúng ta ngồi họp đây, ở Lai Châu vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng khiến 8 người đã chết…”.
Câu hỏi cũng được ông Hiển đặt ra là, tình hình ATTP tại nhiều địa phương đã đến mức báo động, thậm chí ở một vài địa phương ở ngưỡng báo động đỏ, vậy trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thế nào?
Tình trạng mất ATTP hiện nay rất đáng báo động |
Một vấn đề khác là thanh tra, kiểm tra rất nhiều, như báo cáo của Bộ Y tế, trong 5 năm qua đã thành lập 150 nghìn đoàn và bình quân 1 năm có 30 nghìn đoàn thanh tra, kiểm tra trên 3 triệu cơ sở, phát hiện trên 60 nghìn cơ sở có vi phạm, nhưng không thấy khẳng định trong tổng số các sản phẩm hàng hóa thì kiểm soát được bao nhiêu. Tính ra mỗi vụ vi phạm chỉ phạt được… 200 nghìn đồng, trong khi đó có những vụ vi phạm rất nghiêm trọng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển còn dẫn ra những vụ việc rất phổ biến nhưng không hề được chấn chỉnh, như mới đây báo chí nêu vụ ruốc chỉ 1/3 là ruốc, còn lại là… bột!
Trong khi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Phùng Đức Tiến nêu lên thực tế, là ở một số cơ sở cùng lúc có 3 bộ tới thanh tra, rất phiền hà cho DN, mà cũng không phát hiện được vi phạm gì! Bên cạnh đó, là thực trạng cán bộ chuyên môn lơ mơ về các quy định; Liên kết “các nhà” trong đảm bảo vệ sinh ATTP được nhắc đến nhiều nhưng vẫn rất lỏng lẻo.
Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị cần làm rõ tình trạng “diễn” và đối phó với các đoàn ở cơ sở.
Báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp cũng cho biết, kết quả khảo sát liên tục từ năm 2011 đến 2016, toàn quốc đã ghi nhận hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 30 nghìn người mắc, trong đó có 164 người chết. Như vậy, tính trung bình có gần 170 vụ với hơn 5 nghìn người mắc và gần 30 người chết do ngộ độc thực phẩm mỗi năm. Báo cáo cũng ghi nhận nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể vẫn còn rất cao.
Đồng loạt kêu khó vì thiếu tiền
Nguyên nhân được các bộ trình bày thì rất nhiều nhưng tựu trung lại có hai vấn đề lớn là do thiếu tiền và do chính quyền các địa phương chưa thực hiện tốt các quy định hiện nay về ATVSTP. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, kinh phí bộ được cấp để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về ATTP giai đoạn 2011- 2015 chỉ đạt 29,68% kế hoạch đề xuất, gây nên khó khăn lớn trong việc quản lý ATTP.
Tương tự, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, kinh phí cấp cho hoạt động quản lý ATTP của ngành Công Thương cũng rất hạn chế. Cụ thể, tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động đảm bảo ATTP của ngành giai đoạn 2011- 2015 (5 năm) chỉ có 101 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì bày tỏ, mặc dù đã được Chính phủ quan tâm, nhưng kinh phí đầu tư cho công tác quản lý ATTP ở Việt Nam còn rất thấp.
“Giai đoạn 2001 – 2005, chi phí cho quản lý ATTP của Việt Nam chỉ bằng 1/25 của Thái Lan (Thái Lan là 1USD/người/năm còn Việt Nam là 780 đồng/người/năm). Giai đoạn 2011 - 2015 bình quân đầu người mới chỉ đạt khoảng 2.800 đồng/người/năm, trong khi tại Bắc Kinh, mỗi năm thành phố chi trên 100.000 đồng/người. Năm 2016, dự án ATTP thuộc chương trình mục tiêu y tế dân số dự kiến được cấp 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên đến tháng 11/2016, dự án mới được tạm ứng 64 tỷ đồng, nội dung hoạt động tại Trung ương vẫn chưa được phê duyệt”, bà Tiến phân trần đồng thời khẳng định: “Báo động đỏ về ATTP thì đương nhiên trách nhiệm phải thuộc về 3 bộ, nhưng trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng cần được nhấn mạnh. Ví dụ trong vụ ngộ độc rượu vừa xảy ra ở Lai Châu thì chắc chắn chính quyền, công an quản lý khu vực phải biết, thế nhưng không có hành động ngăn chặn”.
Một điểm nữa theo bà Tiến nếu không có đổi mới thì sẽ rất khó chuyển biến cho công việc này, là đội ngũ thanh tra chuyên ngành phải được tăng cường. Riêng thanh tra chuyên ngành như ở Bangkok là 3000 người, trong khi chúng ta còn quá ít. Về xử phạt, bà đề nghị Quốc hội sửa luật, tăng hình phạt, một số vụ phải được xử lý hình sự, đồng thời xã hội hóa một số quy trình để chuyển tình trạng “báo động đỏ” hiện nay sang mức “báo động vàng”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường giải trình về tình trạng thanh tra kiểm tra số lượng nhiều nhưng vi phạm ATTP vẫn nghiêm trọng, là do “mức xử phạt chưa đủ khiến cơ sở vi phạm sợ”.
Cụ thể, bộ đã xử phạt 24,4 tỷ đồng, tính bình quân mỗi cơ sở phạt 50 triệu đồng, vụ lớn nhất xử phạt mới chỉ 470 triệu đồng. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thì nêu quan điểm “đáng báo động trước tình trạng vi phạm ATTP, nhưng chỉ ở một số địa phương, một số sản phẩm.
Nhìn tổng thể cả nước thì cần thận trọng khi cho rằng đáng báo động đỏ. Nếu quả thực như vậy thì làm sao trong năm qua chúng ta xuất khẩu được 32,1 tỷ USD trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó xuất khẩu thủy sản hơn 7 tỷ USD”.
Tuy nhiên, ông Khánh bày tỏ sự đau lòng trước thực trạng “con người đầu độc con người” bằng thực phẩm bẩn và nhấn mạnh, chính quyền địa phương nào có quan tâm chỉ đạo, tình hình sẽ khác hẳn. Ví dụ những sơ sở giết mổ ở Đồng Nai thực hiện rất tốt ATTP, tại sao các địa phương khác không làm được?
Ông Nguyễn Mai Bộ, thành viên đoàn giám sát thì rất xót xa khi hàng loạt dây chuyền lò mổ tập trung vay vốn ADB, nhưng không đúng quy cách nên phải đắp chiếu, mạng nhện giăng đầy. Ông cho rằng chúng ta cứ nói thiếu chế tài về hình sự là chưa phải. Các văn bản pháp luật đã quy định rất đầy đủ, nhưng vấn đề là những người có trách nhiệm không thi hành.
Để xảy ra các vụ mất ATTP ở các địa phương, trách nhiệm của các bộ là rất lớn. Vấn đề hiện nay là làm sao để các địa phương phải thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP, chứ không nên đổ lỗi cho các quy định của pháp luật.