Dấu ấn “Miền di sản diệu kỳ”
Muốn đi xa phải đi cùng nhau
Nếu như cách đây 11 năm, “Hành trình Di sản miền Trung” còn rất thô sơ, thì hiện nay đã tăng dần lên về cả số lượng điểm đến tới chất lượng dịch vụ, không chỉ gói gọn trong 3 địa phương Đà Nẵng - Quảng Nam - Huế mà đã mở rộng ra Quảng Bình, Quảng Trị với tên gói mới “Miền di sản diệu kỳ”. Du khách cũng có nhiều sự lựa chọn phong phú hơn ngoài các di sản văn hóa thế giới như Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Quần thể di tích Cố đô Huế, mà còn có thể thăm thú các di sản thiên nhiên thế giới như quần thể hang động của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hay các di tích lịch sử tại “vùng đất thiêng” Quảng Trị.
Trong những năm qua, du lịch 5 tỉnh miền Trung vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của Du lịch Việt Nam và khu vực châu Á với khoảng 20-25 triệu khách/năm. Hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú cùng với hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch đồng bộ, trong đó có nhiều sản phẩm, cơ sở lưu trú, điểm du lịch đẳng cấp quốc tế. Với nhận thức chung “muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau”, nhóm liên kết đã hỗ trợ lẫn nhau trong công tác xúc tiến, quảng bá. Năm địa phương cùng đồng hành xúc tiến tại các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế, tổ chức tiếp đón nhiều đoàn farmtrip, presstrip từ các thị trường du lịch truyền thống và tiềm năng ở khu vực châu Á và thế giới.
Trong quy hoạch tổng thể du lịch miền Trung, định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng là phát triển du lịch tham quan, nghiên cứu di sản thế giới, giá trị văn hóa - lịch sử. Trên thực tế, nhiều năm qua các địa phương đã hình thành và khai thác thế mạnh đặc trưng. Cụ thể, Quảng Bình tập trung phát triển du lịch mạo hiểm, khám phá hang động, di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Quảng Trị hướng về du lịch tâm linh, về chiến trường xưa để khai thác hệ thống di tích cách mạng đồ sộ với không gian linh thiêng. Thừa Thiên Huế là Cố đô của Việt Nam, khai thác thế mạnh quần thể di sản thế giới với hệ thống kiến trúc, thành quách, cung điện, lăng tẩm, đình chùa… mang đậm bản sắc văn hóa cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đà Nẵng phát triển du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí... Quảng Nam khai thác các di sản thế giới phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn… Mỗi địa phương với đặc trưng riêng cùng làm nên một điểm đến diệu kỳ, đầy sức hấp dẫn, chào mời du khách khám phá và làm giàu những trải nghiệm.
Điểm nhấn lớn nhất trong liên kết “Miền di sản diệu kỳ” là công tác quảng bá, xúc tiến du lịch |
Liên kết để phát triển du lịch
Trong năm 2024, việc liên kết để phát triển du lịch của 5 địa phương khu vực miền Trung dưới thương hiệu “Miền di sản diệu kỳ” tiếp tục tạo ra nhiều dấu ấn. Đặc biệt điểm nhấn lớn nhất là công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Trong năm, ngành du lịch 5 địa phương đã lập gian hàng chung để quảng bá tại 2 hội chợ quốc tế lớn là Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2024) và Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ITE HCMC 2024).
Tại VITM Hà Nội 2024, gian hàng của 5 địa phương đã thu hút khoảng 3.000 lượt khách tham quan, tìm hiểu thông tin du lịch, phát hành hàng ngàn ấn phẩm các loại giới thiệu du lịch, dịch vụ du lịch của 5 địa phương, doanh nghiệp và được Ban tổ chức hội chợ vinh danh “Gian hàng có quy mô lớn nhất VITM Hà Nội 2024”. Còn tại ITE HCMC 2024, gian hàng trưng bày của 5 địa phương đã thu hút khoảng 3.000 lượt khách đến tham quan và tìm hiểu thông tin, phát hành khoảng 3.000 ấn phẩm giới thiệu du lịch của cả 5 địa phương. Các doanh nghiệp du lịch đồng hành cùng ngành du lịch 5 địa phương đã đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác với nhiều đối tác ngay trong thời gian diễn ra hội chợ. Riêng 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam đã hợp tác trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch tại Đài Bắc - Đài Loan (Trung Quốc) và tại hai thành phố Melbourne, Sydney (Úc) đã thu hút được sự quan tâm của các đối tác tại thị trường du lịch tiềm năng này.
Theo số liệu thống kê, trong năm 2024, lượng khách đến Quảng Nam là hơn 8 triệu lượt, trong đó có khoảng 5,5 triệu lượt khách quốc tế. Thành phố Đà Nẵng ước phục vụ khoảng 10,3 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có khoảng 4,2 triệu lượt khách quốc tế. Thừa Thiên Huế lượng khách đến ước đạt hơn 3,2 triệu lượt, trong đó hơn 1 triệu lượt khách quốc tế. Quảng Bình dự kiến sẽ đón khoảng 5,2 triệu lượt khách và Quảng Trị hơn 3 triệu lượt khách du lịch.
Ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho hay, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ và có tinh thần thống nhất cao trong quá trình triển khai các hoạt động. Sự chung tay, hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp các địa phương góp phần lớn vào thành công của các hoạt động và tiết kiệm được ngân sách địa phương. Khó khăn chung là nguồn kinh phí cấp cho các hoạt động xúc tiến du lịch còn hạn chế, cơ chế hoạt động của các địa phương có những đặc thù riêng, do đó trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Hoạt động liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch 5 địa phương chỉ mới triển khai trong nước. Cũng mới chỉ có Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam liên kết với các đối tác nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ đăng cai Năm du lịch quốc gia, các địa phương trong vùng liên kết du lịch hỗ trợ truyền thông, quảng bá sự kiện, đồng thời, hưởng ứng tham gia các hoạt động Năm du lịch quốc gia Huế - 2025 đảm bảo tính liên vùng, liên địa phương kết nối với Thừa Thiên Huế. Tiếp tục phát huy giá trị liên kết 5 địa phương cùng thông điệp “Miền di sản diệu kỳ”. Phối hợp xúc tiến, quảng bá và tăng cường sự nhận diện thương hiệu du lịch 5 địa phương tại các sự kiện, hội chợ trong và ngoài nước. Ngoài ra, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch của 5 địa phương giao lưu, trao đổi, mở rộng thị trường, hợp tác đầu tư kinh doanh với các đối tác trong nước và quốc tế.
Là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á (do Lonely Planet vinh danh năm 2019), với xu thế du lịch xanh, du lịch thiên nhiên, “Miền di sản diệu kỳ” sẽ tiếp tục là sự lựa chọn hàng đầu, điểm phải đến của khách du lịch và hứa hẹn sẽ phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.