Brazil, tiềm năng cho giày dép Việt
Xuất khẩu vượt Trung Quốc
Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, vừa qua phía Brazil chính thức đưa ra kết luận các doanh nghiệp xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào Brazil không lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Nguyên nhân trước đó, Cục Phòng vệ thương mại Brazil (DECOM) tiến hành điều tra chống bán phá giá giày dép nhập từ Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó Việt Nam được rút khỏi danh sách. Sau quá trình điều tra, phía Brazil chính thức áp thuế chống bán phá giá đối với giày dép nhập khẩu từ Trung Quốc với mức tuyệt đối 13,85 USD/đôi với thời hạn 5 năm kể từ tháng 3/2010.
Giày dép VN thâm nhập sâu vào Brazil sẽ tạo nhiều cơ hội với các thị trường còn lại tại châu Mỹ. (Ảnh: SG)
Đây là rào cản giày dép Trung Quốc xuất vào Braxin. Theo số liệu thống kê, sau 8 tháng bị áp thuế, giày dép nhập từ Trung Quốc đã giảm khoảng còn 16% thị phần, trong khi giày dép Việt Nam lại chiếm 22% thị phần (tăng 30% so với 2009). Tuy nhiên, nguyên phụ liệu giày dép Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc lại tăng xấp xỉ 52%. Chính điều này đã làm phía Braxin nghi ngờ các nhà sản xuất giày lớn trên thế giới như Nike, Adidas, Rebok từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam để trốn thuế chống bán phá giá. Vì vậy, tháng 5/2012 DECOM đã sang Việt Nam để thẩm tra 5 công ty giày dép của Nike và Adidas tại Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn thẩm tra 2 nhà nhập khẩu lớn của Brazil và 6 công ty ở Indonesia. Tuy nhiên, DECOM đã không phát hiện thấy dấu hiệu các công ty giày dép tại Việt Nam xuất khẩu vào Braxin lẩn tránh thuế chống bán phá giá.
Thêm nhiều cơ hội
Hiện nay, Brazil là một trong 5 nhà sản xuất và xuất khẩu giày dép hàng đầu thế giới. Với nhiều điều kiện thuận lợi nên từ lâu Braxin đã có thế mạnh về lĩnh vực này như nguồn nguyên liệu và ngành thuộc da phát triển, nguồn nhân lực dồi dào, trình độ thiết kế mẫu mã đa dạng, phát triển. Ngoài ra, số lượng công ty tham gia các công đoạn nhiều từ các nhà sản xuất nguyên phụ liệu từ giày dép cho tới các nhà sản xuất thành phẩm. Bên cạnh đó, Brazil là một trong số ít các quốc gia sử dụng khá tốt các biện pháp phòng vệ thương mại trong đó tiêu biểu là các công cụ thuế quan để bảo hộ hoạt động sản xuất của mình.
Giày dép Việt Nam thoát khỏi “án chống bán phá giá” là một thành công và tạo được nhiều uy tín và dấu ấn không chỉ tại thị trường Brazil mà thị trường toàn cầu. Chỉ không lâu trước đó giày mũi da Việt Nam xuất khẩu vào EU cũng được giảm thuế về 0%. Tại hầu hết các thị trường xuất khẩu từ dệt may đến giày dép Trung Quốc luôn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam kể cả tại Brazil, cái nôi của xuất khẩu giày.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian còn lại của thời hạn áp thuế chống bán phá giá với Trung Quốc (đến hết tháng 3/2015) giày Việt Nam sẽ phải tranh thủ, tận dụng cơ hội để thâm nhập sâu hơn, đặc biệt vào ngày 4/7/2012 phía Brazil lại quyết định áp thuế các nguyên phụ liệu giày dép nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 182% để hạn chế gần như mọi cửa ngõ giày dép từ phía Trung Quốc. Đây là cơ hội không phải lúc nào Việt Nam cũng có được.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu giày dép Việt Nam vào Brazil đang tăng nhanh qua các năm. Nếu như năm 2009 chỉ xuất khẩu được xấp xỉ 45,5 triệu USD thì đến năm 2011 đã tăng lên 181,5 triệu USD, tăng hơn 30%. Một con số mà khó có thị trường nào sánh kịp, điều mà không lâu trước đây nhiều người đánh giá sẽ khó có thể tăng trưởng được ở thị trường này. Bước sang năm 2012, cho dù nhiều thị trường gặp khó nhưng xuất khẩu vào Brazil vẫn có tăng trưởng tốt, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 đạt 22,1 triệu USD tăng 14,5% so với tháng 5/2012. Tính chung 6 tháng đầu năm đạt 121,4 triệu USD tăng 55% so với cùng kỳ. Theo nhiều chuyên gia, việc giày dép trong nước ngày càng thâm nhập sâu vào Brazil sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các thị trường còn lại tại châu Mỹ, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp giày dép trong nước tích cực cải tiến mẫu mã, chất lượng, giá bán cạnh tranh so với các đối thủ đến từ bên ngoài thậm chí từ chính quốc gia nhập khẩu.
Thụy Dương