Blockchain có thể thay thế ngân hàng và luật sư trong tương lai
Blockchain – xu hướng công nghệ mới? |
Theo báo cáo mới nhất về blockchain (sổ cái đại chúng) mang tên “Blockchain và tương lai ngành kế toán” của Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), công nghệ này đang tạo ra sự thay đổi trong hoạt động nghề nghiệp ở ngành tài chính - kế toán và có thể thay thế chức năng của ngân hàng cũng như nghề luật sư.'
Theo báo cáo này, các hợp đồng thông minh sử dụng các blockchain có thể dẫn đến sự phá vỡ hệ thống tài chính phổ biến. Với khả năng tương tác trực tiếp, công nghệ này có thể tiết kiệm cho các doanh nghiệp chi phí và nỗ lực kinh doanh với chủ sở hữu sổ cái và tăng tính minh bạch cũng như khả năng chống lại các tội phạm tài chính.
Ông David Lyford-Smith, Giám đốc kỹ thuật ICAEW cho biết: “Công nghệ blockchain có thể giúp các tổ chức làm việc cùng nhau mà không cần có các cơ quan trung gian nhưng vẫn có được sự tin tưởng. Đây có thể là sự thay đổi mang tính đột phá trong hoạt động kinh doanh. Nó sẽ có hiệu quả tức thì trên tất cả mọi thứ, từ lưu giữ hồ sơ đến quản lý chuỗi cung ứng, kế toán và kiểm toán. Nó có khả năng loại bỏ các tổ chức trung gian, tăng tính chắc chắn về giao dịch, giảm chi phí và mang đến cơ hội cho nhiều người tham gia”.
Blockchain là một sự thay đổi cơ bản trong cách lưu giữ và cập nhật hồ sơ tài chính, giống như “sổ ghi sổ phổ cập đầu vào”. Thay vì chỉ có một chủ sở hữu, các bản ghi blockchain truyền các bản sao giống nhau cho tất cả người dùng. Bất kỳ người tham gia vào sổ cái đều có thể theo dõi tất cả các giao dịch trước đó, cho phép tăng tính minh bạch và làm cho “kiểm toán viên tự kiểm soát” và các giao dịch có tính vĩnh cửu.
“Hiện tại, sự tin cậy của một sổ cái đến từ bộ điều khiển trung tâm. Với blockchain, bằng cách phân phối hồ sơ giữa người sử dụng, sự tin tưởng được thay thế bằng chính hệ thống lưu trữ bản ghi, điều đó có nghĩa là mức độ tin cậy cao hơn”, ông David Lyford-Smith cho biết.
Blockchain có tiềm năng được sử dụng trong một số lĩnh vực, như trong các hợp đồng thông minh, hòa giải giữa các ngân hàng và chuyển giao tài sản, chẳng hạn như đăng ký đất đai. Tuy nhiên, nó không chỉ được sử dụng trong kinh doanh. Theo ông David, điều này đặc biệt hấp dẫn trong trường hợp tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là then chốt.
Ví dụ, nếu chi tiêu viện trợ được thực hiện dựa trên công nghệ blockchain, người thụ hưởng được xác định dễ dàng thì điều này sẽ giúp những nhà tài trợ có sự tự tin hơn trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, có một số khó khăn và thách thức cần được khắc phục trước khi có thể khai thác hết những ứng dụng tiềm năng của blockchain. Điều này liên quan đến cả các khía cạnh như sức mạnh tính toán của máy tính với khả năng mã hóa cũng như vấn đề pháp lý… và quá trình này có thể phải mất hàng chục năm để nó được phát triển, chuẩn hóa và gắn liền với kiến trúc của Internet và hệ thống tài chính.