Câu chuyện vỉa hè
Nỗi lo hàng quán vỉa hè | |
Giành lại vỉa hè cho người đi bộ |
Ảnh minh họa |
Việc ra quân của các cơ quan chức năng địa phương để giành lại vỉa hè cho người đi bộ cuối cùng đã lan ra đến Hà Nội. Trên phố nhà tôi vào chiều hôm 15/3, một loạt cửa hiệu giặt là, bánh ngọt, đại lý vé máy bay… đã được yêu cầu gỡ bỏ biển hiệu trái với quy định. Được biết, sắp tới khu phố tôi còn được tiến hành kiểm tra bậc lên xuống, hộ nào lấn chiếm ra vỉa hè sẽ bị đập bỏ. Việc thu giữ hàng rong cũng sẽ được thực hiện rốt ráo…
Công cuộc giành lại vỉa hè cho người đi bộ đang được dư luận đồng tình ủng hộ, bởi từ lâu hiện trạng giao thông đã trở nên “rối loạn”. Từng có những vụ tai nạn dẫn tới thương vong cho người đi bộ, chỉ vì vỉa hè không có chỗ nên họ phải đi xuống lòng đường, bị xe đụng… Vì vậy, cũng có thể coi đây là việc làm phù hợp thực tế quy hoạch giao thông đô thị.
Nhưng nhìn ở khía cạnh đời sống, khi mà hiện trạng nhà ở Thủ đô vẫn theo kiểu “phố hàng”, nhà nhà hướng ra mặt tiền kinh doanh, lâu nay cũng đã trở thành một nét độc đáo của đô thị cổ, thì việc lập lại trật tự vỉa hè không đơn giản. Hộ dân thì gần mà lực lượng quản lý vỉa hè ở xa, không dễ túc trực thường xuyên, trong khi việc lập lại trật tự vỉa hè rất cần phải được ra quân quyết liệt.
Thêm vào đó, những người, những hộ dân đang tìm nguồn sống từ vỉa hè, nay bị ảnh hưởng và lao đao mất nguồn thu nhập thì cần được quan tâm hỗ trợ. Điều này là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, bởi như một nhà báo bạn tôi dẫn số liệu từ UNDP, thì khu vực kinh tế phi chính thức hiện chiếm tới khoảng 20% GDP của Việt Nam, hay tương đương với gần một triệu tỷ đồng. Nó đang tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 23,5% dân số cả nước, và tỷ lệ này đặc biệt cao ở các thành phố lớn.
Nói như thế để thấy rằng, các giải pháp hiện nay có lẽ chưa đạt được đến mức người dân tự nguyện trả lại vỉa hè. Tôi tin rằng những chị bán dứa và củ đậu vẫn ngồi nhờ trước cửa nhà tôi, hay cô bán xôi phía đối diện nhà trong ngõ vẫn ngồi ghé bên hàng cà phê bán quà sáng, chắc chắn sẽ bỏ gánh hàng của mình để nhường đường cho người đi bộ. Họ hiểu được rằng gánh hàng đang lấn chiếm vỉa hè, đang ảnh hưởng đến người khác, nhưng vì cuộc sống và vì mưu sinh nên buộc phải thế.
Phải chăng, việc giành lại vỉa hè đang cần thêm những giải pháp căn cơ hơn nữa?