Chủ động từ nhu cầu quản trị nội bộ
Ngân hàng áp dụng Basel II lưu ý kiểm toán nội bộ mới | |
Sẵn sàng cho sân chơi quốc tế | |
Bước tiến mới đến Basel 2 |
Bà Phạm Thị Trung Hà |
MB được chọn là một trong 10 ngân hàng thí điểm triển khai Basel 2. Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc kiêm Phó ban chỉ đạo dự án Basel 2 tại MB cho rằng thách thức khi triển khai Basel 2 đối với các NHTM tại Việt Nam khá nhiều và cũng sẽ phụ thuộc vào đặc thù của từng ngân hàng như nguồn nhân lực có trình độ, sự cam kết của ban lãnh đạo…
Cụ thể những thách thức đó là gì, thưa bà?
Hầu hết các NH đều sẽ đối mặt với hai thách thức lớn nhất. Đầu tiên nằm ở năng lực tài chính, có thể được nhìn nhận theo hai khía cạnh. Một là năng lực tăng vốn, hai là khả năng đầu tư nguồn ngân sách lớn để triển khai Basel 2. Về khía cạnh vốn, vấn đề đặt ra cho các NH là làm thế nào để tăng vốn đáp ứng yêu cầu về hệ số CAR khi CAR tính toán theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN (TT41) giảm từ 30 - 40% so với Thông tư 36 và Thông tư 06.
Thời gian qua, các NHTM trên thị trường đã rất ráo riết thực hiện nhiều giải pháp tăng vốn như: tăng vốn điều lệ, trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành trái phiếu dài hạn… Về khía cạnh ngân sách đầu tư cho Basel 2, sẽ có dao động giữa các NHTM, tùy thuộc vào mức độ tự làm/tự triển khai và thuê mua bên ngoài. Tuy nhiên, để đảm bảo lộ trình của NHNN cũng như đạt được lợi thế cạnh tranh so với các TCTD khác, hầu hết NH đều phải đầu tư hàng triệu, thậm chí chục triệu USD để thuê đối tác xây mô hình đo lường rủi ro, tái thiết kế quy trình, mua các phần mềm.
Hai là, cơ sở dữ liệu chưa được chuẩn hóa, chưa đảm bảo chất lượng cho việc xây dựng các mô hình đo lường rủi ro và thiết lập hệ thống báo cáo quản trị phục vụ giám sát rủi ro và ra các quyết định kinh doanh cân bằng thu nhập - rủi ro. Tại nhiều NH, dữ liệu còn thiế́u hoặc chủ yếu ở dạng hồ sơ bản giấy, chưa được ghi nhận đầy đủ trên hệ thống phần mềm hoặc chưa được đồng bộ hóa, cập nhật thường xuyên khi lưu trên các hệ thống khác nhau. Ngoài ra, vấn đề thu thập đủ dữ liệu thị trường, dữ liệu khách hàng cho việc xây dựng các mô hình lượng hóa rủi ro cũng là thách thức lớn cho các NH tại Việt Nam khi tính minh bạch thông tin còn thấp.
Việc áp dụng Basel 2 có thể giảm hệ số CAR của NH. Giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa bà?
Công thức để tính toán CAR là vốn tự có chia cho Tổng tài sản có rủi ro và CAR theo TT41 cần đảm bảo tối thiểu 8%. Về lý thuyết, muốn cải thiện CAR thì một là tăng vốn, hai là giảm tài sản có rủi ro.
Về việc tăng vốn, như tôi đã đề cập, các NH có thể thực hiện đa dạng các giải pháp để tăng vốn với thời gian thực hiện khác nhau. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh là tăng vốn chỉ là bước đầu. Quan trọng chính là sử dụng phần vốn tăng được như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất, đáp ứng được kỳ vọng về lợi nhuận của cổ đông, cũng như bù đắp được các chi phí trả lãi trong trường hợp tăng vốn thông qua hình thức phát hành công cụ nợ thứ cấp dài hạn.
MB đang trong quá trình chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện Basel 2 |
Về giải pháp giảm tài sản có rủi ro, theo tôi nên đặt vấn đề theo khía cạnh tối ưu hóa tài sản có rủi ro. Vì thực tế các NH đều phải đáp ứng kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản, dư nợ hàng năm và do đó sẽ đi cùng với việc tăng tài sản có rủi ro. Vậy cần kiểm soát tăng như thế nào để tối ưu nhất. Nếu là tài sản có hệ số rủi ro 100% thì 100 đồng tài sản chỉ cần dự trữ 8 đồng vốn. Nhưng nếu là tài sản có hệ số rủi ro 200% thì 100 đồng tài sản sẽ cần có 16 đồng vốn dự trữ.
Bên cạnh đó, các vấn đề như tăng cường giám sát sau giải ngân, định giá phù hợp với rủi ro, cấp và quản lý việc sử dụng hạn mức tín dụng… cũng cần được các NH quan tâm, đặc biệt là cần phải triển khai đồng bộ trong hệ thống NHTM Việt Nam. Việc này sẽ tác động tới mối quan hệ giữa NH và khách hàng. Do đó, nếu chỉ một số NH áp dụng chuẩn mực này thì khách hàng vẫn có thể lựa chọn vay tại NH khác khi họ không phải đáp ứng nhiều yêu cầu về quản lý và giám sát khách hàng.
Ngoài ra, theo TT41 thì tổng tài sản có rủi ro còn tính cho cả rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường nên cũng sẽ đặt ra cho NH bài toán làm thế nào để kiểm soát hai danh mục này, đặc biệt là danh mục trading là nơi tiềm ẩn rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng đối tác.
Vậy MB đã, đang triển khai những gì trong lộ trình áp dụng Basel 2?
Xuất phát từ nhu cầu quản trị nội bộ, MB đã bắt tay nghiên cứu và triển khai Basel 2 từ trước khi NHNN chính thức ban hành TT 41. Năm 2012, MB đã thuê tư vấn Deloitte để xây dựng khung quản trị rủi ro hoạt động gồm chiến lược, chính sách, khẩu vị rủi ro hoạt động và quy trình thực hiện ba công cụ rủi ro hoạt động là LDC, RCSA và KRI.
Đến năm 2014, MB đã phố́i hợp với Công ty Ernst& Young Singapore để thực hiện dự án phân tích khoảng cách và xây dựng lộ trình triể̉n khai Basel 2. Trong lộ trình này bên cạnh việc tuân thủ lộ trình của NHNN, chúng tôi cũng xác định 25 cấu phần MB cần chủ động thực hiện, trong đó có một số cấu phần quan trọng như: Ban hành các văn bản quản trị rủi ro trọng yếu (Khẩu vị rủi ro, mô hình 3 vòng bảo vệ…); Dự án xây dựng mô hình lượng hóa rủi ro tín dụng (A, B scorecard, PD, LGD, EAD) với đối tác Experian; xây dựng Khung quản trị rủi ro thị trường/thanh khoản/lãi suất trên sổ NH; Quản trị dữ liệu; Khung quản trị rủi ro công nghệ…
Đồng thời, MB đang trong quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết để thực hiện tính vốn cho rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động theo phương pháp nâng cao. Chúng tôi cũng đang thực hiện quy trình đánh giá nội bộ mức đủ vốn (ICAAP) theo yêu cầu của Basel 2.
Xin trân trọng cảm ơn bà!