Các NHTW châu Á phản ứng không đồng nhất trước áp lực
Thế nhưng, bên cạnh những vấn đề đó, ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi châu Á vẫn còn có mục tiêu lạm phát cần phải quan tâm. Bởi vậy, mặc dù việc giá dầu tăng cao đã khiến các nhà hoạch định chính sách tại nhiều nền kinh tế châu Á phải bổ sung thêm giải pháp trợ cấp nhiên liệu vào gói công cụ chính sách chống lạm phát, song chính sách lãi suất của họ lại ít đồng nhất hơn nhiều.
NHTW Thái Lan được dự báo sẽ tăng lãi suất vào tháng 11 |
Theo đó, trong khi Philippines và Indonesia đang có nhu cầu bức thiết hơn trong việc thắt chặt chính sách vì những lý do khác nhau, thì Thái Lan và Malaysia vẫn gắn bó với lập trường kiên nhẫn hơn. Dưới đây là tác động của lạm phát tới cách tiếp cận chính sách tiền tệ tại một số nền kinh tế mới nổi châu Á.
Philippines
Quốc gia này đặt mục tiêu lạm phát năm 2018 trong khoảng 2% đến 4%. Thế nhưng chỉ số giá tiêu dùng hiện tại đã tăng tới 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát tăng nhanh và không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ giảm xuống ở Philippines, với dữ liệu được công bố hôm thứ Năm (5/7) cho thấy giá cả tiếp tục tăng tốc khi tăng 5,2% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cao hơn tất cả các dự báo trong một cuộc khảo sát của Bloomgberg và điều đó càng củng cố niềm tin của các nhà kinh tế vốn cho rằng nền kinh tế nước này có thể rơi vào tình trạng quá nóng với đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Đồng peso là một trong những đồng tiền yếu nhất ở châu Á trong năm nay và điều đó càng tạo thêm lý do để các quan chức NHTW nước này xem xét thắt chặt khi các thị trường mới nổi đang muốn hạn chế dòng vốn chảy ra. Mặc dù NHTW Philippines đã thực hiện hai lần tăng lãi suất repo ngược qua đêm thêm 25 điểm cơ bản mỗi lần vào tháng 5 và tháng 6, song Thống đốc Nestor Espenilla vẫn để ngỏ khả năng có thể tăng thêm.
Indonesia
Phạm vi lạm phát mục tiêu trong năm 2018 của nước này là từ 2,5% đến 4,5%. Trong khi CPI (YoY) hiện tại đang ở mức 3,12%.
Động thái đầy bất ngờ của NHTW Indonesia khi tiếp tục tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong tuần trước, sau khi đã thực hiện hai lần tăng trong tháng 5, cho thấy các quan chức được xác định sẽ ổn định đồng rupiah trong bối cảnh dòng vốn đầu tư đang chảy ra.
Việc lạm phát giảm tốc tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 6, theo báo cáo được công bố hôm thứ Hai (2/7), đã phần nào khiến các quan chức thêm vững tin. Tuy nhiên với việc đồng nội tệ của nước này vẫn chịu nhiều áp lực, tốc độ tăng giá không phải là mục tiêu chính của NHTW Indonesia trong thời điểm này.
“Ngay cả khi đồng rupiah ổn định trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ được tăng thêm chừng nào mà thâm hụt tài khoản vãng lai còn tiếp tục mở rộng và Cục Dự trữ Liên bang tiếp tục tăng lãi suất”, nhà kinh tế Tamara Henderson thuộc Bloomberg Economics cho biết.
Thái Lan
Phạm vi lạm phát mục tiêu năm 2018 của nước này là 1% đến 4%. Trong khi CPI (YoY) hiện tại là 1,38%.
Dữ liệu được công bố vào thứ Hai (2/7) cho thấy, lạm phát tại Thái Lan bất ngờ giảm tốc nhẹ trong tháng 6 so với một năm trước đó, trái với dự đoán của các nhà kinh tế là lạm phát sẽ có tháng tăng thứ tư liên tiếp.
Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn đang đặt cược là NHTW Thái Lan đang tiến gần hơn đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Nguyên nhân do giá dầu thô Brent đang lơ lửng gần 80 USD/thùng và đồng baht giảm 1,6% so với đồng USD trong năm nay. Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Thái đã thảo luận các điều kiện và thời điểm thích hợp để bình thường hóa chính sách của mình tại cuộc họp diễn ra ngày 20/6, khi lãi suất vẫn được duy trì ổn định ở gần mức thấp kỷ lục 1,5%.
Các nhà kinh tế tại ANZ Banking Group Ltd. Dự báo NHTW Thái Lan sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào đầu tháng 11.
Malaysia
Quốc gia này không đặt ra phạm vi lạm phát mục tiêu trong năm 2018. Trong khi CPI (YoY) hiện tại là 1,8%.
Lạm phát ít được quan tâm ở Malaysia, khi mà một sự thay đổi chính trị đang dẫn tới sự bất ổn chính sách, bao gồm cả tại NHTW sau sự thay đổi nhân sự cấp cao nhất.
Là một nước xuất khẩu năng lượng ròng, nên việc giá dầu cao hơn chỉ có tác động nhẹ đến lạm phát ở Malaysia hơn là so với các nền kinh tế khác. Bên cạnh đó, việc loại bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ 6% cũng phải đình lại, ít nhất là cho đến khi thuế bán hàng theo kế hoạch sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Sau khi tăng lãi suất khá sớm ngay từ tháng 1, lạm phát đã giảm khá ổn định, khiến cho nước này ít thấy cần thiết phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Chỉ có 4 trong số 22 nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg thực hiện hồi giữa tháng 5 dự báo NHTW Malaysia sẽ tăng lãi suất vào cuối năm.
Điều đó cho thấy, phản ứng chính sách của các quốc gia đối với những tác động từ bên ngoài là rất khác nhau, tùy thuộc vào “thể trạng” của các quốc gia đó, đặc biệt là độ bền vững của thị trường tài chính – tiền tệ cũng như lạm phát tại các nước này.