Bất an với hồ tiêu
Phát triển quá nhanh
Thực tế, do giá hồ tiêu trên thị trường đang ở mức khá cao so với nhiều cây trồng công nghiệp khác, nên tốc độ phát triển loại cây này đang diễn ra quá “nóng” tại Tây Nguyên.
Vườn tiêu của gia đình ông Đặng Ngọc Tâm trước đây từng trồng cà phê |
Tỉnh Đắk Nông, một trong những địa phương có diện tích trồng hồ tiêu tương đối lớn ở Tây Nguyên. Tính đến tháng 3/2016, tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh lên tới 17.304 ha. Trong khi, theo quy hoạch của địa phương đến năm 2020, diện tích cây hồ tiêu chỉ dừng lại ở mức khoảng trên dưới 10.000 ha. Đặc biệt, trong năm 2015, diện tích tiêu trồng mới đã lên đến trên dưới 2.500 ha. Hồ tiêu được phát triển nhanh ở các huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Chư Jút...
Tại huyện Đắk Song một trong những “thủ phủ” trồng tiêu ở Tây Nguyên. Toàn huyện hiện có khoảng 8.000 ha hồ tiêu. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Hữu Tầm, Chủ tịch UBND xã Nâm Njang, đây chỉ là con số áng chừng chứ việc thống kê chính xác diện tích hồ tiêu trên địa bàn là rất khó.
Bởi, con số thực tế thì lớn hơn khi rất nhiều hộ dân mở mới bằng việc xen canh, xâm canh, mở mới theo hình thức trồng cuốn chiếu. Mặc dù, những năm gần đây các cấp chính quyền ở địa phương đã ra sức khuyến cáo người dân không phát triển thêm cây hồ tiêu, chỉ động viên bà con giữ vững, chăm sóc tốt diện tích hiện có nhưng năm nào diện tích trồng mới cũng tăng cao.
Diện tích hồ tiêu tăng nhanh do hồ tiêu đang là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân phát triển một cách nhanh chóng. Tại gia đình ông Đặng Ngọc Tâm ở xã Đắk Nrung (Đắk Song), có diện tích khoảng 7 ha trồng cà phê và hồ tiêu. Gần đây, khi giá hồ tiêu trên thị trường lên ở mức cao, có thời điểm lên đến 250 nghìn đồng/kg, ông đã chặt bỏ dần cây cà phê, mặc dù đang thời kỳ sinh trưởng tốt để chuyển dần sang trồng hồ tiêu.
Ông Tâm tâm sự, nhiều lúc cũng liều chứ không dám chắc là cây tiêu sẽ phát triển bền vững. Bởi vì không nói đâu xa, một số hộ trên địa bàn xã có kinh nghiệm trồng tiêu lâu năm nhưng cũng bị chết hàng loạt mà không có cách nào cứu chữa. Tương tự, ông Phan Thanh Thân ở thôn 3 xã N’ Jang, cũng đang tiến hành chặt bỏ 3 ha đang trồng cà phê để chuyển sang trồng cây hồ tiêu.
Mặc dù, gia đình cũng đã có 5 ha hồ tiêu với gần 7.000 trụ tiêu. Với mức giá của cà phê hiện nay giao động trong khoảng 30-32 nghìn đồng/kg thì theo lý giải của ông Thân, nếu trồng cà phê công sức bỏ ra rất nhiều, nhưng lợi nhuận thu về rất ít nếu so với trồng cây hồ tiêu…
Với bài toán kinh tế, việc hồ tiêu tiếp tục phát triển “nóng” trong thời gian tới là hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi, người dân vẫn đang đua nhau trồng, trong khi chính quyền chưa có một chế tài đủ mạnh có thể ngăn cấm, hạn chế việc phát triển cây hồ tiêu mà chỉ dừng ở mức độ vận động, tuyên truyền.
Tiềm ẩn những rủi ro
Trước vấn đề cây hồ tiêu phát triển quá nhanh, theo các cơ quan chức năng sẽ dẫn đến tiềm ẩn những rủi ro. Trong đó, nhức nhối là vấn đề sâu bệnh khi trên địa bàn Đắk Nông nói riêng và cả Tây Nguyên, hiện có nhiều diện tích cây hồ tiêu được trồng tràn lan trên những loại đất không phù hợp với cây tiêu. Đặc biệt, khi trên thị trường hồ tiêu thế giới cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng rớt giá sâu do cung vượt cầu hoàn toàn có thể xảy ra trong vài năm tới.
Hồ tiêu là cây trồng đòi hỏi kỹ thuật cao, và khi xảy ra dịch bệnh cũng rất khó kiểm soát so với các loại cây công nghiệp khác. Tuy nhiên, thực tế hiện nay do phát triển quá nhanh, cho nên người sản xuất tiêu giống vì lợi nhuận sẽ không tuân thủ các biện pháp kỹ thuật. Như vậy cây tiêu giống đã mang mầm bệnh từ trong vườn ươm, khi đưa ra trồng phần lớn các vườn tiêu đều đã nhiễm bệnh. Tỷ lệ bệnh chết nhanh sẽ rất cao.
Trong năm 2015, tại Đắk Nông diện tích hồ tiêu đã bị chết do bệnh chết nhanh gây ra là trên 62 ha. Huyện Đắk R’lấp là địa phương có diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh nhiều nhất, với trên 460 ha và 32 ha đã bị chết. Diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh của huyện Đắk Song là 133 ha và có 16 ha đã bị chết.
Ngoài ra, hiện tại, vấn đề nghiên cứu và sản xuất giống hồ tiêu ở địa phương đang bỏ ngỏ, chủ yếu do người dân tự sản xuất để gia đình trồng nhưng do trồng ồ ạt nên nhiều người đã mua giống từ các tỉnh khác không rõ nguồn gốc càng khiến chất lượng cây hồ tiêu ngày cảng giảm sút.
Trồng không đúng kỹ thuật, chạy theo số lượng đang khiến thương hiệu hồ tiêu Việt Nam ngày càng mất giá trên thị trường thế giới. Thực tế, đã từng có tình trạng một số DN trong nước từng phải nhập tiêu từ các nước khác về để chế biến xuất khẩu vào các thị trường khó tính như, châu Âu, Nhật Bản…
Bởi, người sản xuất hồ tiêu quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hay sử dụng không đúng cách nên tỷ lệ hạt tiêu không đảm bảo an toàn khi xuất khẩu vào những thị trường này. Mới đây, Tây Ban Nha đã cảnh báo hạt tiêu đen nhập khẩu từ Việt Nam bị phát hiện có hàm lượng chất diệt nấm Carbendazim vượt quá giới hạn. Do vậy, thị trường này sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với việc nhập khẩu hạt tiêu đen từ Việt Nam, đây cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến giá thu mua tiêu trong nước trong thời gian qua.
Trong thực tế giá hồ tiêu có thời điểm lên đến 230 - 250 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, sau một thời gian cao ngất ngưởng thời gian gần đây giá hồ tiêu trên thị trường đang có dấu hiệu giảm sút.
Theo đó, hiện nay giá thu mua hồ tiêu tại Tây Nguyên dao động ở mức khoảng 150 đến 155 nghìn đồng/kg. Với mức giá này người trồng tiêu vẫn có lời, nhưng cũng đã gây ra những băn khoăn lo lắng đối với nhiều người. Bởi, không có một ai dám chắc giá tiêu sẽ không giảm nữa, trong bối cảnh cung đang vượt cầu như hiện nay.
Mùa mưa ở Tây Nguyên đang bắt đầu, đây là thời điểm người dân xuống giống trồng cây tiêu. Đặc biệt, nguy hiểm ở một số địa phương khi quỹ đất đã hết, nhiều người đã chặt bỏ những vườn cà phê, cao su… đang cho thu hoạch để trồng hồ tiêu. Nếu các cơ quan chức năng không có những biện pháp ngăn chặn quyết liệt thì, bài học khi giá cao su tăng cao nông dân bất chấp tất cả để chuyển sang trồng cao su và hiện nay đang “chết đứng”, có thể sẽ lặp lại với cây hồ tiêu…