Basel II: Không dễ nhưng quyết tâm làm được
Áp dụng Basel II để phát triển bền vững tránh không bị sốc | |
Chủ động từ nhu cầu quản trị nội bộ | |
Cần vượt thách thức trong triển khai Basel II |
Việc áp dụng Basel II tại các NHTM vừa là một xu thế phù hợp, vừa là một yêu cầu tất yếu.
Quyết tâm thực hiện
Trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hoá, các NHTM phải chủ động nhận thức và sẵn sàng tham gia vào quá trình hội nhập để có thể biến những thách thức thành cơ hội, biến những khó khăn thành lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của các NH. Việc áp dụng Basel II tại các NHTM vì thế vừa là một xu thế phù hợp, vừa là một yêu cầu tất yếu.
Từ cách đây hơn 10 năm, định hướng triển khai thực hiện Basel II tại Việt Nam đã được NHNN xác định là một trong những trọng tâm của ngành NH tại Đề án “Phát triển ngành NH Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Trên cơ sở định hướng này và căn cứ vào mức độ quan tâm, sự sẵn sàng của các NH cũng như đảm bảo tính đa dạng về quy mô và loại hình sở hữu, NHNN đã có Công văn số 1601/NHNN-TTGSNH ngày 17/3/2014 lựa chọn 10 NH trong nước thí điểm triển khai Basel II, tiến tới thực hiện triển khai áp dụng Basel II đối với tất cả các NH trong nước.
Nỗ lực thực hiện Basel II đúng lộ trình đặt ra |
Đồng thời, để thực hiện tinh thần Công văn 1601, NHNN đã ban hành khung khổ pháp lý cần thiết hướng dẫn các NH thực hiện đầy đủ các trụ cột của Basel II (gồm 3 trụ cột: Đảm bảo đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn; Nâng cao năng lực điều hành, quản trị rủi ro của các NH và trách nhiệm thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý; Tuân thủ kỷ luật thị trường, minh bạch thông tin về tình hình hoạt động NH). Đặc biệt được thể hiện tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Đề án 1058).
Theo TS. Phan Hữu Việt, có thể nói trong thời gian vừa qua, NHNN đã triển khai đồng bộ các hành động cụ thể nhằm hướng dẫn 10 NH thí điểm thực hiện Basel II. Các NH được chọn thí điểm cũng xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao khả năng tài chính, năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát của các NH.
Theo đó, các NH thí điểm Basel II đến nay đã tiến hành được nhiều phần việc như thành lập Ban quản lý dự án triển khai Basel II (PMO) để điều phối công việc giữa các đơn vị, bộ phận liên quan; Thực hiện phân tích, đánh giá chênh lệch thực trạng hiện tại (về dữ liệu, quản trị, công nghệ thông tin…) so với yêu cầu của Basel II theo hướng dẫn của NHNN để từ đó xây dựng kế hoạch tổng thể nhằm thu hẹp chênh lệch; làm quen với việc tính toán vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II; xây dựng các mô hình, công cụ đo lường rủi ro; xây dựng kho dữ liệu tập trung…
Các NH được chọn thí điểm Basel II cũng đang gấp rút triển khai các dự án để đáp ứng lộ trình triển khai Basel II theo Ban chỉ đạo Basel II ngành NH, phấn đấu sẽ thực hiện theo phương pháp tiêu chuẩn từ 1/1/2019, sớm hơn 1 năm so với thời hạn hiệu lực của Thông tư 41 (quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với NH theo phương pháp tiêu chuẩn).
Cần sự chủ động của các NH
Tuy nhiên theo TS. Lê Công, Phó chủ tịch HĐQT NHTMCP Quân đội (MB), các NH còn gặp nhiều khó khăn trong đáp ứng vốn theo quy định, tập hợp và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, nguồn lực (con người và tài chính) và còn những hạn chế trong ứng dụng các kết quả Basel II vào hoạt động quản trị, kinh doanh và vận hành.
Trong đó, TS. Lê Công cho rằng, tập hợp và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu là một trong nhưng thách thức lớn nhất. Bởi để xây dựng được các mô hình lượng hóa rủi ro theo yêu cầu của Basel II, các NH cần phải sử dụng một khối lượng lớn dữ liệu được thu thập trong một thời gian dài. Tuy nhiên với hầu hết các NH, dữ liệu còn rất thiếu hoặc chủ yếu ở dạng “thô”, chưa được “tinh” hóa đầy đủ trên hệ thống phần mềm hoặc được đồng bộ hóa, cập nhật khi lưu trữ.
Đây cũng là vấn đề được bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) nêu ra tại Hội thảo “Áp dụng Basel II trong quản trị rủi ro của các NHTM Việt Nam: Cơ hội, thách thức và lộ trình thực hiện” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 14/12/2017 khi cho rằng, dữ liệu thì đã có nhưng để tập hợp về kho và chuẩn hóa là công việc không đơn giản.
Theo đó, để tập hợp và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu theo chuẩn của Basel II sẽ phụ thuộc vào số lượng dữ liệu (các trường dữ liệu) và độ dài dữ liệu. Đơn cử, nếu độ dài dữ liệu chỉ có được từ 3-5 năm thì cơ sở dữ liệu vẫn bị hổng hoặc chưa phản ánh được đầy đủ bản chất. Theo bà Sơn, chính vì lẽ đó mà việc chủ động cập nhật dữ liệu là rất cần thiết.
Trong thời gian tới, theo TS. Lê Công, bên cạnh các giải pháp về tăng vốn, các NHTM cần triển khai các giải pháp nhằm tối ưu hóa danh mục tài sản có rủi ro theo hướng áp dụng những thông lệ tốt trong quản trị kinh doanh, xác lập kinh doanh theo hướng cân bằng thu nhập - rủi ro, tái cơ cấu NH gắn với xử lý nợ xấu. Cùng với đó, cần phối hợp với Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc xây dựng mô hình lượng hóa rủi ro toàn ngành.
Đồng thời, nghiên cứu triển khai khung quản trị dữ liệu để quy hoạch hiệu quả việc tạo lập, quản lý, bảo mật dữ liệu, phục vụ cho việc khai thác dữ liệu xây dựng các mô hình lượng hóa rủi ro cũng như trong quá trình ra các quyết định kinh doanh. Việc xây dựng các kế hoạch liên quan trực tiếp đến việc triển khai Basel II như về tài chính, công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực, truyền thông nâng cao nhận thức về Basel II… cũng vô cùng quan trọng.
Mặt khác, từ đề cập của bà Nguyễn Thị Thanh Sơn cũng cho thấy, ngay cả với những NH không được chọn thí điểm triển khai Basel II thì việc chủ động chuẩn bị để đáp ứng được các tiêu chuẩn theo Basel II khi NHNN yêu cầu là rất cần thiết. Đơn cử trong vấn đề tăng vốn, muốn có được vốn thì phải lập kế hoạch và kế hoạch này không chỉ lập trong 1 năm là thực hiện được mà cần có lộ trình trung và dài hạn cho 3-5 năm. Hay các NH ngay từ lúc này cũng cần có các bước chuẩn bị chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để sẵn sàng cho triển khai Basel II.
Cùng với sự chủ động từ phía các NHTM, các ý kiến cũng đề xuất NHNN tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, hướng dẫn các NH triển khai Basel II, đặc biệt là các hướng dẫn về các vấn đề mới như xây dựng mô hình, triển khai các bài “stress Test”… dựa trên các thông lệ tốt của quốc tế. Và trong quá trình các NH thực hiện Basel II, NHNN cần phối hợp chặt chẽ để kịp thời có các chỉ đạo, xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh để đảm bảo thực hiện thành công lộ trình triển khai Basel II đã đề ra.