Cảnh báo độ mở nền kinh tế gia tăng
Có thể hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội | |
Điều hành chính sách tiền tệ: Điểm tựa vững chắc cho nền kinh tế | |
Củng cố vĩ mô, khơi thông động lực tăng trưởng |
Tận dụng thuận lợi
Độ mở của nền kinh tế (theo nghĩa hẹp được đo bằng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP) ngày càng lớn. Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt tới 352,4 tỷ USD, tương đương 229,5% GDP, tăng rất mạnh so với mức 199,7% của cùng kỳ năm 2016 và 215,9% của năm 2017.
Vì độ mở lớn nên kinh tế trong nước rất dễ bị cuốn theo vòng xoáy kinh tế thế giới, “điều chúng ta cần là tìm cách để tận dụng được điểm thuận lợi của các diễn biến này và khắc phục điểm bất cập thời gian tới”, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực chưa được hưởng lợi nhiều từ cuộc chiến thương mại |
Cho tới nay, các tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ nét. Một trong những vấn đề được nhiều chuyên gia cảnh báo khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra là nguy cơ hàng hóa Trung Quốc đội lốt xuất xứ Việt Nam để vào Mỹ hoặc ngược lại. Nhưng 2 tháng đã trôi qua, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc chưa có dấu hiệu tăng bất thường.
Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, trong giai đoạn ngắn hạn và quy mô đánh thuế hàng hoá không mở rộng so với hiện nay thì tác động đối với xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ hầu như không đáng kể. Thực tế cũng cho thấy, xuất khẩu sang thị trường này các tháng qua vẫn khả quan. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 34,9 tỷ USD, tăng mạnh 12,5%, cao hơn 2,9 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó các mặt hàng chủ lực đều tăng trưởng tích cực, như điện thoại và linh kiện tăng 46%; giày dép tăng 12,9%; hàng dệt may tăng 11,9%... Cùng với đó, thặng dư thương mại với thị trường này tiếp tục nâng lên trong 9 tháng qua.
Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, một khía cạnh thuận lợi khác có thể tận dụng từ cuộc chiến thương mại là xung đột hiện nay cho thấy chiều hướng chiến lược của Mỹ kiềm chế Trung Quốc, đặc biệt kiềm chế ở các sản phẩm công nghệ cao. “Chúng ta thấy Mỹ đánh thuế cao vào các nhóm hàng này và không cho nhà đầu tư Trung Quốc vào Mỹ ở các nhóm hàng công nghệ cao, giảm thiểu tác động của chiến lược Made in China. Nếu tận dụng tốt, đây sẽ là điểm thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu một số mặt hàng vào Mỹ, thay thế cho Trung Quốc và một số nước có chiến tranh thương mại với Mỹ”, ông Lâm khuyến nghị.
Cùng với đó, theo các chuyên gia, xung đột thương mại tạo lực đẩy mạnh hơn trong triển khai liên kết kinh tế và đầu tư đa phương thay cho song phương. Vì vậy Việt Nam cần tích cực thực hiện đường lối đa phương hoá trong hợp tác, tìm kiếm thị trường. Thực tế cũng cho thấy gần đây Chính phủ kêu gọi mở rộng tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt tìm kiếm thị trường cho hàng xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm trong nước.
Chủ động hóa giải bất lợi
Tuy nhiên xét trong dài hạn, nếu thương mại thế giới diễn biến bất lợi thì độ mở lớn của nền kinh tế cũng rất dễ trở thành điểm yếu của Việt Nam. Hiện nay Việt Nam đứng thứ 12 về quy mô xuất khẩu và thứ 5 về quy mô thương mại với Mỹ. Tổng cục Thống kê cảnh báo, Mỹ coi Việt Nam như là đối tượng đang khiến cho họ chịu thiệt thòi vì thâm hụt thương mại. Và trong xu thế chung, với chiều hướng chính sách gia tăng bảo hộ thương mại, Mỹ sẵn sàng đưa ra các rào cản thuế, kỹ thuật với tất cả các nước mà Mỹ chịu thâm hụt.
TS. Huỳnh Thế Du - Trường Đại học Fulbright phân tích, trong gần 5.900 dòng sản phẩm trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc mà Mỹ áp thuế 10%, thì các sản phẩm cùng mã của Việt Nam xuất sang Mỹ có giá trị 13 tỷ USD, trong đó nội thất chiếm 36,7%; nông thuỷ sản chiếm 19,4%, thiết bị điện, điện tử 13,5%; túi xách 8,8%. Đây là nhóm hàng Việt Nam có thể hưởng lợi nếu Trung Quốc bị áp thuế, buộc các nhà nhập khẩu Mỹ chuyển sang nhập từ Việt Nam. Tuy nhiên hàng may mặc và giày dép, vốn là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh nhất, thì không có trong danh mục này.
Bên cạnh đó, ông Du nhấn mạnh, điều cần lưu ý là về mặt vĩ mô, chuyện Việt Nam thặng dư thương mại với Mỹ cũng là một “cái gai” trong mắt chính quyền của ông Trump. “Nếu như chúng ta đẩy mạnh thặng dư lên nữa thì rất dễ bị rơi vào tầm ngắm của cuộc chiến này”, ông Du cảnh báo.
Rủi ro khác đến từ gian lận thương mại. Theo đó, Trung Quốc và các nước chịu thuế của Mỹ sẽ chuyển hàng vào Việt Nam, núp dưới nhãn hiệu sản phẩm có xuất xứ Việt Nam. Vấn đề này hoàn toàn là rủi ro thương mại, vì vậy cần tăng cường công tác rà soát nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, nếu không hàng hoá sản xuất trong nước rất dễ bị lép vế với hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc.
Sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư do tác động của chiến tranh thương mại hiện cũng chưa rõ ràng, song cần chú ý nhiều hơn tới các nguy cơ tiêu cực.
Đầu tiên, dòng vốn đầu tư có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó nhiều khả năng vào Việt Nam. Kể cả đầu tư của chính Trung Quốc cũng có thể vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện xu hướng này vẫn chưa rõ nét. Bên cạnh đó, nếu không có giải pháp thu hút hợp lý, rất có thể dòng vốn này vào Việt Nam cũng chỉ nhằm tận dụng các ưu đãi đầu tư, nguồn tài nguyên và nhân công giá rẻ như trước đây.
“Không loại trừ khả năng họ lợi dụng môi trường đầu tư thuận lợi của Việt Nam để đưa sang các dự án có công nghệ lạc hậu. Vì vậy đến thời điểm này cần sàng lọc dự án FDI chứ không thể thu hút bằng mọi giá”, một chuyên gia về FDI lo ngại.