Nỗi lo hàng quán vỉa hè
Giành lại vỉa hè cho người đi bộ | |
Phận người "ăn sương uống bụi" |
Ảnh minh họa |
Trên thực tế, thức ăn ở các quán vỉa hè được trang trí ngon mắt trên chén đĩa, tuy nhiên đằng sau vẻ sạch sẽ đó là khâu vệ sinh chỉ quan sát bằng mắt thôi đã thấy ớn lạnh. Hình ảnh những thau, xô nước siêu bẩn; chén đĩa nằm ngổn ngang cạnh cống thải… xuất hiện trên khắp các góc đường đô thị, nơi hàng quán bán tràn ra vỉa hè.
Điều đáng nói là do không có nguồn cấp nước riêng nên các quán vỉa hè, gánh hàng rong thường dùng nước tiết kiệm, hạn chế thay. Đó là chưa kể, đa phần các quán ăn vỉa hè đều sử dụng các loại nước rửa chén không nhãn mác, được pha chế thủ công bằng các loại hóa chất công nghiệp, tiềm ẩn nỗi lo khôn lường.
Từng mục sở thị chợ Kim Liên - “khu chợ tử thần” của TP. Hồ Chí Minh - người viết bài thấy được câu chuyện các chủ quán mua nước rửa chén, đĩa như thế nào. Khi được hỏi hóa chất nào để làm nước rửa chén giá rẻ thì vô vàn công thức đưa ra, nhưng đều có điểm chung là những chất hóa học như chất tạo đặc, chất tạo mùi, chất tạo màu và một số chất có tính kiềm mạnh.
Chỉ với 75.000 đồng, người mua có thể tạo ra được 20 - 30 lít nước rửa chén siêu rẻ. Chính vì thế nên với những ai chỉ quan tâm đến lợi nhuận thì loại hóa chất tẩy rửa cực mạnh này chính là lựa chọn “không thể tốt hơn”.
Nhưng theo bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, Trưởng khoa Tiêu hóa can thiệp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP. Hồ Chí Minh): Với các loại nước rửa chén pha chế từ các chất hóa học, khi dùng lưu lại trên bát đĩa, không gây ngộ độc ngay tức thời nhưng mỗi ngày tích tụ một ít, lâu dài có thể gây ngộ độc.
Đã có nhiều vụ nhập viện do ăn uống ở những nơi kém chất lượng, nhưng vì giá thành rẻ cùng với mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe chưa cao khiến người dân vẫn thờ ơ khi chọn những địa điểm ăn uống thiếu vệ sinh.
Nhiều người bán hàng tùy tiện, thiếu ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng là một thực tế đáng buồn. Và vì thế, ngoài sự nhập cuộc của cơ quan chức năng, người dân nên có ý thức tự bảo vệ mình trước những quán ăn vỉa hè để không rơi vào cảnh “miệng làm hại thân”, chỉ vì cái tặc lưỡi cho qua.