Bóng của hoa huệ
Viết nhân đọc bài thơ “Hoa huệ” của Bế Kiến Quốc
Hoa huệ trắng. Và bức tường cũng trắng
Sao bóng hoa trên tường lại đen?
Em đừng nhìn đi đâu, nữa em
Tôi không biết, vì sao, ai có lỗi
Nhưng sẽ mãi còn lại đây câu hỏi
Sao bóng hoa trên tường lại đen?
Thơ gợi lên cảnh lứa đôi, với hai nhân vật “anh anh, em em” đang phân trần về một “lỗi kỹ thuật” gì đó nảy sinh trong quan hệ mà rất khó làm sáng tỏ. Nhưng soi chẻ vào từng con chữ, ngẫm ngợi sâu xa lại thấy, dường như điều cốt yếu là tác giả dụng thủ pháp “vẽ mây nẩy trăng”, chữ “tình” chỉ là cái phông nền, mượn cảnh.
Thơ lấy màu sắc làm nền.
Hoa huệ trắng. Và bức tường cũng trắng
Sao bóng hoa trên tường lại đen?
Nhạc điệu và câu chữ của bài thơ không có gì đặc biệt. Điểm đặc biệt đáng nói về bài thơ này là sức phản ánh, biên biểu tượng.
Theo bản in trong tập Cuối rễ đầu nhành - NXB Hà Nội – 1994, bài thơ có sáu câu. Chỉ với sáu câu thơ, tác giả đã sử dụng lặp lại hai lần câu cho một câu hỏi: Sao bóng hoa trên tường lại đen? Đây là sự lãng phí chữ hay một dụng công nghệ thuật?
Hoa huệ: trắng, bức tường: trắng, và ánh sáng, như mắt thường nhận biết cũng là màu sáng trắng. Màu sắc từ nguyên mẫu tới màu sắc của các đối tượng tương giao đều là màu trắng, vậy mà sao màu sắc được phản ánh, in lại trên bức tường trắng kia lại thành ra đen? Quả là đã có sự khác biệt lớn, không thể không gây nghi vấn. Sự nghi vấn về kết quả, khả năng phản ánh và sự nghi vấn, tất yếu, đặt lại cả về bản chất thực của nguyên mẫu. Thế mới sinh một ám ảnh, một lo âu trong chữ "mãi" - sẽ mãi còn lại đây câu hỏi... Một lo âu, ám ảnh lâu dài, hết sức bí ẩn đang đồng hành, hiện hành trong đời sống!
Thêm nữa, huệ là loài hoa mang trong nó quan niệm về tín ngưỡng. Ngày giỗ Tết, bái viếng hương hồn người thân, hoa huệ thường được dùng làm đồ thờ phụng. Nghĩa hồn thơ ám ảnh về cả điềm gì đó vốn được coi là căn cốt, cao quý (!).
Thơ lấy màu sắc làm nền, lấy hiện tượng làm ý tưởng. Để rồi từ nền tảng ý tưởng ấy, trường liên tưởng, biên biểu tượng vấn đề mới lan tỏa, ôm trùm lên cả cõi sống. Một cõi sống đầy ám ảnh, gây hồ nghi và mang dự cảm về sự biến đổi bản chất. Dự cảm là một chức năng sâu thẳm và quan thiết của sáng tạo nghệ thuật thơ văn.
Sau mấy chục năm, trải qua những biến cải nhân tình, đọc lại khúc thơ này, quả thực tôi rất xúc động và cảm phục về sức biểu cảm, dự cảm của nó.
Đỗ Trọng Khơi