Cần nâng cao trách nhiệm của người vay nợ
Quyền xử lý tài sản bảo đảm dưới góc nhìn kinh tế | |
Tạo điều kiện để VAMC xử lý hiệu quả nợ xấu | |
Khó nhất vẫn là thủ tục đấu giá nợ xấu |
3 phương thức xử lý TSBĐ
Những câu chuyện xung quanh việc khách hàng không trả được nợ, bị NH niêm phong nhà nhưng vẫn “kêu cứu” đã diễn ra khá phổ biến. Điển hình là vụ việc hồi đầu năm 2015, nhân viên của một NHTMCP niêm phong căn hộ chung cư ở phố Hoàng Đạo Thúy – Hà Nội do khách hàng, chủ căn hộ này không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ cho NH. Nói cách khác TSBĐ (TSBĐ) là căn hộ chung cư được NH niêm phong để thu giữ, chờ xử lý. Tuy nhiên, việc làm này của NH lại không được dư luận xã hội ủng hộ, mặc dù phía NH đang thực thi quyền và nghĩa vụ giữa chủ nợ và con nợ.
Vụ việc trên cũng cho thấy, vấn đề xử lý TSBĐ đang khiến các TCTD khá đau đầu với muôn vàn khó khăn. Đại điện của NHTMCP Á Châu (ACB) cho rằng, hiện nay việc xử lý TSBĐ chủ yếu dựa vào 3 phương thức cơ bản: NH và chủ sở hữu phối hợp xử lý TSBĐ; NH tự xử lý TSBĐ; Xử lý TSBĐ thông qua khởi kiện, thi hành án.
Hoạt động xử lý TSBĐ chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết và đầy đủ từ các quy định của pháp luật |
Với phương thức thứ nhất, NH nhận chính TSBĐ để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên được bảo đảm, bán tài sản cho bên thứ ba, bên bảo đảm ủy quyền cho NH bán tài sản… “Đây là phương thức xử lý TSBĐ hiệu quả nhất vì thời gian xử lý nhanh, ít gây tốn kém chi phí cho cả hai bên. Tuy nhiên, phương thức xử lý này chỉ thực hiện được khi chủ sở hữu tài sản hợp tác với NH, nên trong thời gian qua thì số vụ việc xử lý TSBĐ theo cách này chỉ chiếm khoảng 30% trên tổng số hồ sơ nợ quá hạn có TSBĐ” – đại diện của ACB nhấn mạnh.
Còn theo phương thức NH tự xử lý TSBĐ, thì theo quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Thông tư số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/06/2014 hướng dẫn một số vấn đề về xử lý TSBĐ, thì NH có quyền tự xử lý TSBĐ theo hợp đồng đã ký kết khi khách hàng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Khi đó, NH có quyền tự bán TSBĐ cho người khác hoặc thông qua bán đấu giá theo thỏa thuận.
Để thực hiện được quyền tự xử lý này thì việc thu giữ TSBĐ của bên bảo đảm đóng vai trò then chốt, quyết định việc xử lý tài sản có được hay không. Nhưng thực tế cho thấy, khi khách hàng không hợp tác thì sự phối hợp của các cơ quan chức năng Nhà nước trong việc hỗ trợ NH thu giữ TSBĐ lại rất hạn chế, rất ít cơ quan chính quyền địa phương hiểu và hỗ trợ việc thu giữ này nên việc thu giữ TSBĐ khó có thể thực hiện được. Hiện nay số vụ việc NH tự xử lý TSBĐ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, chưa tới 1%, và chủ yếu là xử lý TSBĐ là động sản (phương tiện vận tải, hàng hóa…).
Cuối cùng một phương thức được coi là truyền thống khi xử lý TSBĐ thông qua khởi kiện, thi hành án, thường thấy ở các NH khi khách hàng không trả được nợ. Khi đó, NH sẽ khởi kiện để yêu cầu Tòa tuyên buộc khách hàng trả nợ, nếu không trả được thì phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi thông qua cơ quan thi hành án. Việc khởi kiện khách hàng ra tòa án là biện pháp cuối cùng và không còn sự lựa chọn nào khác để xử lý TSBĐ, thu hồi nợ. Ngay cả khi có được bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án, việc xử lý TSBĐ của người phải thi hành án cũng không dễ dàng và thường kéo dài từ 2-3 năm.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Tuy nhiên, có tham gia vào giải quyết các vụ việc mới thấy được phía NH đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thu hồi nợ, xử lý TSBĐ.
Đại diện NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, ngay đối với tài sản là bất động sản mà TCTD đã tiến hành việc thu giữ theo quy định của Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012), sau khi TCTD tiến hành thủ tục bán đấu giá công khai và bán thành công cho người mua, thì một số trường hợp không thể hoàn tất việc sang tên tài sản cho người trúng bán đấu giá do cách hiểu và vận dụng quy định pháp luật của nhiều Văn phòng Đăng ký đất đai tại các địa phương chưa thống nhất. Nhiều Văn phòng Đăng ký đất đai vẫn yêu cầu TCTD phải có bản án hay quyết định của Tòa án hoặc văn bản của Cơ quan Thi hành án thì mới đồng ý sang tên.
Việc khởi kiện khách hàng ra tòa án là biện pháp cuối cùng và không còn sự lựa chọn nào khác để xử lý TSBĐ, thu hồi nợ |
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hưng - Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý và xử lý nợ có vấn đề của SHB chia sẻ rằng, sau khi TCTD yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp để thu hồi nợ, thì thực tiễn cho thấy có nhiều trường hợp người phải thi hành án gây khó khăn cho Cơ quan thi hành án dân sự các cấp và TCTD để trì hoãn việc kê biên, bán đấu giá TSBĐ.
Cụ thể: Người phải thi hành án là chủ tài sản có đơn khiếu nại, đề nghị Tòa án, Viện Kiểm sát cho hoãn thi hành án; Chủ tài sản cố tình tạo tranh chấp dẫn đến việc Cơ quan thi hành án dân sự phải hướng dẫn các đương sự khởi kiện vụ án dân sự để giải quyết tranh chấp, và việc thi hành án bị tạm hoãn (Xuất trình giấy tờ đã bán tài sản cho bên thứ ba trước thời điểm mà Tòa án tuyên kê biên phát mại cho TCTD).
Đại diện Vietcombank cho rằng, Tổng cục Thi hành án dân sự cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa NHNN, Bộ Tư pháp và các đơn vị liên quan để tìm giải pháp về cơ chế để xử lý TSBĐ. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ cho các đơn vị trực thuộc để áp dụng thống nhất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án cho các TCTD.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hưng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an cầm sớm ban hành Thông tư liên tịch quy định trách nhiệm của Công an các cấp trong việc thu giữ TSBĐ. Theo đó Cơ quan Công an có trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự, bắt giữ hoặc có quyền buộc cá nhân, tổ chức cố tình chống đối trong việc thu giữ TSBĐ phải di chuyển, dời bỏ tài sản đang chiếm giữ để TCTD thực hiện việc thu giữ tài sản theo quy định của pháp luật.