Giành lại vỉa hè cho người đi bộ
Phận người "ăn sương uống bụi" | |
Đâu phải “chuyện vỉa hè”! |
Quả thực, theo quy định thì rõ ràng vỉa hè là phần đường dành cho người đi bộ lưu thông. Thế nhưng đã từ lâu vỉa hè là nơi người dân bán hàng, trông xe, để xe, hay những quán nước trà, hàng rong, sửa xe…
Và cũng từ lâu, người đi bộ thay vì thong dong đi trên phần đường của mình thì phải luồn lách giữa rừng hàng quán, bàn ghế, thậm chí xuống lòng đường để di chuyển. Và có lẽ vì thế mà hành động quyết liệt giành lại vỉa hè cho người đi bộ của quận 1, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội được dư luận hết sức chú ý và đồng tình.
Quận 1, TP. Hồ Chí Minh ra quân lập lại trật tự đô thị |
Bác Nguyễn Văn Thành (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, đảm bảo thành phố xanh, sạch đẹp, gìn giữ nếp sống văn minh đô thị là việc mà các cơ quan chức năng nên làm từ lâu. Việc này cần phải cương quyết, nhưng cũng không nên nóng vội. Tránh trường hợp đáng tiếc như việc tháo dỡ các trạm gác bảo vệ của công an tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh vừa qua.
Bên cạnh đó, việc giành lại vỉa hè phải thường xuyên, liên tục, tránh làm theo phong trào bởi chỉ cần các cơ quan chức năng buông lơi một chút thì vỉa hè sẽ lại “biến mất” ngay. Cùng với đó là tiến hành xử phạt thật nặng những cá nhân, tổ chức cố tình tái phạm…
Đồng tình với cách hành động của cơ quan chức năng vừa qua, sinh viên Nguyễn Tuấn Anh (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: Tôi thích các làm kiên quyết, rõ ràng của quận 1, tất cả sai phạm phải bị xử phạt, không phân biệt công hay tư. Nhưng đó mới chỉ là sự bắt đầu. Giành lại được vỉa hè cho người đi bộ đã khó, song phải giữ được vỉa hè đó thông thoáng, không tái diễn tình trạng lấn chiếm mới là cái khó.
Bởi lực lượng chức năng thì mỏng, đâu có thể túc trực 24/24 để xử lý hết các vi phạm? Quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của mỗi người và đặc biệt là của những hộ dân sống ngay sát vỉa hè. Chỉ có nâng cao ý thức tự giác, lòng tự trọng của mỗi người dân ở đó mới có thể giữ được vỉa hè thông thoáng dài lâu.
“Quả thật, đón các cháu đi học về mà không có vỉa hè để đi, phải đi xuống lòng đường, trong khi xe máy, ô tô cứ phóng vèo vèo cũng sợ lắm. Thế nhưng vỉa hè thì tràn ngập hàng hóa hay bàn ghế của những người bán hàng, không xuống lòng đường thì đi chỗ nào? Nhiều lần cũng thấy xe ô tô phường xuống tháo dỡ, thu hàng hóa của những người bán hàng trên vỉa hè, thế nhưng xe ô tô của cơ quan chức năng vừa khuất bóng thì hàng rong từ các ngõ, quán hàng từ trong nhà nhô ra nhanh hơn điện và vỉa hè thì đương nhiên là của họ. Tôi mong các cơ quan chức năng làm thật mạnh tay, duy trì xử phạt nặng thì may ra vỉa hè mới trở thành đường cho người đi bộ như đúng nghĩa của nó”, bà Nguyễn Thị Liên (Cầu Giấy, Hà Nội) nói với phóng viên Thời báo Ngân hàng.
Đồng tình với sự ra quân quyết liệt của các địa phương trong việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ, mới đây Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã chỉ đạo các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc bộ, công an các tỉnh thành tập trung vào nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn trật tự đô thị.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo công an phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, kiên quyết không để tái diễn vi phạm.
Với sự ra quân đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng như vậy, hy vọng tới đây những vỉa hè rộng thênh thang sẽ là nơi người đi bộ có thể thong dong tản bộ ngắm phố phường chiều muộn, hay nơi những em nhỏ thoải mái đùa vui mỗi khi tan trường. Và trên hết, nó cũng là nơi bắt nguồn cho một lối sống văn minh, lịch sự hơn…